06:03, 20/03/2012

Vẫn là câu chuyện về ý thức của doanh nghiệp và người lao động

Những năm qua, các cấp, các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức chấp hành các nội quy an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.

Những năm qua, các cấp, các ngành, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức chấp hành các nội quy an toàn lao động (ATLĐ) cho người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm tốt công tác ATLĐ vẫn còn những đơn vị xem nhẹ công tác này. Do đó, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) hàng năm vẫn xảy ra, để lại nhiều trường hợp đau lòng…

. Những cái chết thương tâm

Những năm qua, các cấp, các ngành, DN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có sự quan tâm đến công tác an toàn cho NLĐ khi tham gia lao động, sản xuất. Tuy nhiên, tại các DN tư nhân, các cơ sở có vốn đầu tư thấp gặp khó khăn về tài chính thì việc đầu tư cho công tác ATLĐ còn rất hạn chế, môi trường lao động chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp rất cao. Những vụ TNLĐ đáng tiếc vẫn diễn ra, để lại nhiều hậu quả thương tâm cho gia đình các nạn nhân.

Điển hình như ngày 19-6-2011, ông Hoàng Hữu Hậu được Công ty liên doanh TNHH Trồng và Chế biến cây nguyên liệu giấy xuất khẩu Cát Phú giao nhiệm vụ vận hành ô tô 2,5 tấn vận chuyển gỗ lóng từ bãi tập kết vào khu chế biến. Nhưng sau khi nâng thùng xe đổ gỗ vào máng sản xuất, ông Hậu đã không hạ thùng xe xuống mà nhờ ông Bùi Khắc Thuật (làm cùng ca - thôn Hòn Nghê 2, Vĩnh Ngọc, Nha Trang) kiểm tra giúp. Trong quá trình kiểm tra, bất ngờ thùng xe sập xuống chèn ông Thuật vào giữa dẫn đến tử vong. Sau khi vụ tai nạn, các ngành chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân và kết luận do ông Bùi Khắc Thuật bất cẩn không kê chèn thùng xe nên đã gây tai nạn cho bản thân. Ông Thuật chết để lại 2 đứa con đang ở tuổi ăn học.

Doanh nghiệp và người lao động cần nâng cao ý thức chấp hành các quy trình về an toàn vệ sinh lao động (ảnh manh tính chất minh họa).
Doanh nghiệp và người lao động cần nâng cao ý thức chấp hành các quy trình về an toàn vệ sinh lao động (ảnh manh tính chất minh họa).

Tiếp đó, ngày 20-6-2011, tại Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin, ông Trần Bá Lương nhận nhiệm vụ đứng trên tàu dùng bộ đàm điều khiển cẩu hàng. Trong quá trình theo dõi móc cáp, do bất cẩn khi di chuyển, ông Lương đã ngã xuống hầm tàu ở độ sâu 15m dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong tại chỗ. Theo kết luận điều tra của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin chưa che chắn hoặc đặt biển cảnh báo nơi nguy hiểm. Đồng thời, Công ty cũng chưa thường xuyên kiểm tra điều kiện làm việc của NLĐ và do ông Lương bất cẩn trong quá trình làm việc. Được biết, ông Lương mới lập gia đình và có 1 con nhỏ…

. Đâu là nguyên nhân?

Theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt là số cuộc thanh tra, kiểm tra còn quá ít. Bên cạnh đó, số NLĐ tự do chưa được huấn luyện một cách có hệ thống về công tác AT-VSLĐ - phòng, chống cháy nổ còn rất cao. Công tác thông tin, tuyên truyền về AT-VSLĐ - phòng, chống cháy nổ còn hạn chế, chưa đầy đủ, nhất là những DN mới đi vào hoạt động. Với những DN vừa và nhỏ, DN tư nhân, hộ cá thể có vốn đầu tư ít, khó khăn về tài chính, điều kiện đầu tư cho bảo hộ lao động (BHLĐ) quá thấp. Môi trường làm việc của NLĐ chưa được đảm bảo, nguy cơ xảy ra TNLĐ và bệnh nghề nghiệp rất cao.

