09:03, 22/03/2012

Mang lại hiệu quả cao

Sau gần 18 năm tồn tại và phát triển, Chương trình Song ngữ tiếng Pháp của tỉnh Khánh Hòa được đánh giá là có chất lượng giáo dục tốt, mang lại hiệu quả cao.

Sau gần 18 năm tồn tại và phát triển, Chương trình Song ngữ tiếng Pháp (SNTP) của tỉnh Khánh Hòa được đánh giá là có chất lượng giáo dục tốt, mang lại hiệu quả cao.

Chương trình SNTP (tên cũ là Chương trình dạy tiếng Pháp tăng cường) là chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam ký kết với Cơ quan Giáo dục Đại học Cộng đồng Pháp Ngữ (AUF) thực hiện với mục tiêu đào tạo đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam có khả năng sử dụng tiếng Pháp như một công cụ để tiếp cận với nền công nghệ hiện đại của thế giới. Tại Khánh Hòa, từ năm học 1994 - 1995, Chương trình SNTP được đưa vào giảng dạy tại các trường: Trung học Phổ thông (THPT) Nguyễn Văn Trỗi, Tiểu học Xương Huân 1, Tiểu học Tân Lập 2 và Tiểu học Phước Hòa 2 (Nha Trang). Đến năm học 2007 - 2008, Chương trình mở rộng thêm đến Trường Trung học Cơ sở (THCS) Trần Quốc Toản (Nha Trang). Đến nay, sau gần 18 năm tồn tại và phát triển, toàn tỉnh có 40 lớp với 1.060 học sinh (HS) các lớp song ngữ Pháp - Việt. Chương trình SNTP của tỉnh được đánh giá là có chất lượng GD tốt, mang lại hiệu quả cao.

Ông Trần Duy Nhụ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết, SNTP là một chương trình GD chất lượng cao. Theo học chương trình, các HS được tiếp cận với một phương pháp học tập chủ động, có điều kiện để phát huy tính năng động và sáng tạo trong học tập. Điểm nhấn của chương trình là giúp HS có khả năng tự học, tiếp thu kiến thức thông qua quan sát, khám phá, phân tích và tổng hợp; hạn chế tối đa việc học “thuộc lòng”. HS có quyền diễn đạt kiến thức, được kiểm tra bằng ngôn từ và cách diễn đạt của bản thân. Sau khi hoàn thành chương trình học tập ở bậc THPT, HS học song ngữ sẽ trải qua 2 kỳ thi tốt nghiệp gồm: kỳ thi chung với các HS theo chương trình bình thường và kỳ thi tốt nghiệp dành riêng cho HS song ngữ. Các HS sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ tốt nghiệp THPT chương trình song ngữ (có giá trị như chứng chỉ C Pháp ngữ) do Bộ GD-ĐT cấp và một chứng chỉ Pháp ngữ BAC do Đại sứ quán Pháp cấp (tương đương bằng DELF B2, có giá trị quốc tế). Chứng chỉ BAC là một trong những yếu tố quan trọng để HS có được suất học bổng hay thị thực nhập cảnh vào Pháp. Chương trình song ngữ quy định mỗi lớp học chỉ từ 30 đến 35 HS, nhưng thực tế đăng ký học ít hơn nên HS được giáo viên (GV) giảng dạy, hướng dẫn kỹ và tốt hơn so với HS ở những lớp bình thường. Mặt khác, chương trình đòi hỏi GV dạy chuyên sâu cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; đồng thời, HS còn được trang bị kiến thức văn hóa tổng quát về Cộng đồng Pháp ngữ, dạy Toán và Lý bằng tiếng Pháp. Từ đó, HS song ngữ sau 12 năm, hoặc 7 năm học sẽ có được kỹ năng giao tiếp, nền tảng kiến thức phổ thông bằng tiếng Pháp vững vàng, phục vụ cho việc du học tại các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ. Chính vì chương trình đòi hỏi chất lượng cao nên để có thể tham gia giảng dạy Chương trình SNTP, GV phải qua kỳ thi tuyển với những tiêu chí gắt gao. Được biết, nhờ có Chính phủ Pháp tài trợ nên hơn 70% GV song ngữ trên địa bàn tỉnh đã được tu nghiệp tại Pháp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo báo cáo của các trường có Chương trình SNTP, nhờ có chất lượng GD tốt, chương trình giảng dạy khoa học, hợp lý nên HS song ngữ có chất lượng học tập cao hơn. Thực tế, ở Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, các lớp SNTP luôn có tỷ lệ HS khá, giỏi cao so với mặt bằng chung của trường. Trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh và quốc gia, HS song ngữ luôn đạt được nhiều giải cao. Chẳng hạn như kỳ thi HS giỏi năm học 2011 - 2012 vừa diễn ra, có 9 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, 3 HS đạt giải HS giỏi cấp quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011, tỷ lệ HS song ngữ tốt nghiệp là 100%, trong đó 95% HS thi đỗ đại học, cao đẳng, 3 HS đỗ thủ khoa các trường đại học, 8 HS được nhận vào học tại các trường đại học ở nước Cộng hòa Pháp, 1 HS nhận được học bổng học tại Trường Đại học Grandes écoles (Pháp)… Đặc biệt, Phan Hải Triều - cựu HS lớp SNTP của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi khóa học 1999 - 2002 đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển thủy điện Công ty Alstom, tại TP. Grenoble (Pháp), vừa trở thành nhà khoa học trẻ Việt Nam được nhận giải thưởng dành cho luận án tiến sĩ xuất sắc Paul Germain do Hiệp hội Cơ học Pháp trao tặng. “Để có được những thành quả trên, trước hết phải ghi nhận sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Mặt trời Pháp Ngữ, ông bà Gérard và Pierrette Lamorlette - đại diện Hội Hỗ trợ người nghèo Pháp và Hội Eclaireurs Pháp tại Nha Trang. Các tổ chức và cá nhân đã tạo điều kiện tốt nhất để HS Chương trình SNTP có được môi trường học tập chất lượng” - ông Trần Duy Nhụ nhấn mạnh. Được biết, từ năm 1998 đến năm 2005, Hội Mặt trời Pháp Ngữ đã tổ chức cho HS lớp 10 Chương trình Song ngữ Pháp - Việt của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi sang Pháp học 1 năm tại Trường THPT Benjamin Franklin - Auray, mỗi đợt từ 4 đến 6 HS. Hàng năm, Hội đồng tỉnh Morbihan (Pháp) đều trao tặng học bổng cho các HS Chương trình Song ngữ có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi môn tiếng Pháp (mỗi suất 1 triệu đồng).

