11:03, 25/03/2012

Quan trọng nhất là cắt đứt nguồn lây

Lao là một bệnh lây, không phải bệnh di truyền, đường lây của lao chủ yếu là đường hô hấp. Vì vậy, theo các bác sĩ, trong điều trị bệnh lao quan trọng nhất là phải cắt đứt nguồn lây.

Lao là một bệnh lây, không phải bệnh di truyền, đường lây của lao chủ yếu là đường hô hấp. Vì vậy, theo các bác sĩ, trong điều trị bệnh lao quan trọng nhất là phải cắt đứt nguồn lây.

Người bị bệnh lao phổi là những người có biểu hiện ho khạc kéo dài trên 2 tuần, kèm theo các triệu chứng sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi. Người bệnh cũng có thể ho khạc ra máu với số lượng ít hoặc nhiều, đau ngực. Hơn 90% những người có các triệu chứng trên là người mắc bệnh lao phổi. Tuy nhiên, để xác định chính xác một người có mắc bệnh lao phổi hay không, người ta phải làm một số xét nghiệm. Khi một người có các kết quả xét nghiệm như: có trực khuẩn kháng cồn kháng toan trong đờm khi nhuộm Ziehl-Neelsen, thường gọi là AFB(+); phản ứng dương tính với kháng nguyên đặc hiệu của trực khuẩn lao; có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi trên X quang; cấy đờm tìm thấy trực khuẩn lao ở các môi trường đặc hiệu thì có thể khẳng định chắc chắn người đó mắc bệnh lao phổi.

Điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Khánh Hòa.
Điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Khánh Hòa.

Bệnh lao rất dễ lây từ người sang người bằng đường hô hấp. Khả năng lây mạnh trong thời gian chưa được điều trị. Theo thống kê, cứ 1 người bị lao phổi có ho khạc ra vi khuẩn có thể lây cho 10 - 15 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, trại tập trung… trước khi người bệnh được điều trị. Khi đã được điều trị bằng thuốc chống lao, khả năng lây bệnh rất thấp. Bệnh lao có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, thời gian nào của cuộc đời, nhưng hay gặp nhất là ở lứa tuổi trẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú. Đặc biệt, bệnh dễ xuất hiện ở những người có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, nhiễm HIV, điều trị các thuốc ức chế miễn dịch… Tỉ lệ mắc bệnh ở thành thị cao hơn ở nông thôn và miền núi.

Theo các bác sĩ, trong thiên nhiên không có ổ chứa mầm bệnh lao hoặc vật trung gian truyền bệnh. Nguồn bệnh chủ yếu là những người bệnh lao phổi, lao thanh quản, phế quản trong giai đoạn ho khạc ra vi khuẩn lao. Thời gian ủ bệnh của lao phổi rất khác nhau. Khi vi khuẩn lao vào phổi, cơ thể sẽ có đáp ứng với kháng nguyên của vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể suốt cuộc đời của một người mà không gây bệnh. Nhưng cũng có thể sau khi tiếp xúc với một số lượng lớn vi khuẩn lao trong một thời gian dài (sống chung với người bị lao phổi ho khạc ra vi khuẩn lao, không có phương pháp phòng bệnh) trong vài ngày đến vài tuần, người tiếp xúc có thể phát bệnh. Thời kỳ lây truyền mạnh nhất là thời kỳ toàn phát của lao phổi (sốt về chiều, ho nhiều, khạc đờm). Thời kỳ lây truyền này kéo dài cho đến khi người bệnh được dùng thuốc lao 2 tuần đến 1 tháng. Nếu không được phát hiện và điều trị, người bệnh sẽ liên tục phát tán vi khuẩn lao trong suốt thời gian họ sống.

Để phòng, chống bệnh lao, quan trọng nhất là phải cắt đứt nguồn lây, có nghĩa là phải phát hiện sớm những người bị lao phổi có AFB(+) và chữa khỏi cho họ theo công thức hóa trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS). Thực hiện được như vậy thì số bệnh nhân điều trị khỏi càng tăng và nguồn lây trong cộng đồng xã hội ngày càng giảm, số người nhiễm lao cũng như mắc lao cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, do bệnh lao là một bệnh có tính xã hội nên những biện pháp dự phòng mang tính cộng đồng cũng rất quan trọng. Cần làm tốt công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe cho mọi người để ai cũng hiểu được bệnh lao là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có thể phòng và chữa khỏi được hoàn toàn, từ đó nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách tăng cường sức khỏe, làm sạch và thông thoáng tốt môi trường sống. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, cần phải được tiêm BCG phòng lao.

KHÁNH QUỲNH