03:03, 02/03/2012

Cần được thay “áo”

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V vừa qua, nhiều cử tri có ý kiến về việc cần có biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động đối với hệ thống Bưu điện văn hóa xã, vì hiện nay những điểm này đang hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V vừa qua, nhiều cử tri có ý kiến về việc cần có biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động đối với hệ thống Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), vì hiện nay những điểm này đang hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trong cả nước, nhất là từ sau khi ngành Bưu chính và Viễn thông chia tách, hoạt động của các điểm BĐVHX ngày càng rơi vào tình thế khó khăn, lúng túng.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 87 điểm BĐVHX. Hệ thống này là chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc, góp phần nâng cao dân trí ở địa bàn nông thôn. Những năm đầu hoạt động, BĐVHX đã phát huy vai trò của mình, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực nông thôn và được người dân đánh giá rất cao. Không chỉ cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, các điểm BĐVHX còn là nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí nhằm giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận với thông tin tri thức, nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn. Nhưng hiện tại, do nhiều nguyên nhân, mô hình BĐVHX đã không đáp ứng được nhu cầu hiện nay của người dân và có những hạn chế, tồn tại nhất định. Hiện mạng lưới viễn thông ngày càng mở rộng, phát triển, ngay tại khu vực nông thôn, hầu hết các gia đình có điện thoại cố định, điện thoại di động; thậm chí một số gia đình có điều kiện còn lắp cả internet. Chính vì thế, các điểm BĐVHX thưa thớt khách, hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, một số dịch vụ người dân cần như chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh… lại không có ở BĐVHX; mặt khác, nguồn sách báo tại các điểm này cũng khá nghèo nàn. Những điểm hạn chế này khiến các điểm BĐVHX bộc lộ nhiều hạn chế, tụt hậu trước nhu cầu của xã hội, không còn thu hút người dân.

Trước những thực trạng trên, để tăng cường công tác quản lý cũng như nâng cao hiệu quả phục vụ và kinh doanh tại các điểm BĐVHX, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đang tìm hướng đi mới cho mô hình này. Tháng 1-2012, Bộ TT-TT cũng đã tổ chức hội nghị về điểm BĐVHX nhằm lấy ý kiến của các cấp các ngành và các địa phương về việc định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX, góp phần vào việc chung sức “xây dựng nông thôn mới” theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần có một hướng đi mới cho hệ thống BĐVHX, trong đó cần đa dạng hóa, tích hợp nhiều dịch vụ để các điểm BĐVHX không chỉ đạt được mục tiêu xã hội mà còn phải đạt được mục tiêu kinh tế. Đối với những điểm BĐVHX ở những vùng, khu vực đô thị hóa thì cần mạnh dạn để chuyển đổi hình thức hoạt động; tập trung phát triển truyền thanh, truyền hình và các dịch vụ viễn thông để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Có như thế mới phát huy được vai trò của hệ thống BĐVHX.

Với tinh thần này, ngành Bưu điện tỉnh cũng đã đề ra một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm BĐVHX. Cụ thể như: đánh giá thực trạng hoạt động của các điểm BĐVHX; cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX; định hướng chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2011 - 2015 đối với các điểm BĐVHX ở những vùng đặc biệt khó khăn… Hiện Bưu điện Khánh Hòa đã thực hiện việc rà soát lại toàn bộ các điểm BĐVHX trên địa bàn; phân loại, xác định những điểm sẽ chỉ duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và những điểm có khả năng kinh doanh, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại những điểm này với mục tiêu đảm bảo thu nhập cho nhân viên làm việc tại các điểm BĐVHX. Theo đó, các điểm BĐVHX sẽ có thêm nhiều dịch vụ như: chuyển tiền, bán bảo hiểm nhân thọ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, đẩy mạnh phát trả dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện chiều đến… Bên cạnh đó, còn có các dịch vụ bán sim, phát triển thuê bao viễn thông… Trong thời gian 5 năm tới, Khánh Hòa là 1 trong 40 tỉnh được Bộ TT-TT chọn triển khai dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”. Theo thông tin từ Sở TT-TT, các điểm BĐVHX sẽ được ưu tiên chọn làm điểm triển khai thực hiện dự án trên. Đây là một tín hiệu vui, giúp các điểm BĐVNX có sự thay đổi, có nhiều dịch vụ, hoạt động phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Tuy nhiên, để hệ thống BĐVHX vẫn đảm bảo và phát huy vai trò của mình, ngoài nỗ lực của ngành Bưu điện, cần có sự điều chỉnh cả từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp để có những thay đổi thích hợp, phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân. Ngoài ra cũng cần chú trọng đến chính sách, chế độ đãi ngộ, nâng cao thu nhập cho những người làm việc tại các điểm BĐVHX. Với những giải pháp này, cộng với sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Nhà nước, hệ thống BĐVHX sẽ được thay “áo” mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

HẢI NGUYỆT

Hiện Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) đang tiến hành tổng điều tra hiện trạng các điểm BĐVHX trên phạm vi cả nước để có cơ sở thực tiễn cho việc đổi mới hoạt động của mô hình này, VNPost xác định rõ điểm BĐVHX vẫn sẽ là thành phần của mạng bưu chính công cộng, đảm nhiệm nhiệm vụ bưu chính công ích. Điểm BĐVHX cũng sẽ là điểm tựa để triển khai các đề án “Phát triển thông tin truyền thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015”, chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở, xã, phường, vùng sâu, biên giới và hải đảo”, dự án đưa thông tin khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn… Cùng với đó, VNPost sẽ phân loại, xác định những điểm sẽ chỉ duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và những điểm có khả năng kinh doanh, trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy những điểm này với mục tiêu trong khoảng 5-10 năm tới, doanh thu từ hoạt động điểm BĐVHX sẽ đảm bảo bù đắp được chi phí duy trì hệ thống điểm BĐVHX.