Đại sứ quán Pháp còn trao tặng các thiết bị và tài liệu phục vụ giảng dạy tiếng Pháp như: tivi, cassettes, thiết bị kết nối internet, sách… cho các trường song ngữ và tặng học bổng Jeunes Pousses của Thượng viện Pháp cho những HS có điểm thi tú tài Pháp cao. Ngoài việc học tập, HS các lớp song ngữ còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như: viết thư giao lưu với HS các trường kết nghĩa ở Bỉ, Pháp; tham gia văn nghệ nhân ngày Quốc tế Cộng đồng Pháp Ngữ (20-3) hàng năm; thực hiện các tập tư liệu chuyên đề bằng tiếng Pháp; viết báo bằng tiếng Pháp…

Tuy hướng phát triển cho HS học Chương trình SNTP đã thấy rõ, nhưng những năm gần đây, số phụ huynh cho con em theo học chương trình đang giảm dần. Ông Mai Văn Thuận - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xương Huân 1 cho biết: “Năm học 2011 - 2012, trường được giao chỉ tiêu tuyển 2 lớp 1 Chương trình SNTP, nhưng thực tế chỉ tuyển được 1 lớp với 26 HS. Ngoài ra, số lượng HS cũng không còn đầy đủ như năm đầu vào học, có nhiều HS xin chuyển ra khỏi chương trình song ngữ”. Theo nhận xét của nhiều GV song ngữ, số HS theo học Chương trình SNTP giảm dần một phần do chương trình hơi nặng đối với những em có học lực trung bình, bởi các em phải học song song 2 chương trình (tiếng Việt và tiếng Pháp), thời lượng ngoại ngữ là 10 tiết/tuần.

Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, cộng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức Pháp, sự nỗ lực của ngành GD, tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh HS, tin tưởng rằng Chương trình SNTP sẽ tiếp tục phát triển và mang lại những thành quả tốt hơn nữa cho công tác GD của tỉnh.

LÊ NGUYÊN