12:03, 14/03/2012

Nhập nhằng... chợ cá!

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương giáp biển, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có chợ cá chính thức. Chính những bất cập này là điều kiện để chợ cá tự phát hình thành.

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương giáp biển, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có chợ cá chính thức. Chính những bất cập này là điều kiện để chợ cá tự phát hình thành. Việc chợ hình thành tạm bợ khiến cho ngân sách Nhà nước hàng năm bị thất thu, còn các tiểu thương cũng gặp không ít khó khăn trong buôn bán. Bên cạnh đó, nó đã kéo theo rất nhiều hệ lụy về môi trường và trật tự trị an.

. “Chợ chạy”…

Quang cảnh chợ cá trái phép ở Ninh Đông.
Quang cảnh chợ cá trái phép ở Ninh Đông.

8 giờ, vượt qua một đoạn đường còn ngổn ngang đất đá vào sâu trong hẻm núi ở thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, chợ trung chuyển cá hiện lên trước mắt chúng tôi hết sức tạm bợ, nhếch nhác. Nói là chợ trung chuyển, nhưng thật sự đây chỉ là chợ cá “chui”. Đáng buồn, cả thị xã Ninh Hòa với rất nhiều ngư dân bám biển, nhưng nguồn thu mua và bán cá cũng chỉ gói gọn trong cái chợ tạm này; các xe cá ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu… cũng về đây tiêu thụ. Chợ trung chuyển cá vốn chỉ mới thành lập ở Ninh Đông được vài tháng nhưng đã 2 lần phải di chuyển địa điểm do hình thành tự phát. Thấy chợ cá với mức tiêu thụ khoảng 20 tấn cá/ngày nhưng lại hoạt động chui lủi, không có ai đứng ra quản lý, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Đem thắc mắc hỏi những tiểu thương ở chợ, bà Lê Thị Giáp (trú tổ 11, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) phân trần với chúng tôi: “Chợ cá Ninh Hòa được hình thành cách đây hàng chục năm. Lúc đầu nó nằm ở bến xe cũ của Ninh Hòa nhưng do không đảm bảo vệ sinh môi trường nên chính quyền địa phương cấm không cho kinh doanh. Kể từ đấy, địa điểm hoạt động của chợ cá chuyển đến nhiều nơi, mỗi nơi hoạt động được vài năm lại bị “đuổi” đi nơi khác. Việc hình thành của chợ cá suốt mấy chục năm qua là hoàn toàn tự phát, các tiểu thương kinh doanh ở chợ tự đứng ra xây dựng chợ, thuê người dọn dẹp và quản lý, không hề đóng thuế cho Nhà nước”. Đang loay hoay chuyển mấy khay cá trên xe đông lạnh vừa chở từ Bình Thuận ra, bà Nguyễn Thị Thảo (tiểu thương ở chợ) nói chen vào: “Mấy chục năm nay, chúng tôi mong muốn Nhà nước xây cho một cái chợ trung chuyển cá đàng hoàng để được yên tâm buôn bán nhưng chẳng thấy đâu. Chứ cứ suốt ngày bán chui, bán lủi như thế này thì cực lắm. Mà như thế cũng đã yên đâu, không biết ngày nào lại bị đuổi đi nữa…”.

2
Việc bán cá như thế này sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Quả thật, nhìn kiểu hoạt động manh mún, tự phát thì chắc chắn sớm muộn gì chợ tạm này cũng bị chính quyền địa phương dẹp bỏ. Được biết, kể từ ngày thành lập đến nay, chợ trung chuyển cá đã phải di chuyển 7 lần, mỗi nơi hoạt động được vài năm lại bị đuổi. Biết tự lập chợ là trái phép nhưng vì nhu cầu buôn bán cá của thị trường nên không còn cách nào khác các tiểu thương lại tìm cách mở chợ mới. Việc người dân mở chợ tự phát là không đúng, song chúng tôi không khỏi băn khoăn khi nhu cầu buôn bán thực tế như vậy nhưng tại sao chính quyền địa phương lại không xây dựng một chợ cá chính quy để phát triển kinh tế.

