Mới đây, tại Nha Trang diễn ra hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Mới đây, tại Nha Trang diễn ra hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2012 là một năm có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường về thời tiết, cần chủ động cảnh giác đề phòng ngay từ đầu năm.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2012 dự báo có nhiều biến động khó lường về thời tiết, bão lũ cũng dữ dội hơn. Mùa mưa bão sẽ đến sớm hơn, có khả năng 6 - 7 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam, cao hơn trung bình nhiều năm. Lượng mưa toàn mùa cũng sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện lũ sớm, đỉnh lũ có thể cao hơn mức báo động III nhưng thấp hơn năm 2011. Đặc biệt khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, đầu năm có thể đối mặt với hạn hán. Từ tháng 3 đến tháng 5, dòng chảy trên phần lớn các sông tiếp tục giảm, có nơi thấp hơn đến 40%. Từ tháng 5 đến tháng 8, dòng chảy các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận tiếp tục giảm và thấp hơn trung bình nhiều năm 15 - 40%; cần đề phòng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ. Mùa lũ, đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận cũng như khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức báo động III, có nơi cao hơn báo động III và cao hơn trung bình nhiều năm.
Cần chủ động triển khai các biện pháp đối phó với thời tiết bất thường ngay từ bây giờ. Trong ảnh: Thi công kè chắn sóng tại thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh). |
Trước tình hình bất thường của thời tiết, khí hậu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 23-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai 2012, tiếp tục hoàn thiện quy chế, thể chế, quy hoạch công trình thủy lợi, công trình PCLB trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tăng cường rà soát, kiểm tra hệ thống đê điều, tuyến dân cư vượt lũ, khu neo đậu tàu thuyền, các phương tiện, trang thiết bị PCLB-TKCN… Rà soát quy hoạch sử dụng đất, xây dựng công trình, bố trí dân cư, đặc biệt là các vùng thường xuyên ngập lũ, vùng xung yếu, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và phòng tránh thiên tai; tổ chức phối hợp tốt giữa các đơn vị quản lý với địa phương trong việc giám sát, vận hành, điều tiết hệ thống hồ chứa, đập thủy điện; xây dựng, bổ sung, nâng cấp các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo, thông tin liên lạc để thông tin kịp thời trong tình hình thời tiết biến đổi. Đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép với công trình phòng tránh thiên tai, bảo đảm đủ công trình kiên cố làm nơi tránh trú, sơ tán người dân vùng khó khăn; tăng cường quản lý, kiểm tra tàu thuyền và các trang bị cứu nạn, cứu sinh, thông tin liên lạc; vận động, giáo dục ngư dân cảnh giác với tình hình thời tiết, phối hợp với các lực lượng neo đậu, né tránh sự cố bất thường trên biển… Bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác “4 tại chỗ”, xây dựng phương án PCLB phù hợp, đặc biệt là xử lý chống ngập cho các thành phố, đô thị…
Khánh Hòa tuy được đánh giá là địa phương có nhiều thuận lợi về thời tiết, ít mưa bão nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, lơ là trong tình hình dự báo một năm có nhiều khốc liệt về thời tiết. Mọi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó trước những hiểm họa bất thường của thời tiết. Theo dự báo, đầu năm có khả năng xảy ra hạn hán, vì vậy việc chống hạn cũng được đặt ra ngay từ bây giờ. Sản xuất Đông Xuân đã gần kết thúc, lúa, hoa màu đã bước vào kỳ thu hoạch, lượng nước điều tiết từ các hồ đủ đảm bảo cho sản xuất. Tuy nhiên, trong vụ Hè Thu nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ thiếu hệ thống điều tiết, chảy tràn tự do có khả năng cạn kiệt nguồn nước, gây khô hạn, có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất. Các chủ hồ cần phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt việc cung cấp, điều tiết nước, khuyến cáo nông dân trồng cây ngắn ngày, chịu hạn, sử dụng tiết kiệm nước tối đa phục vụ đời sống và sinh hoạt, không để xảy ra tình trạng thiếu nước gay gắt. Mùa mưa bão đến sớm hơn mọi năm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nếu không được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Đối với việc đầu tư các công trình, dự án về thủy lợi, hạ tầng phục vụ công tác PCLB cần được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai sớm hơn mọi năm, không để giải ngân chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Các kế hoạch, phương án, diễn tập, tập huấn về PCLB cũng được các ngành, các cấp quan tâm triển khai sớm hơn thường lệ, không để cận kề mùa mưa bão mới tập trung, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc chuẩn bị, đối phó với tình hình thời tiết biến đổi bất thường….
Q.V