Những năm gần đây, cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS; sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự ủng hộ, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Khánh Hòa…, công tác PC HIV/AIDS của tỉnh đã có nhiều khởi sắc.
Những năm gần đây, cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên làm công tác phòng, chống (PC) HIV/AIDS; sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự ủng hộ, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Khánh Hòa…, công tác PC HIV/AIDS của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Dịch HIV/AIDS đã có dấu hiệu chững lại, số người nhiễm mới HIV, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và số tử vong do AIDS đều giảm. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm bùng phát dịch, nếu việc triển khai các biện pháp can thiệp không đồng bộ và kém hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm PC HIV/AIDS, tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố, 116/140 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, địa phương có số người nhiễm cao nhất là TP. Nha Trang với 1.120 người (chiếm 64,6%). Tích lũy số người nhiễm HIV/AIDS trong tỉnh đến cuối năm 2011 là 1.773 người, đang còn sống 789 người, trong đó có 405 bệnh nhân (BN) AIDS. Riêng năm 2011, số người mới nhiễm HIV là 177 người (giảm 14% so với năm 2010), số chuyển sang giai đoạn AIDS là 131 BN (giảm 33,5%) và số tử vong do AIDS là 62 người (giảm 18,4%).
Có được thành công trên, theo bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm PC HIV/AIDS, là do sự nhiệt tình, tận tâm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PC HIV/AIDS, sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, nhất là các chương trình can thiệp PC HIV/AIDS đã được triển khai sâu rộng và đồng bộ. Thể hiện rõ nhất là chương trình thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi đã được đa dạng hóa với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: Truyền thông đại chúng kết hợp với truyền thông trực tiếp; lồng ghép công tác PC HIV/AIDS vào các chương trình, dự án, các phong trào quần chúng… Nhờ đó, nhận thức về HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm ở người dân được nâng lên; sự kỳ thị, tự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS giảm đáng kể; số người tình nguyện tham gia PC HIV/AIDS ngày càng nhiều. Đi đôi với công tác truyền thông, chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS nhận được sự đồng thuận cao trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Chương trình phát bơm kim tiêm và bao cao su sạch đã được triển khai ở các huyện, thị, thành phố với hơn 2/3 số xã, phường tham gia. Năm 2011, cấp phát hơn 1.772.000 bao cao su, 587.330 bơm kim tiêm sạch, thu gom 283.825 bơm kim tiêm bẩn (chiếm 48,3%), hơn 136.000 lượt người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm được tiếp cận với chương trình. Chương trình tư vấn HIV đã được phủ rộng tới tất cả các xã, phường trong tỉnh. Toàn tỉnh có 9 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Năm qua, có hơn 21.700 lượt người sử dụng dịch vụ này, qua đó phát hiện 341 người nhiễm HIV (cả người trong và ngoài tỉnh). Việc triển khai điều trị ARV cho BN AIDS được đẩy mạnh với số người đang điều trị là 311, trong đó có 19 trẻ em. Chương trình phòng lây truyền từ mẹ sang con được triển khai toàn tỉnh với số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện hơn 16.200 người, phát hiện 20 người nhiễm HIV, có 14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con được quản lý, điều trị dự phòng lây truyền mẹ-con.
Bác sĩ Trần Văn Tin cho biết: “Tuy dịch có xu hướng chững lại nhưng vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ và thách thức có thể làm bùng phát nếu việc triển khai các biện pháp can thiệp không đồng bộ và kém hiệu quả”. Theo bác sĩ Trần Văn Tin, hiện nay, dịch HIV/AIDS lây qua đường máu ở người nghiện chích ma túy và lây qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng, tập trung ở lứa tuổi thanh niên. Ngoài ra, thách thức trong công tác PC HIV/AIDS hiện nay ở tỉnh thuộc những nhóm đối tượng khó quản lý như: Lái xe đường dài, ngư dân đánh bắt xa bờ, người di biến động, khách du lịch… đến tỉnh ngày càng đông. Đây là những nhóm đối tượng rất dễ trở thành cầu nối làm lan truyền HIV trong cộng đồng.
Để công tác PC HIV/AID đạt hiệu quả cao và thiết thực, năm 2012, công tác PC HIV/AIDS sẽ tập trung vào các nội dung như: Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp đa ngành về truyền thông giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm PC HIV/AIDS cho toàn thể cán bộ, người dân; xóa dần tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng; ưu tiên truyền thông trực tiếp, tập trung vào nhóm người có hành vi nguy cơ cao, thanh niên, dân cư di biến động, vùng xa, vùng khó khăn…; tăng diện bao phủ chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, đảm bảo hơn 95% đối tượng tiêm chích an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục; mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ như: tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị ARV, lao/HIV, phòng lây truyền HIV mẹ-con…, chú trọng tại các huyện chưa có hoặc có ít các dịch vụ này; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh dưới 0,2%…
THI CA