. Lùng nhùng trong việc xây dựng chợ

Một chợ trung chuyển cá với khối lượng lớn nhưng lại phải “chui lủi” hoạt động trong hẻm núi thực sự khiến nhiều người phải lưu tâm. Làm việc với lãnh đạo Phòng Kinh tế UBND thị xã Ninh Hòa, chúng tôi được biết, vốn dĩ trước khi chuyển về hoạt động tại xã Ninh Đông, chợ trung chuyển cá được đóng tại tổ dân phố 17, phường Ninh Hiệp. Song, do chợ cá tự phát lại hoạt động trong nội ô thị xã nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND thị xã nhiều lần ra công văn yêu cầu chấm dứt hoạt động của chợ cá. Sau đó, bà Trần Thị Kim Phụng (trú phường Ninh Hiệp) đứng ra chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của chợ, do đó các vấn đề về vệ sinh môi trường được khắc phục một phần. Tuy nhiên, do tính chất và quy mô hoạt động của chợ ngày một lớn, nhưng mức độ đầu tư hạ tầng hạn chế nên ô nhiễm môi trường lại tiếp diễn. Để giải quyết triệt để tình trạng này, UBND thị xã ra quyết định ngừng hoạt động chợ cá và yêu cầu người quản lý chợ tìm một điểm mới cách xa khu dân cư để xây dựng chợ. Chấp hành theo chỉ đạo của chính quyền địa phương, bà Trần Thị Kim Phụng tiến hành thuê đất và xây dựng chợ cá mới tại tổ dân phố Hà Thanh 2, phường Ninh Đa. Vậy nhưng, khi chợ xây xong, các tiểu thương đã phản đối quyết liệt, họ không chấp nhận vị trí buôn bán này.

 Chợ mới xây ở Ninh Đa còn quá sơ sài.
Chợ mới xây ở Ninh Đa còn quá sơ sài.

Ông Nguyễn Lào (tiểu thương ở chợ) phản ứng: “Chúng tôi không đồng ý với việc xây dựng chợ ở phường Ninh Đa. Đây là địa điểm hẻo lánh, đường xấu, đi lại gặp nhiều khó khăn. Xung quanh khu vực này có nhiều đối tượng hút chích ma túy nên không an toàn cho các tiểu thương. Chợ cá thường hoạt động từ 3 giờ sáng, trong khi đó các chủ đầu mối cá thường đem theo trong người số tiền lớn nên sẽ rất nguy hiểm nếu họp chợ ở đây. Ngoài ra, vì đây là địa điểm phải đi qua đèo Bánh Ít, dốc cao, do đó sẽ rất vất vả cho các tiểu thương vận chuyển cá bằng xe đạp, xe máy”. Tương tự, bà Tống Thị Tiết Hạnh cũng không đồng tình: “Chợ cá mà bà Phượng xây chúng tôi sẽ không đồng ý vì khu vực này gần núi, không có lối thoát nước, mùa mưa sẽ lầy lội, khó buôn bán. Nếu muốn chúng tôi vào hoạt động phải thay đổi địa điểm hoặc Nhà nước cho phép chúng tôi tự đầu tư xây chợ ở một địa điểm khác”.

Đem những bức xúc của các tiểu thương đến gặp bà Trần Thị Kim Phụng, chúng tôi lại nhận được những ý kiến trái chiều. Bà Phụng khẳng định: “Những lý do mà ông Lào và bà Hạnh đưa ra là hết sức vô lý. Địa điểm chợ mới là do chúng tôi được Phòng Kinh tế của UBND thị xã chỉ định. Ở nơi mới không quá cách xa so với địa điểm cũ. Tình hình an ninh trật tự ở đây cũng khá tốt, không ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương. Còn đối với việc thoát nước vào mùa mưa, chúng tôi cam kết sẽ đào mương thoát nước để chợ cá không bị lầy lội”.

