05:03, 21/03/2012

Thuốc đắng mới dã được tật

Gần đây dư luận rất bức xúc về hàng loạt vấn nạn liên quan đến chất lượng hàng hóa trên thị trường: nào là xăng dỏm; rau củ, trái cây; thịt cá… cũng đầy hóa chất.

Gần đây dư luận rất bức xúc về hàng loạt vấn nạn liên quan đến chất lượng hàng hóa trên thị trường: nào là xăng dỏm; rau củ, trái cây; thịt cá… cũng đầy hóa chất. Mới đây nhất là vụ nuôi heo bằng hóa chất tạo nạc gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Hàng loạt vấn đề được phát hiện đã cho thấy trật tự xã hội trong lĩnh vực thương mại đang rất bất ổn. Người dân mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý thật nặng với những kẻ buôn bán bất lương này…

Gần đây, các cơ quan chức năng đang ráo riết vào cuộc để xác định mức độ vi phạm việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo. Điều đó làm cơ sở cho việc xử lý, đồng thời ổn định dư luận, “cứu” ngành chăn nuôi khỏi “tiếng xấu” của một vài cá nhân, tổ chức hám lợi vi phạm… Thông tin từ báo chí cho thấy, một vài cơ sở chăn nuôi heo đã trộn những chất tạo nạc vào thức ăn của heo. Chất này vốn là hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức đã sử dụng chất cấm này bởi lợi ích trước mắt mà nó mang lại, đó là heo sẽ rất mau lớn và thịt thành phẩm của nó sẽ rất đẹp. Điều này đánh lừa thị giác của người tiêu dùng vì thực tế khi sử dụng hóa chất này, một dư lượng nhỏ vẫn tồn tại trong thịt heo khi xuất ra thị trường. Hóa chất này có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người và nếu hàm lượng quá mức cho phép có thể gây tử vong. Thế nhưng, dù biết hóa chất trên bị cấm, những người vô lương tâm vẫn sử dụng vì điều đó giúp họ thu lời nhiều, bất chấp hậu quả có thể gây ra cho người tiêu dùng. Điều đáng nói là việc sử dụng hóa chất này đã tồn tại từ lâu và chỉ mới bị phát hiện gần đây.

Khi thông tin này được loan báo, gần như nó đã gây sốc trên thị trường. Nhiều người tiêu dùng đành phải quay lưng với thịt heo dù đây là một loại thực phẩm chủ lực trong bữa ăn gia đình. Điều đó khiến cho những người chăn nuôi chân chính bị điêu đứng và ngành công nghiệp chăn nuôi heo đứng trước bờ vực phá sản. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa hề có một thông tin nào về việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm…

Một vấn đề khá bức xúc hiện nay là các cây xăng bán hàng kém chất lượng, gian lận “móc túi” khách hàng. Đây là vấn đề không mới và tồn tại nhiều năm qua. Xăng dầu là mặt hàng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nhu cầu xã hội về nó rất lớn nên việc kinh doanh mặt hàng này cũng mang lại rất nhiều lợi nhuận. Chính vì muốn thu lợi bất chính mà nhiều cá nhân, tổ chức đã lén lút pha xăng dỏm bán cho khách hàng, cân đo gian lận để “móc túi” khách hàng. Qua kiểm tra, nhiều cơ sở đã bị phát hiện và phạt tiền, cùng lắm là rút giấy phép kinh doanh. Thế nhưng, những cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn tiếp tục kinh doanh, nên tình trạng khách hàng bị “móc túi” vẫn tiếp tục diễn ra. Hiện nay, chưa có kết luận về tác hại của loại vi phạm này. Tình trạng ô tô, xe máy tự dưng cháy nổ bùng phát trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên dư luận vẫn nghi ngờ nhiều về chất lượng của các loại xăng được bày bán công khai trên thị trường.

Điểm chung của cả 2 trường hợp trên là tác hại mà nó gây ra đều đổ lên người tiêu dùng. Nó đã xâm hại đến trật tự an toàn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; xâm hại đến sự đúng đắn, trật tự mua bán, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức xã hội trong lĩnh vực thị trường. Tác hại của nó đối với xã hội là rất lớn. Đối với trường hợp trên, nó vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, vừa ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước. Ở trường hợp sau cũng vậy, nếu đúng xe cháy nổ do nhiên liệu không đảm bảo tiêu chuẩn, rõ ràng tài sản của xã hội bị phá hủy, người sử dụng có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng…

Như vậy, có thể thấy những hành vi vi phạm đều là cố ý (vì mục đích kiếm lời), xâm hại đến những quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ, hay nói cách khác là những hành vi vi phạm đều đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên trên thực tế, việc xử lý những hành vi trên chủ yếu sử dụng hình thức hành chính, điều đó chưa tương xứng với mức độ vi phạm. Cho nên, đối với những vi phạm trong lĩnh vực tiêu dùng ngày càng phổ biến như hiện nay, người dân rất mong cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của số đông người tiêu dùng. Phạt vài chục triệu hay thậm chí cả trăm triệu đồng cũng không đủ sức răn đe những hành vi này. Bài học về xử lý rượu, thuốc lá ngoại nhập lậu trong thời gian qua đã minh chứng cho điều ấy. Cho dù mức phạt có thể bằng với giá trị hàng hóa vi phạm, có thể lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng hành vi này không hề giảm bởi nếu trót lọt thì lợi nhuận quá lớn. Chính vì thế mà mới đây Chính phủ phải bổ sung mức phạt, đồng thời quy định thêm về việc xử lý hình sự để điều chỉnh tình trạng này.

Tuy nhiên, đối với trường hợp đang đề cập, tác hại của nó đến rất nhanh. Người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng ngay sau khi sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng, chẳng hạn như nhiễm đôïc thịt heo ngay sau khi sử dụng, xe hơi, xe máy có thể cháy ngay khi đổ xăng dỏm… Vì thế, điều cốt yếu là phải xử lý nhanh, mạnh và dứt khoát để răn đe ngay từ đầu, đồng thời giảm thiểu mọi nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Và chỉ có pháp luật về hình sự mới đủ sức làm việc đó.

LÊ MINH