11:03, 16/03/2012

Công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng

Đây là một trong những nội dung đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, .....

Đây là một trong những nội dung đánh giá của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Khánh Hòa tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTW) 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo đó, những năm qua, công tác quản lý, chấp hành pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nổi bật là việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về đất đai và công tác quy hoạch (QH), kế hoạch sử dụng đất (SDĐ)…

Ngay sau khi NQTW 7 được ban hành (3-2003), BTV Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện NQ và tổ chức hội nghị triển khai học tập, quán triệt NQ đến cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành của tỉnh và các huyện, thị, thành phố. Sau hội nghị, các địa phương đều triển khai học tập, quán triệt, thực hiện NQ đến từng đảng viên. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo và nội dung cụ thể cần thực hiện trong việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai tại địa phương. Qua đó, các cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ quan điểm, nội dung chỉ đạo của NQ về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Song song với việc tổ chức học tập, quán triệt NQ, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện NQ một cách nghiêm túc. Bên cạnh xây dựng và ban hành các loại VBQPPL nhằm cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về đất đai để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, tỉnh thường xuyên và kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp đối với các VBQPPL của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương trong từng giai đoạn để thực hiện, nhất là các quy định về hạn mức giao đất ở, công nhận đất ở, trình tự thủ tục hành chính trong quản lý và SDĐ, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Tổng cộng đã có 18 văn bản liên quan đến việc thực hiện NQ được ban hành.

Không chỉ chú trọng xây dựng các VBQPPL thuộc thẩm quyền về đất đai, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác QH SDĐ. Không phải ngẫu nhiên mà Khánh Hòa là tỉnh đã hoàn thành QH, kế hoạch SDĐ 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành. Theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy, nhìn chung công tác QH, kế hoạch SDĐ đã được tỉnh quan tâm đúng mức, việc lập QH, kế hoạch đã được thể hiện chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Công tác quản lý đất đai được chú trọng, đặc biệt là quản lý theo QH và kế hoạch trên cơ sở tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả quỹ đất. Sau khi QH, kế hoạch SDĐ đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động tổ chức công bố QH, phổ biến trên các phương tiện thông tin tại địa phương và được công khai tại trụ sở UBND các địa phương. Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt công tác quản lý đất đai của địa phương, nhất là trong lĩnh vực chuyển mục đích SDĐ, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ… Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện QH, kế hoạch SDĐ cũng được các cấp quan tâm. Đối với đất đầu tư dự án, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện, yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ; trường hợp nhà đầu tư sau khi được giao đất, cho thuê đất chậm triển khai dự án theo quy định sẽ kiên quyết thu hồi. Nhờ đó đã góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất có giá trị trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đất đai để xử lý các hành vi vi phạm như lấn chiếm đất đai, SDĐ không đúng mục đích, qua đó kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh và xử lý về tài chính đối với các khoản thu do các đơn vị thực hiện không đúng quy định với số tiền gần 8 tỷ đồng. Công tác giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại về quản lý và SDĐ được quan tâm. Từ năm 2004 đến nay, cơ quan hành chính các cấp của tỉnh đã tiếp nhận 3.883 vụ khiếu nại về đất đai (chiếm 61,23% tổng số đơn khiếu nại của tỉnh), đã giải quyết 3.858 vụ (đạt 99,63%); tiếp nhận 3.722 vụ tranh chấp đất đai, giải quyết 3.702 vụ (đạt 99,46%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện NQTW 7 trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Công tác QH SDĐ vẫn còn thiếu tính đồng bộ giữa các QH chuyên ngành khác, dẫn đến sự chồng chéo, chưa hình thành được hệ thống QH thống nhất trong quản lý tại địa phương. Việc quản lý QH đã được quan tâm nhưng công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những hành vi vi phạm. QH SDĐ được phê duyệt không đồng thời với QH phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến công tác dự báo nhu cầu SDĐ và bố trí quỹ đất theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Sự phối hợp giữa các ngành trong công tác QH SDĐ chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ về trách nhiệm của các ngành trong công tác thẩm định QH, kế hoạch SDĐ, công tác phản biện chưa được chú trọng…

Để những chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, BTV Tỉnh ủy đã kiến nghị Trung ương một số vấn đề về cơ chế, chính sách đất đai, đặc biệt là kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2003. Theo đó, cần bổ sung vào Luật các quy định về quản lý, SDĐ cảng hàng không, sân bay; nên nghiên cứu sửa hoặc bỏ khoản 3, Điều 122 quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với đất chưa được giải phóng mặt bằng; về thu hồi đất, nên quy định thời gian ngắn hơn; về quyền SDĐ, khi cổ phần hóa, sở hữu hỗn hợp, nên bổ sung quyền ưu tiên của chủ sở hữu đất đai đối với việc mua lại tài sản trên đất thuê…

NGỌC KHÁNH