Do các bên không thống nhất quan điểm nên khi chợ mới xây lên không có ai đến buôn bán. Trong khi đó, các tiểu thương đã đến xã Ninh Đông để xin thuê đất, tự mở chợ. Theo thỏa thuận, các tiểu thương sẽ thuê đất hoang hóa của xã trong vòng 3 năm với giá 180 triệu đồng. Riêng việc xây dựng chợ, các tiểu thương sẽ tự bỏ kinh phí. Thỏa thuận này đã được HĐND xã thông qua và có kiến nghị với UBND thị xã. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được UBND thị xã chấp thuận vì lý do đã cho phép bà Phụng xây dựng chợ ở Ninh Đa. Quan điểm của UBND thị xã không được những người buôn bán ở chợ cá đồng tình. Họ cho rằng, chính quyền đang dành cho bà Phụng những đặc quyền không chính đáng. Phản ứng lại quyết định của UBND thị xã, các tiểu thương tự ý thuê đất của tư nhân thành lập chợ trái phép. Trong vòng 3 tháng họ đã bị xử phạt 2 lần về hành vi này.

. Nhà nước thất thu, môi trường ô nhiễm

Chính vì người dân tự ý mở chợ trái phép, hoạt động “chui” đã và đang khiến môi trường đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm. Quan sát tại khu vực chợ cá mới mở tại Ninh Đông, chúng tôi không khỏi rùng mình trước cảnh nước cá chảy lênh láng trên cả một khu đất rộng. Nhìn các tiểu thương buôn bán trên nền đất nhớp nhúa, mất vệ sinh, không ít người quan ngại đến sức khỏe của họ và những hộ dân xung quanh. Gọi là chợ nhưng kỳ thực chợ cá này chưa hề có bất cứ hạ tầng nào để đáp ứng điều kiện kinh doanh của một chợ cá. Tất cả nước cá tanh hôi và các phụ phẩm khác đều được xả thẳng xuống nền đất của chợ. Cả chợ không hề có hầm rút, nhà vệ sinh và hệ thống thu gom nước thải. Mùi nước cá bốc lên dưới trời nắng khiến ai lần đầu đặt chân đến đây đều cảm thấy khó chịu. Nếu còn tiếp diễn, tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ trở nên trầm trọng. “Biết làm sao được chú, bây giờ không được xây chợ thì đành bán chui, bán lủi, được đâu hay đó. Cứ bán liều ở đây, đến khi nào chính quyền đuổi thì lại đi nơi khác. Chỉ mong địa phương quan tâm, xây dựng cho chúng tôi một chợ cá đường hoàng để tư thương khỏi vất vả” - một tiểu thương ở chợ nói với chúng tôi.

Chợ tạm ở Ninh Đông là vậy, chợ mới ở Ninh Đa cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Mặc dù các hệ thống công trình cơ bản của chợ này đã hoàn thành, nó vẫn còn quá sơ sài. Với điều kiện như vậy, sẽ rất khó đảm bảo được cho một chợ cá có quy mô lớn hoạt động.

Việc để chợ cá hoạt động tự phát như hiện nay đang ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Không những thế, nếu cứ hoạt động tự phát như hiện nay, ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thu hàng trăm triệu đồng từ chợ cá này. Đồng thời, tư nhân tự quản lý cũng dẫn tới việc mất trật tự trị an từ việc mua bán cá của các tư thương trong chợ. Để thực trạng này tiếp diễn, những hậu quả sẽ xảy ra. Đã đến lúc UBND thị xã Ninh Hòa cần có một giải pháp triệt để.

LAM ĐIỀN - NAM ANH


Ông Lê Quang Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Đông: Sau khi các tư thương có ý thuê đất, UBND xã đã làm tờ trình xin UBND thị xã cho phép bà con thuê lại khu đất đó để làm chợ cá vì hơn 4.000m2 đất này bỏ hoang rất lãng phí. Tuy nhiên, UBND thị xã đã không đồng ý. Nếu chợ cá được mở ở đây, hàng năm xã sẽ thu vào ngân sách hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo không ít việc làm cho người dân sở tại. Đối với một xã có hơn 9% hộ nghèo, đây là một mức thu nhập khá lớn.

