Gần 24 năm sau khi liệt sĩ Võ Đình Tuấn hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma, huyện đảo Trường Sa, người yêu của anh đã nhờ phóng viên gửi nhiều kỷ vật ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi.
Gần 24 năm sau khi liệt sĩ Võ Đình Tuấn hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma, huyện đảo Trường Sa, người yêu của anh đã nhờ phóng viên gửi nhiều kỷ vật ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi.
. Trao gửi tấm lòng
Ngày 26-5-2011, báo Khánh Hòa có bài viết “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”, kể về chuyện tình của cô giáo Nguyễn Thị Trang với liệt sĩ Võ Đình Tuấn, một trong 64 người lính đã hy sinh ở khu vực các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin của quần đảo Trường Sa, ngày 14-3-1988. Chị Trang ước nguyện được một lần ra tận nơi anh Tuấn hy sinh, “Muốn thấy ngọn sóng nào đã cuốn Tuấn ra đi”, muốn gửi cho Tuấn một số kỷ vật. Nếu không được ra Trường Sa, chị muốn nhờ tôi thực hiện ước nguyện ấy.
Ngày 10-12-2011, được Tòa soạn cử đi cùng đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146 ra thăm, tặng quà Tết cho quân dân huyện đảo Trường Sa, tôi báo tin cho chị Trang. Trưa 12-12, Trang đến nhà tôi. Chị mang theo một hộp nhựa nhỏ trong suốt, phía nắp dán mảnh giấy trắng, ghi “12-12-2011 - Thương gửi Võ Đình Tuấn - Trang” và bức ảnh Trang thời sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Trong hộp, Trang xếp những trang nhật ký, những lá thư, mấy bài thơ chị viết cho Tuấn, khá lâu sau khi được tin anh đã hy sinh. Mặt kia của hộp dán bức ảnh hai người chụp chung trong dịp Noel năm 1987, được ép plastic. “Đây là bức ảnh Tuấn chưa từng được thấy trước lúc hy sinh” - Trang nghẹn ngào nói. Chị dán kỹ chiếc hộp bằng băng keo để khỏi thấm nước, nhờ tôi chuyển đến cho Tuấn ở nơi anh và đồng đội đã ngã xuống. Ngần ngừ một lúc, Trang mượn tôi chiếc máy ghi âm. Chị muốn Tuấn nghe giọng nói của mình...
Gần 24 năm sau khi liệt sĩ Võ Đình Tuấn hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma, huyện đảo Trường Sa, người yêu của anh đã nhờ phóng viên gửi nhiều kỷ vật ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi. - Tấm ảnh anh Tuấn chưa từng được xem (Ảnh do nhân vật cung cấp). |
Trong dịp này, lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 được thực hiện trên tàu HQ-936, chở đoàn thăm cụm đảo giữa huyện đảo Trường Sa. Tôi không thể dự buổi lễ này, vì được phân công đi theo tàu HQ-996, thăm các đảo phía Bắc Trường Sa. Thấy trong nhóm nhà báo đi tàu HQ-936 có hai nhà báo nữ trẻ là Hồng Nhạn, Báo Ninh Thuận và Phương Duyên, Báo Gia Lai, tôi chuyển cho họ các kỷ vật của chị Trang. Tôi tin, hai cô gái trẻ sẽ đồng cảm với Trang, sẽ nâng niu trân trọng tấm lòng của một người phụ nữ dành cho người yêu đã hy sinh. Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác trên tàu HQ-936 hứa, sẽ giúp Hồng Nhạn và Phương Duyên thực hiện ước nguyện của Trang.
Đúng 8 giờ sáng 4-1-2012, Hồng Nhạn gọi điện thoại, cho tôi nghe tiếng còi tàu HQ-936 rền vang. Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 bắt đầu. Trên đảo Đá Lớn A, tôi đứng cúi đầu về hướng Đông Nam, nơi có vùng biển Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Điện thoại của tôi hiện lên tin nhắn của Trang: “Em gửi lòng mình và nước mắt vào mênh mông biển đảo Gạc Ma. Xin được tưởng niệm Tuấn và tất cả các chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vì Tổ quốc”.
