11:03, 14/03/2012

Phẫu thuật là phương thức điều trị tốt nhất

Vừa qua, Đoàn phẫu thuật niệu khoa thiện nguyện quốc tế (International Volunteer Urology - IVU) đã đến Khánh Hòa và phối hợp với ê kíp bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiến hành phẫu thuật từ thiện cho 40 trẻ bị dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, ...

Vừa qua, Đoàn phẫu thuật niệu khoa thiện nguyện quốc tế (International Volunteer Urology - IVU) đã đến Khánh Hòa và phối hợp với ê kíp bác sĩ (BS) Khoa Ngoại tổng quát (NTQ) Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiến hành phẫu thuật từ thiện cho 40 trẻ bị dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, trong đó, đa phần các cháu đều bị dị tật lỗ tiểu thấp (LTT). Đây là dị tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục ngoài xảy ra ở bé trai. Nếu không điều trị sớm, khi đến tuổi đi học trẻ rất dễ bị chấn thương tâm lý. Phương pháp điều trị tốt nhất dị tật này là phẫu thuật. Hiện nay, ê kíp BS Khoa NTQ, BVĐK tỉnh đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật dị tật này.

Chị Tuyết Loan (Nha Trang), mẹ của cháu Khắc Quang Minh (1 tuổi) cho biết, khi sinh cháu ra, bộ phận sinh dục của cháu không bình thường, dương vật tụt sâu vào trong, tinh hoàn không nằm ở bìu mà nằm trên cao. Cháu được chẩn đoán bị dị tật LTT. “Khi cháu 1 tuổi, gia đình đưa cháu đến BVĐK tỉnh để khám và điều trị, gặp lúc có Đoàn phẫu thuật thiện nguyện quốc tế về niệu nhi nên cháu được xếp lịch mổ. Tôi được biết, để điều trị thành công dị tật này phải tiến hành mổ nhiều lần. Đây là lần mổ đầu tiên của cháu” - chị nói. Cũng có con bị dị tật LTT, chị Lâm Nữ Thục Quyên (Ninh Thuận) - mẹ của cháu Nguyễn Hải Đăng (4 tuổi) cho biết, khi mới sinh cháu, gia đình không phát hiện cháu bị dị tật LTT, đến khi 1 tuổi mới phát hiện lỗ tiểu của cháu bất thường nên gia đình đưa cháu đến BV khám, qua kiểm tra BS cho biết cháu bị dị tật LTT. Đây là đợt mổ thứ 3 của cháu, 2 đợt trước cháu mổ ở BV Nhi Đồng 1, sau đó được các BS BV Nhi Đồng 1 giới thiệu về BVĐK tỉnh nên đợt này gia đình đưa cháu đến đây phẫu thuật để giảm bớt chi phí đi lại, ăn ở.


Bác bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát và bác sĩ đoàn IVU đang tiến hành phẫu thuật cho trẻ bị dị tật lỗ tiểu thấp.
Bác bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát và bác sĩ đoàn IVU đang tiến hành phẫu thuật cho trẻ bị dị tật lỗ tiểu thấp.

 

BS Nguyễn Thanh Tồn - Khoa NTQ cho biết, cứ khoảng 300 đến 500 trẻ sơ sinh thì có một trẻ mắc bệnh này. Dị tật này là do bất thường trong quá trình hình thành niệu đạo, nếu quá trình bất thường này ảnh hưởng đến nhiều cơ quan hoặc kèm bất thường nhiễm sắc thể thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh sản sau này. Dị tật LTT thường kèm cong dương vật có thể gây vô sinh thứ phát. Nguyên nhân gây ra dị tật vẫn chưa rõ, có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường, thực phẩm người mẹ sử dụng khi mang thai… Theo các BS niệu nhi, hầu hết các bé trai lúc mới sinh ra đều có hình dạng dương vật với phần da che phủ toàn bộ dương vật kể cả quy đầu. Với dị tật LTT thì phần quy đầu lộ hẳn ra ngoài với vị trí lỗ tiểu có thể nằm ở khấc quy đầu hoặc thân dương vật, gốc dương vật hoặc nằm ở bìu, thậm chí ở tầng sinh môn. Trong các thể nặng, dương vật tụt sâu vào trong, tinh hoàn nằm trên cao mà không nằm ở bìu, bìu chẻ đôi, có thể gây nhầm lẫn đó là bé gái. Dị tật LTT thường đi kèm với dị tật cong dương vật. Trường hợp này ngoài vị trí bất thường của lỗ tiểu, dương vật bị cong xuống do dây xơ bất thường khiến quy đầu dính sát vào gốc dương vật. Dị tật LTT thường không gây ra triệu chứng về đường tiết niệu ngoài việc gây ra dòng nước tiểu chảy lệch xuống phía dưới, đối với LTT ở bìu hay tầng sinh môn, đi tiểu phải ngồi. Do đó, nhằm tránh những chấn thương tâm lý về sau cho bệnh nhi, thời điểm phẫu thuật lý tưởng là từ 1 đến 2 tuổi. Hơn nữa, phẫu thuật càng sớm tỷ lệ thành công càng cao. Tuy nhiên, phẫu thuật này còn phụ thuộc các dị tật hoặc bệnh khác kèm theo. Đối với dị tật LTT, phẫu thuật chính là phương pháp điều trị tốt nhất nhằm đem lỗ tiểu về vị trí bình thường, mở rộng lỗ tiểu, làm thẳng dương vật. Sau phẫu thuật, bé sẽ có bộ phận sinh dục gần như bình thường, không ảnh hưởng hay rối loạn chức năng sinh dục và sinh sản khi trưởng thành.

Theo lời khuyên của các BS, dị tật LTT cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh mặc cảm tâm lý cho bé khi đến tuổi đi học. “Nếu dị tật này không được phát hiện, trẻ có thể phát triển bình thường, nhưng khi đến tuổi đi học, trẻ mới cảm thấy mình hơi khác với những bạn trai khác và dễ bị chấn thương tâm lý. Phát hiện sớm không những cho kết quả phẫu thuật tốt mà còn tránh được tâm lý mặc cảm cho bé sau này khi đến tuổi đi học” - BS Nguyễn Thanh Tồn nói.

THI CA