UBND xã Ninh Đông đã 2 lần ra quyết định xử phạt bà con tiểu thương họp chợ trái phép, nhưng bà con vẫn không chịu về khu chợ mới. Chúng tôi cũng vận động bà con nhưng họ vẫn hoạt động trái phép.

Ông Trần Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa: Nếu UBND xã Ninh Đông không cương quyết xử lý, tương lai, người dân ở quanh khu vực này sẽ phải gánh chịu những bất lợi về môi trường. Hiện nay, do nhu cầu thực tế, thị xã đã xin chủ trương của tỉnh cho phép xây dựng chợ đầu mối nông - thủy sản rộng khoảng 3ha ở khu vực Hà Thanh nhưng chưa được UBND tỉnh trả lời. Việc bà Phụng xây dựng chợ ở khu vực này là phù hợp với quy hoạch ngành kinh tế của UBND thị xã.

Ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: UBND thị xã đã làm tờ trình xin UBND tỉnh sớm xây dựng chợ nông sản rộng khoảng 3ha tại phường Ninh Thủy. Vì vậy chợ cá đầu mối tại khu Hà Thanh chỉ hoạt động tạm thời cho đến khi chợ nông sản xây dựng xong. Hiện UBND thị xã đã giao phòng Kinh tế và UBND xã Ninh Đông vận động bà con tiểu thương về chợ cá mới xây tại khu Hà Thanh. Nếu chưa thuyết phục xong mà tiến hành ngăn cấm thì bà con lại đến địa điểm khác, rất phức tạp.

Ông Lê Quang Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Đông: Sau khi các tư thương có ý thuê đất, UBND xã đã làm tờ trình xin UBND thị xã cho phép bà con thuê lại khu đất đó để làm chợ cá vì hơn 4.000m2 đất này bỏ hoang rất lãng phí. Tuy nhiên, UBND thị xã đã không đồng ý. Nếu chợ cá được mở ở đây, hàng năm xã sẽ thu vào ngân sách hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo không ít việc làm cho người dân sở tại. Đối với một xã có hơn 9% hộ nghèo, đây là một mức thu nhập khá lớn.

UBND xã Ninh Đông đã 2 lần ra quyết định xử phạt bà con tiểu thương họp chợ trái phép, nhưng bà con vẫn không chịu về khu chợ mới. Chúng tôi cũng vận động bà con nhưng họ vẫn hoạt động trái phép.

Ông Trần Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa: Nếu UBND xã Ninh Đông không cương quyết xử lý, tương lai, người dân ở quanh khu vực này sẽ phải gánh chịu những bất lợi về môi trường. Hiện nay, do nhu cầu thực tế, thị xã đã xin chủ trương của tỉnh cho phép xây dựng chợ đầu mối nông - thủy sản rộng khoảng 3ha ở khu vực Hà Thanh nhưng chưa được UBND tỉnh trả lời. Việc bà Phụng xây dựng chợ ở khu vực này là phù hợp với quy hoạch ngành kinh tế của UBND thị xã.

Ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: UBND thị xã đã làm tờ trình xin UBND tỉnh sớm xây dựng chợ nông sản rộng khoảng 3ha tại phường Ninh Thủy. Vì vậy chợ cá đầu mối tại khu Hà Thanh chỉ hoạt động tạm thời cho đến khi chợ nông sản xây dựng xong. Hiện UBND thị xã đã giao Phòng Kinh tế và UBND xã Ninh Đông vận động bà con tiểu thương về chợ cá mới xây tại khu Hà Thanh. Nếu chưa thuyết phục xong mà tiến hành ngăn cấm thì bà con lại đến địa điểm khác, rất phức tạp.