Em đã đến nơi chị mong được đến
Có phải ngẫu nhiên hay sắp đặt mà tôi, một người không quen biết với chị Trang, lại là người chuyển tình yêu của chị đến liệt sĩ Võ Đình Tuấn, giữa biển khơi mênh mông. Sự kiện Gạc Ma diễn ra vào năm 1988, năm sinh của tôi, ngày chị Trang viết lại lá thư cho anh Tuấn cũng chính là ngày sinh của tôi, 28-8.
Ngày 15-12-2011, khi được trao gửi kỷ vật của chị Trang, tôi và Phương Duyên đã hứa, sẽ không phụ lòng chị. Lên đảo Phan Vinh, chúng tôi tìm một khối san hô và một vỏ ốc thật đẹp, làm bệ và nắp che cho hộp kỷ vật của chị Trang. Các anh trong đoàn công tác giúp chúng tôi buộc chặt tất cả với nhau, để khi được thả xuống biển, kỷ vật sẽ đến được với anh Tuấn, ở lại với anh.
Sáng 4-1-2012, biển trời trước đảo Cô Lin khá u ám, sóng lớn. Nhưng trước giờ làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988, trời hửng nắng soi xuống mặt biển xanh, sóng dịu hơn. Anh Văn Điệp, một sĩ quan trong đoàn công tác đặt kỷ vật của chị Trang và tờ báo Khánh Hòa có bài viết “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi” lên ban thờ. Kể từ lúc thắp hương cho các hương hồn liệt sĩ, tôi đã để nước mắt lăn dài trên má. Sự hy sinh của anh Tuấn và đồng đội đã cho thế hệ chúng tôi được hưởng cuộc sống thanh bình hôm nay. Tôi hiểu hơn về sự chờ đợi, về khát khao của chị Trang được đến nơi này, nơi anh Tuấn đã hy sinh. Nước mắt cũng đã rơi trên gương mặt của nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân và các phóng viên trên tàu HQ-996.
Sau khi vòng hoa tưởng niệm được thả xuống biển, tôi thầm thì: “Chị Trang ơi, em đã đến nơi mà chị mong được đến, em sẽ trao cho anh Tuấn kỷ vật của chị”. Tôi mở đoạn ghi âm, để những lời nghẹn ngào của chị Trang vang đến anh Tuấn. “Tuấn à! Trang gửi Tuấn những kỷ vật của hai đứa mình từ ngày ấy... Mong rằng hương hồn Tuấn sẽ nhận được những gì mình gửi hôm nay. Trái tim Trang luôn nhường bước cho Tuấn, luôn luôn đợi Tuấn. Trang biết, hôm nay Tuấn sẽ cảm nhận được chút lòng của mình. Trang muốn nói, Trang sẽ mãi nhớ Tuấn, và yêu Tuấn”. Nâng gói kỷ vật lên ngang mày, tôi quỳ bên mạn tàu, khấn nhỏ với anh Tuấn, mong anh và đồng đội sẽ hiểu được tấm lòng của chúng tôi. Trong phút chốc, tôi thấy mình như chính là chị Trang! Tôi hôn lên kỷ vật của chị Trang trước khi thả về với biển, cùng với tờ báo. Biển thăm thẳm ôm trọn tất cả. Buổi xế chiều hôm ấy, trời đang ráo tạnh bỗng nổi một cơn mưa rào...
Tình yêu của chị Trang và liệt sĩ Võ Đình Tuấn đã cho tôi, một người trẻ, tin sự vĩnh cửu của tình yêu không chỉ có trong cổ tích.
Đình Quân – Hồng Nhạn