11:03, 14/03/2012

Nhà chồ - “Nỗi ám ảnh” của biển

Khi nhắc đến nhà chồ (nhà dựng tạm bợ ven sông nước), người ta nghĩ ngay đến những vách nhà tạm xiêu vẹo, mong manh trước sóng gió trong mùa mưa bão.

Khi nhắc đến nhà chồ (nhà dựng tạm bợ ven sông nước), người ta nghĩ ngay đến những vách nhà tạm xiêu vẹo, mong manh trước sóng gió trong mùa mưa bão. Nhà chồ còn là “nỗi ám ảnh” của biển khi lòng sông và biển cả phải “gánh” gần như tất cả rác thải sinh hoạt, vệ sinh của hàng vạn người dân đang sinh sống nơi đó…

Một ngày tháng 3, men theo con đường mới mở chạy dọc bờ sông Cái Nha Trang nối 2 đầu cầu Trần Phú và Hà Ra, thoảng trong gió chiều, chúng tôi cảm thấy rất khó chịu khi có mùi tanh nồng phả ra từ con nước dòng sông Cái. Càng tiến gần về đầu phía Bắc của cầu Hà Ra, cái mùi ấy càng “đậm đặc”. Dưới lòng sông, con nước thẫm màu dập dềnh rác quanh những căn nhà chồ.

Mỗi ngày, dòng sông Cái Nha Trang lại thêm “gánh nặng” ô nhiễm từ những khu nhà chồ như thế này (Ảnh chụp khu nhà chồ dưới chân cầu Hà Ra, phường Vĩnh Phước).
Mỗi ngày, dòng sông Cái Nha Trang lại thêm “gánh nặng” ô nhiễm từ những khu nhà chồ như thế này (Ảnh chụp khu nhà chồ dưới chân cầu Hà Ra, phường Vĩnh Phước).

Ở khu vực Hà Phước (phường Vĩnh Phước) có khoảng 20 “nóc” nhà chồ và bán chồ. Không ai nhớ chính xác các ngôi nhà “mọc” lên từ bao giờ, chỉ biết rằng, nó được hình thành tự phát do tập quán của ngư dân. Người dân sinh sống ở nhà chồ chủ yếu làm nghề biển. Vì thế, họ định cư gần biển, gần sông để tiện cho công cuộc mưu sinh. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, người dân đã thích nghi với việc dùng nước máy thay cho nguồn nước giếng, nước sông trước kia. Thế nhưng, có một thói quen gây nhiều tác hại cho môi trường mà đến nay người dân nơi đây vẫn chưa thay đổi chính là việc xả thải xuống dòng sông. Theo quan sát của chúng tôi, từ những căn nhà chồ cho đến nhà bán chồ hầu như đều không có nhà vệ sinh. Không nói ra thì ai cũng hiểu rằng, mỗi người dân nơi đây có “nhu cầu” đều bắt dòng sông Cái “gánh chịu”. Theo ông Võ Thi Hùng (Tổ trưởng tổ dân phố 3 Hà Phước): “Trước đây, chính quyền địa phương có hỗ trợ các hộ vay vốn để làm nhà vệ sinh. Tuy nhiên, do đặc thù nhà ở với phần lớn diện tích nằm về phía sông nên người dân không có đất để xây”. Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng có trường hợp nhà ở trên đất liền nhưng vẫn dùng “nhà vệ sinh trên sông” như gia đình chị Lê Thị Hoa (tổ dân phố 3 Hà Phước). Chị Hoa cho biết: “Do số tiền vay hộ nghèo chưa trả hết nên khi có đợt vay quỹ vệ sinh môi trường làm nhà vệ sinh (cách đây 2 năm), gia đình tôi không được vay, đến nay vẫn phải dùng nhà vệ sinh trên sông”. Đó là vấn đề của những năm trước, còn hiện nay, lý do chung nhất là việc UBND TP. Nha Trang đang thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, theo đó sẽ giải tỏa hầu hết các hộ ở nhà chồ trong khu vực để xây dựng kè và đường dọc bờ sông Cái. Chị Hoa bày tỏ: “Không biết đến bao giờ giải tỏa; đang trong điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi không dám bỏ tiền xây nhà vệ sinh”.

Rác và nước thải sinh hoạt của cư dân nhà chồ khu Tây Hải (phường Vĩnh Nguyên) vẫn được “xả” thẳng ra biển.
Rác và nước thải sinh hoạt của cư dân nhà chồ khu Tây Hải (phường Vĩnh Nguyên) vẫn được “xả” thẳng ra biển.

Cũng trên địa bàn phường Vĩnh Phước, khu vực Hà Ra, 4 tổ dân phố có đến vài trăm hộ ở nhà chồ. Loanh quanh trong những con hẻm như khu bàn cờ, mỗi con đường dẫn ra sông đều như dẫn chúng tôi đến bãi rác. Tuy đã cho thấy dấu vết của nhiều lần thu dọn nhưng những hộp giấy, túi ni-lông và nhiều loại rác thải sinh hoạt khác vẫn còn vương vãi, chực chờ dòng nước sông đen ngòm tràn lên cuốn trôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Em (Tổ trưởng tổ dân phố 6 Hà Ra) chia sẻ: “Do đường sá đi lại trong khu vực ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, xe rác không thể vào tận nơi thu gom nên chúng tôi chỉ có thể khuyến khích người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống của mình. Tuy nhiên, phần vì tập quán sinh hoạt lâu đời, phần vì nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường còn hạn chế nên người dân vẫn xả thải dưới sàn nhà hay vứt rác xuống sông”.

Tại phường Vĩnh Nguyên, nơi có gần 50 nhà chồ thuộc khu dân cư Tây Hải cũng không nằm ngoài thực trạng ấy. Bên cạnh vẻ xác xơ, nhếch nhác của những căn nhà tạm, đập vào mắt chúng tôi là rác vương vãi trên cát. Chia sẻ về cuộc sống của mình, bà Hồ Thị Lượm (62 tuổi) cho biết, gia đình bà sinh sống ở đây từ trước ngày đất nước giải phóng. Chồng bà làm nghề biển nên cất nhà như thế này để thuận lợi cho việc khai thác thủy sản, đồng thời cũng dễ quản lý ngư cụ. Theo bà Lượm, nhà chồ vốn không có khu đi vệ sinh nhưng như thành “tập quán” lâu đời, mỗi khi thủy triều lên là người dân muốn “giải quyết nhu cầu” có thể “xả” thẳng xuống biển…

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phan Văn Hay - Tổ trưởng tổ dân phố Tây Hải 2 bày tỏ lo ngại: “Người dân ở đây ý thức rất kém. Địa phương đã nhiều lần vận động nhưng họ vẫn vậy. Đối với rác thải sinh hoạt, khi xe rác đến thì không mang đi đổ, đợi đến đêm lại mang vứt xuống biển gây ô nhiễm. Tôi mong sao tỉnh và thành phố nhanh chóng triển khai di dời để người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời trả lại sự trong lành cho biển”.

Trong khi thời gian giải tỏa chưa được xác định, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có những giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường như hiện nay, nâng cao hình ảnh xanh, sạch, đẹp của biển Nha Trang trong mắt du khách.

NGUYỄN NGỌC