11:03, 10/03/2012

Hạn chế tai nạn giao thông do xe mô tô: Vẫn là bài toán khó

Trong 3 tháng (từ ngày 15-11-2011 đến 15-2-2012) tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chiếm đến 61,5% các vụ tai nạn giao thông.

Trong 3 tháng (từ ngày 15-11-2011 đến 15-2-2012) tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chiếm đến 61,5% các vụ TNGT. Thời gian xảy ra tai nạn từ khoảng 18 đến 23 giờ trong ngày, chủ yếu xảy ra trên tuyến Quốc lộ (QL) 1A. Làm thế nào để hạn chế TNGT liên quan đến loại phương tiện này vẫn là bài toán khó. Bởi hiện nay, xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, qua 3 tháng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ TNGT, làm 44 người chết, 63 người bị thương, trong đó trên tuyến QL1A chiếm 30 vụ, làm 34 người chết, 10 người bị thương. Điều đáng nói, phương tiện gây ra các vụ tai nạn chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy (chiếm đến 61,5% các vụ TNGT). Nguyên nhân xảy ra tai nạn được xác định là do ý thức của người tham gia giao thông. Điển hình là các lỗi như: Vi phạm tốc độ; tránh vượt sai quy định; vi phạm phần đường, làn đường… Hiện nay, cơ sở hạ tầng tuyến QL1A đoạn đi qua địa phận Khánh Hòa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của các loại phương tiện. Thời gian qua, tuy mặt đường QL1A được nâng cấp, sửa chữa nhưng lề đường không đảm bảo, gồ ghề nên các phương tiện tham gia giao thông đều đi hết trên lòng đường. Trong khi lòng đường hẹp, chất lượng không đảm bảo thì lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này lại quá đông, khi 2 ô tô tránh nhau thì không còn chỗ cho xe mô tô và các phương tiện thô sơ khác. Ngoài ra, ý thức của một số người điều khiển xe mô tô còn hạn chế, bất chấp nguy hiểm, điều khiển xe vượt ẩu dẫn đến đối đầu với các loại phương tiện xe cơ giới khác.

Giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy cần có giải pháp đồng bộ
Giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy cần có giải pháp đồng bộ

Bên cạnh đó, thời gian qua, công tác tuyên truyền về ATGT cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, đối tượng được tuyên truyền hầu hết là những người lớn tuổi và giới trí thức, còn việc tuyên truyền cho thanh niên - đối tượng dễ vi phạm và gây ra các vụ TNGT lại rất hạn chế. Anh Nguyễn Phước Danh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyếtù tai nạn và xử lý vi phạm Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Khi tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông cho những vùng nông thôn, đối tượng đi nghe thường là người lớn tuổi, phụ nữ có con nhỏ… Trong khi đó, đối tượng cần tuyên truyền là lực lượng thanh niên - những người thường xuyên tham gia giao thông trên đường, dễ gây ra các vụ TNGT dường như không tham gia. Ban ngày, các đối tượng này đi làm, chiều tối lại rủ nhau đi nhậu. Khi trong người có nồng độ cồn, tinh thần căng thẳng sẽ không còn làm chủ bản thân, vì vậy phóng nhanh, vượt ẩu gây ra tai nạn là điều khó tránh khỏi”.

Trước tình hình TNGT nói chung và TNGT liên quan đến xe mô tô nói riêng đang diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp cần thực hiện là xử phạt nặng các trường hợp vi phạm trật tự ATGT nhằm hạn chế tai nạn liên quan đến loại phương tiện này. Do đó, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tăng cường phạt tiền đối với người vi phạm… Tuy nhiên, giải pháp này mới chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề.

Thời gian tới, nhằm kiềm chế TNGT nói chung và TNGT liên quan đến xe mô tô nói riêng, Phòng CSGT Công an tỉnh chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý người điều khiển ô tô chở quá tải, xe mô tô, xe gắn máy vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường, nhất là tuyến QL1A. Thượng tá Phan Long Để - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Đối với xe mô tô, gắn máy, chúng tôi tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai, chở quá số lượng người, không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe, chở hàng hóa cồng kềnh, chạy quá tốc độ quy định, đi sai làn đường, phần đường, lạng lách đánh võng, điều khiển xe chưa đủ tuổi quy định, uống rượu bia hoặc các chất kích thích khác quá nồng độ quy định, tránh vượt sai quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Đặc biệt lưu ý các tuyến đường, địa bàn trọng điểm và giờ cao điểm, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, buổi chiều, tối”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, tăng cường TTKS, các ngành chức năng cần cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông. Mặt khác, việc quy hoạch hệ thống giao thông phải đồng bộ, khoa học, mở rộng hành lang ATGT, nhất là ở các khu vực tập trung đông người; chấn chỉnh các cơ sở cấp bằng lái xe, xử lý nghiêm những trường hợp bán bằng và sử dụng bằng giả. Những trường hợp lái xe gây tai nạn do cố ý làm trái luật như: phóng nhanh, vượt ẩu, say rượu… cần phải bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Riêng những nạn nhân bị TNGT nhưng do yếu tố khách quan (như hệ thống giao thông bất cập), các cơ quan chức năng cần giải quyết hậu quả, có sự hỗ trợ cho người bị nạn.

CẨM VÂN

.