Nhằm lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trên địa bàn phường Ninh Hiệp, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã phê duyệt danh mục một số tuyến đường được cấp phép kinh doanh buôn bán vỉa hè cho các hộ cá thể, doanh nghiệp.
Nhằm lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trên địa bàn phường Ninh Hiệp, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã phê duyệt danh mục một số tuyến đường được cấp phép kinh doanh buôn bán (KDBB) vỉa hè cho các hộ cá thể, doanh nghiệp. Cụ thể như: đường Trần Quý Cáp, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Huệ, đường Bắc - Nam, đường K10.
Cùng với sự phát triển đô thị trên địa bàn thị xã Ninh Hòa nói chung và phường Ninh Hiệp nói riêng, thời gian qua, việc KDBB nhỏ ở Ninh Hòa cũng ngày càng phát triển. Nhiều người dân đã tận dụng vỉa hè, lề đường làm nơi KDBB; nhất là buôn bán các mặt hàng giải khát, dịch vụ ăn uống… gây mất trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Thực tế, từ trước tới nay, việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường KDBB tuy được quy định xử phạt ở mức rất cao nhưng khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hiệp chia sẻ: “Tuy phường đã tổ chức nhiều đợt ra quân rầm rộ để dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lề đường nhưng kết quả không mấy khả quan. Chỉ ngay sau khi vắng mặt lực lượng kiểm tra, tình trạng lấn chiếm vỉa hè “đâu lại vào đấy”. Việc xử lý vi phạm theo Nghị định 34/CP của Chính phủ cũng gặp nhiều khó khăn vì số tiền phạt quá cao nên nhiều người buôn bán chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”. Mới đây, UBND phường Ninh Hiệp đã đề nghị UBND thị xã cho phép sử dụng một phần vỉa hè để KDBB. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân”.
Một phần vỉa hè đường Trần Quý Cáp sẽ được cấp phép kinh doanh buôn bán |
Theo đó, phường sẽ chọn một số tuyến đường chính cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè không vì mục đích giao thông như: đường Trần Quý Cáp, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Huệ, Bắc - Nam, K10. Chị Hoa - chủ một cửa hàng ăn uống trên đường Trần Quý Cáp, gần chợ Ninh Hòa chia sẻ: “Tuy nhà có mặt bằng và vỉa hè “lý tưởng”, nhưng tôi vẫn không yên tâm, vì khi cho khách để xe, tôi vẫn lo sợ lực lượng Đô thị ra quân xử phạt. Sắp tới, với việc phường cho phép thuê một phần vỉa hè, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc sắp xếp xe cho khách”. Về chủ trương này, có người mừng vì sẽ được sử dụng vỉa hè một cách hợp pháp, công khai, nhưng cũng có nhiều người lo vì phần vỉa hè trước nhà của các hộ gia đình trước giờ vẫn dùng để buôn bán được chuyển sang cho thuê; số khác đang “dùng chùa” vỉa hè trước trụ sở các cơ quan, trường học… rồi đây không thể tiếp tục buôn bán được nữa…
Theo kế hoạch, đầu quý II này, phường Ninh Hiệp sẽ triển khai chủ trương trên. Ông Lanh cho biết: “Trong các tuyến đường cho phép sử dụng vỉa hè tạm thời, chúng tôi sẽ thí điểm thực hiện tuyến đường Trần Quý Cáp trước, vì tuyến đường này đi qua các chợ, buôn bán sầm uất, giao thông rất lộn xộn. Sau khi tuyến đường này đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ở các tuyến đường khác”. Để việc triển khai đạt kết quả cao, phường chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương và các văn bản pháp luật của Trung ương, UBND tỉnh về công tác quản lý, sử dụng vỉa hè không vì mục đích giao thông để người dân biết, thực hiện. Lực lượng Quản lý đô thị thị xã sẽ hỗ trợ, phối hợp với phường bố trí diện tích phù hợp, đảm bảo trật tự xã hội.
Dự kiến, các tuyến đường mới như: Nguyễn Thị Ngọc Oanh, K10, đường Bắc - Nam có vỉa hè rộng, thông thoáng nên sẽ thuận lợi khi triển khai. 2 tuyến đường trung tâm (Nguyễn Huệ, Trần Quý Cáp) có mật độ buôn bán sầm uất, nhu cầu mua bán của người dân cao nhưng lề đường lại hẹp, đi qua nhiều trụ sở cơ quan, trường học; lại thêm có nhiều đoạn vỉa hè lại nằm trước nhà các hộ dân. Trong khi đó, theo quy định, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần phía trong vỉa hè để buôn bán nhưng không phải là chủ sử dụng đất phía trong tiếp giáp với vỉa hè thì phải được sự thỏa thuận về phạm vi sử dụng, lối đi… của chủ sử dụng đất bên trong. “Đối với những hộ đang kinh doanh buôn bán trước các trụ sở cơ quan, trường học và nhà dân, chúng tôi quan tâm hướng dẫn họ chọn địa điểm khác phù hợp”, ông Lanh cho biết. Theo ông Nguyễn Văn Minh (một người dân ở đường Nguyễn Huệ): “Thực tế, từ trước tới nay, vỉa hè, lề đường trên địa bàn phường đều bị chiếm dụng để kinh doanh, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường để đi. Nếu không thu phí thì người dân vẫn ngang nhiên sử dụng vỉa hè để mua bán nên việc cho phép thu phí vỉa hè là hợp lý. Tuy nhiên, sau khi cho thuê vỉa hè, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát ,nếu không sẽ mang lại hiệu ứng ngược. Vỉa hè có thể bị lạm dụng, lấn chiếm nhiều hơn và công khai hơn”.
Có thể nói, việc cho thuê một phần vỉa hè là chủ trương đúng đắn. Vì ngoài lập lại trật tự đô thị, tạo thông thoáng đường phố, còn tạo chỗ buôn bán ổn định cho các hộ dân bị thu hồi đất từ sản xuất nông nghiệp để phát triển đô thị. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí cho người dân hiểu; đồng thời có những chế tài cụ thể, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm kiềm chế nạn tái lấn chiếm vỉa hè một cách vô tội vạ.
CẨM VÂN