12:03, 14/03/2012

Chủ động phòng, chống cháy rừng

TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) hiện có hơn 5.128ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy, tập trung chủ yếu ở 4 xã: Cam Thành Nam, Cam Lập, Cam Thịnh Tây và Cam Phước Đông. Để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đang triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng.

TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) hiện có hơn 5.128ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy, tập trung chủ yếu ở 4 xã: Cam Thành Nam, Cam Lập, Cam Thịnh Tây và Cam Phước Đông. Để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đang triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng (PCCR).

Thời gian qua, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng trên địa bàn TP. Cam Ranh là do người dân ở ven rừng thường xuyên đốt nương làm rẫy, nhất là khu vực tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh đó, tình trạng các đối tượng vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đốt than vẫn diễn biến phức tạp; một số hộ dân sống ven rừng vẫn đốt rừng lồ ô để chờ lấy măng, hoặc dùng lửa bắt ong… nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động bảo vệ rừng (BVR) trong mùa khô, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCCR TP. Cam Ranh đã triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách PCCR. Bên cạnh kiện toàn Ban chỉ đạo PCCR các cấp, công tác tuyên truyền thực hiện tốt các quy ước BVR đã được triển khai sâu rộng đến các xã, thôn và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm Cam Ranh còn phối hợp với các đơn vị chủ rừng, địa phương có rừng xây dựng các biển báo cấm, pa nô, áp phích, tờ rơi… và thông qua hệ thống phát thanh để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia PCCR.

 Lực lượng Kiểm lâm Cam Ranh tuần tra, kiểm soát công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.
Lực lượng Kiểm lâm Cam Ranh tuần tra, kiểm soát công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.

Đến thời điểm này, Cam Ranh đã thành lập 10 tổ đội quần chúng tham gia BVR, PCCR với trên 100 thành viên. Bên cạnh tăng cường bám sát địa bàn giúp các xã thực hiện kế hoạch bảo vệ và PCCR theo quy định, Hạt Kiểm lâm còn tham mưu cho thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với lực lượng Công an, các đơn vị Quân đội đóng trên địa bàn xây dựng quy chế phối hợp tham gia PCCR. Theo đó, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy; tiến hành làm mới, phát dọn đường băng cản lửa, đốt thực bì hàng trăm héc-ta rừng nhằm khoanh vùng, khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị thiệt hại nếu đám cháy xảy ra. Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, các địa phương tiến hành rà soát lại diện tích nương rẫy, hướng dẫn đồng bào thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế; đồng thời vận động gần 200 hộ dân sống ven rừng ký cam kết BVR, tham gia PCCR. Mặt khác, lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào rừng, kiên quyết đưa những hộ dân sinh sống trái phép ra khỏi rừng, cấm tuyệt đối việc dùng lửa và các dụng cụ khác để săn bắt thú rừng, khai thác lâm sản trái phép; phân công Kiểm lâm địa bàn trực gác tại các vùng trọng điểm 24/24 giờ trong các tháng mùa khô, tăng cường tuần tra những vùng có nguy cơ cháy cao. Trên cơ sở thông tin dự báo cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Cam Ranh kịp thời thông báo tới các xã vùng trọng điểm để các địa phương triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng một cách chủ động, hiệu quả. Năm 2012, phương châm PCCR được TP. Cam Ranh xác định tuân thủ 4 nguyên tắc tại chỗ là “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố cháy rừng xảy ra.

Để công tác PCCR phát huy hiệu quả, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát lại diện tích đất sản xuất, giúp người dân sống ven rừng thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế nhằm hạn chế tình trạng đốt rừng làm nương rẫy. Theo đó, thực hiện việc giao đất, khoán rừng gắn với trách nhiệm PCCR… Nơi có điều kiện hoặc ở vùng xung yếu, nên tổ chức tập huấn, thao diễn kỹ thuật xử lý các tình huống khi xảy ra cháy rừng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng phòng cháy, chữa cháy với chính quyền và nhân dân địa phương có ý nghĩa quyết định đến việc chữa cháy rừng; trong đó lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy giữ vai trò nòng cốt.

ANH TUẤN - KHÁNH VĨNH