09:03, 22/03/2012

Nhân ngày Nước thế giới 22-3

Ảnh hưởng của tài nguyên nước tới sản xuất nông nghiệp ở Khánh Hòa Ngày 22-3 hàng năm được chọn là ngày Nước thế giới với mục đích kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước.

Ảnh hưởng của tài nguyên nước tới sản xuất nông nghiệp ở Khánh Hòa Ngày 22-3 hàng năm được chọn là ngày Nước thế giới với mục đích kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Với chủ đề “Nước và an ninh lương thực”, ngày Nước thế giới năm 2012 tập trung vào mối tương quan giữa nước và an ninh lương thực, được điều phối bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), đại diện cho các thành viên và cộng sự của UN - Water.

Khánh Hòa nằm ở sườn Đông Trường Sơn với diện tích 5.197km2 (kể cả các đảo, quần đảo), diện tích đồi núi chiếm 70%. Nhìn tổng thể địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, phía Tây là những dãy núi như hình cánh cung bao bọc lấy đồng bằng nhỏ hẹp, do đó Khánh Hòa không có nhiều lợi thế để phát triển ngành Nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp bình quân thấp và đang giảm mạnh. Theo số liệu kiểm kê đất năm 2011, diện tích đất nông nghiệp ở Khánh Hòa khoảng 927,16km2 (chiếm 17,8% diện tích tự nhiên của tỉnh), với dân số năm 2010 khoảng 1.117.000 người thì mỗi người dân trong tỉnh chỉ có khoảng 792m2 đất nông nghiệp, chỉ bằng 61% so với mức trung bình cả nước năm 1980. Bên cạnh đó, do điều kiện sản xuất không thuận lợi, hàng năm ngành Nông nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 205kg/người/năm, tương đương 80 - 85% nhu cầu lương thực tối thiểu (khoảng 220 - 240kg/người/năm).

Thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Theo điều tra, đánh giá sơ bộ, tài nguyên nước mặt và nước dưới đất của tỉnh có khoảng 4,452 tỷ m3, trong đó khoảng 3,149 tỷ m3 nước mặt và 0,303 tỷ m3 nước ngầm. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số, nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt, sản xuất công, nông nghiệp sẽ tăng lên mạnh mẽ ở tất cả các ngành. Theo kết quả tính toán sơ bộ, tổng lượng nước cần dùng của tỉnh năm 2010 là 1,25 tỷ m3 (chiếm khoảng 28% tổng lượng nước) và tăng khoảng 2,5 tỷ m3 (chiếm 56% tổng lượng nước) vào năm 2055. Đặc biệt, ở không ít vùng và lưu vực sông, lượng nước cần dùng có thể gấp vài lần tổng lượng nước có thể cung cấp, tức là không những vượt quá xa ngưỡng lượng nước cần có để duy trì sinh thái mà còn không có nguồn nước tại chỗ để cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.

Tỉnh Khánh Hòa hiện đang sử dụng khoảng 45,4% nước ngọt vào các mục đích nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp khai thác và sử dụng các nguồn nước ngầm dưới lòng đất. Nhưng hiện nay, lượng nước ngầm trong lòng đất đang ở mức rất thấp vì không được bổ sung. Cơ sở hạ tầng của các hệ thống vệ sinh không theo kịp tốc độ tăng dân số ở các đô thị, nước thải sinh hoạt và sản xuất không được thu gom và xử lý.

Ở Khánh Hòa, lượng mưa năm không những phân bố không đều trong tỉnh mà còn phân phối rất không đều trong năm và biến đổi theo mùa: mùa mưa và mùa khô. Lượng dòng chảy trong mùa khô rất ít, chỉ chiếm 25 - 30% tổng lượng dòng chảy năm trong khi mùa khô lại kéo dài 8 tháng, rất bất lợi đối với nhu cầu sử dụng nước của ngành Nông nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng ngày càng lớn đến các nguồn nước, bởi nó làm thay đổi các hình thức mưa rào và độ ẩm của đất, gây nhiều thảm họa như lũ lụt và hạn hán, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực. Khu vực ven biển chịu thêm tác động của mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng lớn đến đất canh tác, đất ở và nhiễm mặn nguồn nước. Theo một số dự báo, với mực nước biển dâng 0,69m, Khánh Hòa có 12.000ha đất bị ngập, với mực nước biển dâng cao 1m sẽ có 17.000ha bị ngập. Bên cạnh đó, các nguồn nước ngọt (mặt, ngầm) sẽ bị nhiễm mặn do nước biển dâng kết hợp với tình trạng cạn nước trong mùa khô dẫn tới xâm nhập mặn kéo sâu vào các con sông và nguồn nước ngầm. Nguồn nước ngọt nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp (bao gồm cả nuôi trồng thủy sản) sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn tài nguyên nước: các đối tượng nuôi trồng, diện tích canh tác, quy trình, thời gian, dịch bệnh… sẽ thay đổi không ngừng.

Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và giá trị của tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự gia tăng việc sử dụng nước ở các nước thượng nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng ngày Nước thế giới năm 2012 với chủ đề “Nước và an ninh lương thực”.

KS. LẠI THỊ LƯƠNG (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ)