03:03, 02/03/2012

Quyết liệt chặn dòng học sinh bỏ học

Trong cuộc họp với Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa mới đây, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo phải tăng mức học bổng, trợ cấp cho học sinh ở 2 huyện miền núi để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.

Trong cuộc họp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa mới đây, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo phải tăng mức học bổng, trợ cấp cho học sinh (HS) ở 2 huyện miền núi để khắc phục tình trạng HS bỏ học. Đây là tin vui cho các HS, đặc biệt là HS dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời thể hiện sự quyết liệt chặn dòng HS bỏ học của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, giải pháp trên, muốn phát huy hiệu quả, phải được thực hiện đồng bộ cùng nhiều giải pháp khác.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay, huyện Khánh Vĩnh có thêm 62 HS bỏ học, trong đó 47 HS cấp trung học cơ sở (THCS), 15 HS cấp trung học phổ thông (THPT); nâng tổng số HS bỏ học trong toàn tỉnh năm học 2011 - 2012 lên 653 HS. Trong đó, có 160 HS DTTS bỏ học. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, tuy tỷ lệ HS bỏ học có giảm (0,2%) so với cùng kỳ năm học trước nhưng nếu so với mức đầu tư hàng năm của ngành GD thì chưa thể hài lòng, đặc biệt là đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỷ lệ HS DTTS bỏ học luôn cao hơn tỷ lệ HS bỏ học chung của các cấp học trong toàn tỉnh khoảng 8 - 10 lần. Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngay từ khi các HS DTTS vào học mẫu giáo, đã có chế độ học bổng cho đến khi các em học trung cấp, cao đẳng, đại học. Chỉ tính riêng tiền học bổng cho HS tiểu học, THCS ở 2 huyện miền núi đã là 7 tỷ đồng/năm. Không những vậy, với sự giúp đỡ của các đơn vị trong tỉnh và các mạnh thường quân, hàng năm, HS DTTS ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn được cấp phát miễn phí vở, sách giáo khoa, được tặng quần áo, xe đạp… để có điều kiện đến trường. Tại sao chú trọng đầu tư cho GD ở 2 huyện miền núi như thế mà số HS bỏ học vẫn ở mức cao? Nhiều giáo viên đang công tác tại các huyện nói trên cho biết, sở dĩ HS bỏ học nhiều là do học kém, lại thiếu chuyên cần, các bậc phụ huynh ít quan tâm đến việc học tập của con cái, kinh tế gia đình khó khăn nên HS phải bỏ học để đi làm kiếm tiền; có trường hợp nghỉ học vì “ngán” đường sá xa xôi, cách trở, nhiều em phải đi hơn 10km mới đến trường… Còn một lý do nữa là nội dung chương trình, sách giáo khoa còn có chỗ chưa thật phù hợp và hấp dẫn, nhất là với HS DTTS.

Các em học sinh dân tộc thiểu số phải được đảm bảo điều kiện tốt nhất để đến trường.
Các em học sinh dân tộc thiểu số phải được đảm bảo điều kiện tốt nhất để đến trường.

Để giải quyết tình trạng HS bỏ học, đặc biệt là HS DTTS, trong cuộc họp với Sở GD-ĐT mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhất trí với biện pháp của Sở GD-ĐT là nâng mức học bổng cho HS khó khăn, HS vùng núi và HS DTTS theo hệ số lương và trượt giá; tăng học bổng, trợ cấp cho HS tại các trường tiểu học, THCS ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh từ 7 tỷ đồng/năm lên 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được tổ chức thành bữa ăn trưa trong các trường học thay vì phát tiền học bổng cho phụ huynh như trước đây. Đồng thời, tái lập trường cấp 1-2, mở phân hiệu, lớp nhô hay trường cấp 2-3 để đưa lớp học đến gần HS, tạo điều kiện cho giáo viên thường xuyên liên hệ mật thiết với phụ huynh và các trường gắn bó hơn với cộng đồng dân tộc… Ông Lê Tuấn Tứ - Quyền Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Trước mắêt, trong năm học 2012 - 2013, sẽ tái lập trường cấp 1-2 tại xã Ba Cụm Nam, Thành Sơn (huyện Khánh Sơn), xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh), trường phổ thông cấp 2-3 tại xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh). Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng HS bỏ học, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương phải có trách nhiệm rõ hơn trong việc phối hợp với ngành GD vận động HS đi học”.

Về phía ngành GD-ĐT, ông Lê Tuấn Tứ cho biết, sắp tới, ngành sẽ chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tốt hơn nữa việc khảo sát chất lượng học tập của HS định kỳ vào đầu năm học, nắm chắc số lượng và nguyên nhân HS học lực yếu kém, để từ đó xây dựng kế hoạch và tăng cường bồi dưỡng HS kém ngay từ đầu năm học. Nhà trường phải biết phát huy vai trò của hội phụ huynh HS, Đoàn, Đội… trong việc phối hợp thực hiện. Đồng thời, ngành sẽ tích cực nhân rộng mô hình nhà trường làm tốt công tác ngăn dòng HS bỏ học để các trường khác học tập. Tuy nhiên, những giải pháp trên muốn phát huy hiệu quả, phải được thực hiện đồng bộ với sự tiếp sức của gia đình, nhà trường và xã hội.

THU HIỀN