11:03, 25/03/2012

Tăng cường sức mạnh cho tương lai bằng thông tin thời tiết, khí hậu và nước

Nhiều thế kỷ qua, con người đã cố gắng để thích nghi với những ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết bằng việc thay đổi nơi ăn chốn ở, điều kiện sản xuất, tìm kiếm nguồn năng lượng mới…

Nhiều thế kỷ qua, con người đã cố gắng để thích nghi với những ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết bằng việc thay đổi nơi ăn chốn ở, điều kiện sản xuất, tìm kiếm nguồn năng lượng mới… Tuy nhiên, sự thích nghi đó chỉ mang tính tương đối, trong cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất, con người vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như bão, lũ, hạn hán… hậu quả của suy thoái môi trường và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Những thập kỷ gần đây, với sự bùng nổ gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, cùng sự phát triển của các ngành công nghiệp đã phát thải nhiều khí nhà kính và các chất thải độc hại khác làm ô nhiễm khí quyển và nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí và nguồn nước cũng ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sự phát triển bền vững.

Các thảm họa khí hậu gây ra đối với loài người là thiếu nước uống; diện tích, năng suất nông nghiệp giảm sút dẫn tới mất ổn định về lương thực, mất đi sinh kế, nguy cơ đe dọa sức khỏe, khủng hoảng năng lượng và mất ổn định ở các khu vực, quốc gia dễ tổn thương. Theo báo cáo của APCC, hiện nay vẫn còn 1,1 tỷ người không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. Trung bình mỗi năm có trên 3,5 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến nước, đáng lưu ý là 84% con số tử vong đều là trẻ em và gần như tất cả các ca tử vong (98%) đều ở các nước đang phát triển.

Ngày nay, các thành phố càng mở rộng và phát triển, ô nhiễm đô thị lại càng ảnh hưởng đến con người nhiều hơn. Gần một nửa dân số toàn cầu sinh sống tại các thành phố lớn, phần lớn trong số họ đều chưa tiếp cận được với phương thức quản lý chất lượng không khí, nguồn nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đó, việc huy động nguồn lực đồng thời phát triển những chính sách thích hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước cũng là một thử thách đối với các quốc gia này. Số lượng các cộng đồng dễ bị tổn thương đã tăng lên trong các thập kỷ qua do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân di cư đến các khu vực dễ bị tổn thương hơn như khu vực ven biển, các vùng đất thấp, vùng khô hạn, các châu thổ rộng lớn và vùng đồng bằng ngập lụt. Việc cung cấp các thông tin liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước cũng rất cần thiết để hỗ trợ các hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng như nông nghiệp, sức khỏe, giao thông, năng lượng và quản lý tài nguyên nước, tất cả đều có tiềm năng mang lại lợi ích phát triển đáng kể thông qua đầu tư tương đối nhỏ, nhất là đối với tăng cường năng lực.

Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 cũng nêu ra việc cần làm như: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; đảm bảo quy hoạch phát triển, quy chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đảm bảo 100% cán bộ làm công tác giảm nhẹ thiên tai được tập huấn nâng cao năng lực; 70% số dân các xã, phường, vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai; hoàn thành hệ thống thông tin liên lạc.

Nhân ngày Khí tượng thế giới năm nay, chủ đề được Ban Chấp hành Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) thông qua là “Tăng cường sức mạnh cho tương lai bằng thông tin thời tiết, khí hậu và nước”, cụ thể là làm sáng tỏ những lợi ích do thông tin thời tiết, khí hậu và nước mang lại cho các ngành kinh tế - xã hội. Vì vậy, bảo vệ môi trường không khí, nguồn nước giờ đây không còn là vấn đề của các cấp chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân đối với quốc gia và toàn nhân loại.

Thạc sĩ TRẦN VĂN HƯNG
(Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ)