04:03, 01/03/2012

Cơ hội điều trị sớm cho trẻ sơ sinh mắc bệnh, tật bẩm sinh

Xây dựng và mở rộng mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở tuyến cơ sở là mục tiêu Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh .....

Xây dựng và mở rộng mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS-SS) ở tuyến cơ sở là mục tiêu Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh (gọi tắt là Đề án SLTS-SS) hướng đến trong giai đoạn 2012 - 2015. Qua đó phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở bào thai và sơ sinh, góp phần giảm tỷ lệ bệnh, tật, tử vong ở trẻ sơ sinh, nhằm nâng cao chất lượng dân số đầu đời.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 1-4-2009, cả nước có tỷ lệ khuyết tật chiếm 7,8% dân số. Tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ khuyết tật là 9,7%, trong đó tỷ lệ loại đặc biệt nặng chiếm 0,64% và ước tính số trẻ dị tật bẩm sinh sinh ra hàng năm khoảng 300 trẻ. Nguyên nhân chủ yếu của các loại dị tật bẩm sinh là do rối loạn chuyển hóa, di truyền và hậu quả của tai nạn thương tích, phần lớn xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì thế, việc phát hiện và can thiệp sớm bệnh ở bào thai và sơ sinh bằng y khoa là việc làm rất cần thiết để trẻ sơ sinh được điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh, tật.


Vì tương lai khỏe mạnh của thế hệ trẻ, các bà mẹ hãy tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Vì tương lai khỏe mạnh của thế hệ trẻ, các bà mẹ hãy tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh. 
  

 

Đề án SLTS-SS được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2011, tại 30 xã/phường/thị trấn thuộc 5 huyện, thị, thành phố. Ngoài các hoạt động như: tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp cho phụ nữ mang thai, sản phụ, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành lấy mẫu máu gót chân 85 trẻ sinh tại Bệnh viện, gửi đến Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán SLTS-SS - Trường Đại học Y dược Huế, phát hiện 1 trường hợp thiếu men G6PD và đã hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, điều trị cho trẻ kịp thời. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh thực hiện sàng lọc chẩn đoán thai nhi tại Trung tâm, siêu âm SLTS trên 5.000 ca, phát hiện 45 ca dị tật bẩm sinh (trong đó, tư vấn cần chấm dứt thai kỳ: dãn nảo thất: 8 ca; nang đám rối mạng mạch: 8 ca; tràn dịch đa màng: 6 ca; sứt môi: 4 ca; đa dị tật, hẹp môn vị, hở thành bụng: 13 ca…) và trên 500 ca (siêu âm thai kỳ từ tuần 12 - 14) có dấu hiệu nguy cơ cao, được bác sĩ tư vấn chuyển tuyến vào Khoa Chăm sóc tiền sản, Bệnh viện Từ Dũ - TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra và điều trị tiếp…

Giai đoạn 2012 - 2015, trên cơ sở những kết quả đạt được, Đề án SLTS-SS sẽ triển khai mở rộng ra 120 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố, chiếm 85,7% số xã/phường/thị trấn trên toàn tỉnh. Theo đó, Chi cục sẽ phối hợp với Trung tâm SLTS-SS khu vực miền Trung và Tây Nguyên - Trường Đại học Y dược Huế xây dựng và duy trì mạng lưới SLTS-SS, đảm bảo đến năm 2015, trong vùng triển khai Đề án: 70% số xã/phường/thị trấn được thực hiện SLTS; 50% số phụ nữ mang thai được SLTS bằng kỹ thuật siêu âm; 70% số xã/phường/thị trấn triển khai sàng lọc sơ sinh; 60% số trẻ sơ sinh được sàng lọc bằng kỹ thuật lấy, xét nghiệm mẫu máu gót chân. Dịch vụ SLTS-SS sẽ được triển khai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố. Cùng với các hoạt động sàng lọc, Chi cục sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SLTS-SS cho cán bộ và nhân dân trong vùng triển khai Đề án, nhằm đảm bảo 100% cán bộ y tế tham gia Đề án có kỹ năng tuyên truyền, tư vấn và 100% các bà mẹ mang thai được tuyên truyền tư vấn về SLTS-SS. Bà Hồ Thị Thi - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Trước mắt, trong năm 2012, Đề án sẽ tập trung triển khai SLTS-SS tại tuyến huyện; thí điểm sàng lọc SS tại tuyến xã; duy trì các địa bàn thực hiện thí điểm năm 2011 (5 huyện, 30 xã), đồng thời mở rộng Đề án ra phạm vi 70 xã/phường/thị trấn. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông vận động người dân, cung cấp tài liệu cho cơ sở, tư vấn trực tiếp các nhóm đối tượng và tiến hành khảo sát đánh giá việc thực hiện Đề án bước đầu để rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo”.

Theo định hướng Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, công tác DS-KHHGĐ sẽ có sự chuyển đổi căn bản từ mục tiêu ưu tiên giảm sinh sang nâng cao chất lượng dân số. Đề án SLTS-SS chính là hoạt động chăm sóc chất lượng dân số đầu đời, để các bà mẹ sinh ra những em bé khỏe mạnh về thể chất, trí tuệ, giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, tật, tử vong ở trẻ sơ sinh.

MINH THIẾT