Về phía NLĐ, đa số chưa được đào tạo nghề, khi vào làm việc, phía DN chỉ hướng dẫn các thao tác công việc mà “phớt lờ” công tác tổ chức tập huấn, học tập nội quy lao động và trang bị BHLĐ. Vì vậy, sự hiểu biết về ATLĐ, mối nguy hiểm cần đề phòng trong lao động của NLĐ còn yếu kém. Bên cạnh đó, một số lao động tuy đã được đào tạo cơ bản, được huấn luyện về ATLĐ, BHLĐ, nhưng do chủ quan, không nêu cao ý thức chấp hành nội quy nên đã gây ra những TNLĐ đáng tiếc cho bản thân và những người xung quanh.

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Kết quả kiểm tra các vụ TNLĐ đều cho thấy, việc thực hiện pháp luật lao động và công tác quản lý BHLĐ ở các DN còn nhiều vi phạm. Nhiều DN tư nhân, DN vừa và nhỏ, điều kiện lao động còn khắc nghiệt và tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Phần lớn các DN không thường xuyên kiểm tra các yếu tố về môi trường lao động, tỷ lệ khám sức khỏe cho NLĐ còn thấp, công tác huấn luyện ATLĐ cho NLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc”.

Tham gia đợt kiểm tra công tác ATLĐ tại một số công trình xây dựng nhà cao tầng trên địa bàn TP. Nha Trang mới đây, chúng tôi nhận thấy, đa số các đơn vị còn chủ quan trong việc chấp hành công tác ATLĐ. Hệ thống bình cứu hỏa tại các công trường xây dựng còn quá ít (nhiều bình đã hết hạn sử dụng); hệ thống cầu thang thoát hiểm chưa được thông thoáng; chưa xây dựng được các phương án phòng cháy chữa cháy; số người được huấn luyện phòng cháy chữa cháy còn mỏng; các biển cảnh báo nguy hiểm còn ít…

. Cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người lao động

Theo ông Mai Xuân Trí, trên thực tế các vụ TNLĐ đều có thể phòng tránh được, quan trọng là phải nâng cao nhận thức từ NLĐ và người sử dụng lao động. Về phía DN, phải xác định rõ việc đảm bảo ATLĐ cho NLĐ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cần được đầu tư xứng đáng về thời gian, tâm huyết, tài chính và nhân lực. Người sử dụng lao động phải quản lý chặt chẽ các quy trình thực hiện ATLĐ. Bên cạnh đó, khi vận hành các thiết bị máy móc, phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn, kỹ thuật phải được kiểm tra, kiểm định thường xuyên để tránh xảy ra TNLĐ… Ngoài ra, cần phối hợp với các bộ phận liên quan nghiên cứu đề xuất các biện pháp cải tạo điều kiện môi trường lao động, nhằm loại bỏ bớt các yếu tố nguy hiểm độc hại dễ phát sinh cho NLĐ.

Các DN khi tiếp nhận NLĐ vào làm việc cần tổ chức huấn luyện về AT-VSLĐ. Trong quá trình lao động, sản xuất, NLĐ luôn phải nêu cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định về AT-VSLĐ. Đặc biệt, những lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp cận với các loại máy, thiết bị, vật tư luôn phải tập trung cao độ và chấp hành nghiêm ngặt những quy định về ATLĐ. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với DN tăng cường tuyên truyền pháp luật về AT-VSLĐ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và phòng ngừa TNLĐ cho NLĐ…

Có thể nói, việc trang bị các phương án phòng tránh tai nạn, bảo vệ AT-VSLĐ cho công nhân là yêu cầu cấp bách đặt ra cho các DN. Chính vì thế, việc tăng cường tuyên truyền cho lực lượng lao động có ý thức tuân thủ các quy định về BHLĐ, tự chăm sóc sức khỏe cho mình là rất quan trọng, đây là công việc mà tổ chức Công đoàn các cấp phải quyết tâm và thường xuyên thực hiện. Có như vậy, vấn đề “nóng” về TNLĐ mới “hạ nhiệt”.

PHÚ VINH