12:03, 09/03/2012

Khi biến chứng có thể gây tử vong

Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn ký sinh Rickettsia orientalis gây nên qua trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò Trombicula. Bệnh xuất hiện ở những người bị ấu trùng mò đốt.

Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn ký sinh Rickettsia orientalis gây nên qua trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò Trombicula. Bệnh xuất hiện ở những người bị ấu trùng mò đốt. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như trụy tim mạch, viêm cơ tim, viêm phổi, viêm thận và rối loạn tâm thần, dẫn đến tử vong. Điều đáng nói là bệnh này dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh cảm cúm, thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết… Từ đầu năm đến nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là nơi có số ca mắc bệnh sốt mò (BSM) cao nhất tỉnh Khánh Hòa.

Bác sĩ (BS) Đặng Quý Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực (ĐKKV) Ninh Hòa cho biết, từ đầu năm đến gần cuối tháng 2, Khoa Truyền nhiễm của BV tiếp nhận gần 44 trường hợp bị BSM. Các bệnh nhân (BN) đều nhập viện trong tình trạng khởi phát bệnh với biểu hiện sốt cao, rét run, nổi hạch… BN Lê Thị Trung Phước (18 tuổi) ở Ninh Phụng, Ninh Hòa kể, khoảng giữa tháng 2, thấy người âm ấm như sốt, cứ tưởng là bị cảm cúm bình thường nên ở nhà tự mua thuốc uống; qua 7 ngày uống thuốc trị cảm nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm, tình trạng sốt cao, rét run, ớn lạnh ngày càng nhiều. Gia đình thấy vậy mới đưa vào BVĐKKV Ninh Hòa điều trị. Sau khi chuyển xuống Khoa Truyền nhiễm, được các BS khám và làm xét nghiệm, chị Phước mới biết mình bị BSM. Được các BS ở đây tích cực điều trị, giờ đây, BN đã thuyên giảm bệnh nhiều. Tương tự, cháu Nguyễn Hồ Điệp (7 tuổi), ở Ninh Lộc, Ninh Hòa vào BVĐKKV Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, rét run, phát ban nhiều chỗ. Sau khi được các BS Khoa Truyền nhiễm của BV điều trị tích cực, sức khỏe của BN hồi phục và chuẩn bị xuất viện. Mẹ cháu - chị Nguyễn Như Thủy cho biết, trước đó khoảng 7 ngày, thấy cháu cứ âm ấm sốt, tưởng là cháu bị cảm cúm thông thường nên gia đình đưa cháu đến BS tư để chích thuốc trị cảm. Điều trị 7 ngày nhưng tình trạng của cháu không thuyên giảm mà có phần nặng hơn nên gia đình mới cho nhập viện, vào đây mới biết cháu bị BSM.

z
 Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị bệnh sốt mò.

BSM là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên do vi khuẩn ký sinh Rickettsia orientalis, qua trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò Trombicula. Ấu trùng mò nằm trên mặt đất, ngọn cỏ, khi gặp người hoặc súc vật thì bám vào hút máu truyền bệnh rồi rời khỏi người, tiếp tục biến hóa thành mò trưởng thành. Đặc điểm lâm sàng của BSM là sốt kéo dài (2 - 3 tuần), có vết loét ở da do côn trùng đốt, nổi hạch, phát ban ngoài da và viêm các mạch máu. Bệnh thường phát triển vào mùa mưa. Nguồn bệnh thường từ các động vật hoang dã loài gặm nhấm, chủ yếu là chuột, ngoài ra còn có các loại chim, gà, chó… Ở nông thôn dễ mắc căn bệnh này. BS Đặng Quý Sơn cho biết, bệnh thường lây theo đường máu qua da, do vết đốt của ấu trùng mò có mang mầm bệnh. Nơi mò đốt thường là vùng da mềm ẩm, nơi kín đáo, khó phát hiện. Vét loét ở da tại nơi ấu trùng mò đốt có nốt sẩn đỏ, mọng nước hoặc hoại tử biểu bì, đặc biệt không đau. Mọi người đều có thể mắc bệnh khi bị ấu trùng mò có mang mầm bệnh đốt và truyền mầm bệnh sang người. Khi vào cơ thể, vi khuẩn ký sinh Rickettsia orientalis gây bệnh bằng cách xâm nhập vào máu, vào hệ bạch huyết, gây nên tình trạng viêm hạch tại chỗ và toàn thân; gây viêm các mạch máu, làm thay đổi tính thấm mao quản, thoát huyết tương, gây tổn thương viêm nhiễm các phủ tạng như não, tim, thận… Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 1 - 2 tuần, thời kỳ khởi phát thường sốt cao đột ngột, có thể kèm theo những cơn rét hoặc ớn lạnh, thân nhiệt dao động 39 - 400C. Tại vết mò đốt không đau, không rát. Thời kỳ toàn phát gồm 4 triệu chứng chính: Loét: Vị trí các vết loét có thể ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể, nhưng thường là ở những vùng da non và ẩm, nơi vùng kín như nách, bẹn, háng, bộ phận sinh dục… Vết loét hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 1 - 2cm, nổi gồ lên mặt da, bờ cứng, có vảy đen hoặc đã bong, để lại vết loét đáy trũng sâu, không máu, không tiết dịch. Sốt: Sốt nhẹ 1 - 2 ngày đầu, có thể kèm theo những cơn gai rét, ớn lạnh. Hoặc có thể sốt cao ngay những ngày đầu, thân nhiệt từ 39 - 400C. Nếu không được điều trị, sốt có thể kéo dài 2 - 3 tuần, kèm theo tình trạng nhiễm độc thần kinh nặng nề, nhức đầu dai dẳng, nhức hai hố mắt. Hạch: BN chỉ sưng hạch ở khu vực gần nơi vết mò đốt trong thời kỳ nung bệnh; khi chuyển sang thời kỳ toàn phát sẽ sưng hạch toàn thân (hầu như 100% BN có sưng hạch). Ban: Thường là ban dát sẩn màu đỏ nhạt, không đau, không ngứa, mọc thưa toàn thân (trừ lòng bàn tay, bàn chân), có thể có ban dạng xuất huyết. Ngoài ra, BN có thể có các triệu chứng khác như: Mê sảng, kích động lơ mơ, có thể viêm cơ tim, viêm phế quản hoặc viêm phổi không điển hình; thường táo bón trong những ngày đầu, sau đi tiêu lỏng… Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong vì những biến chứng nguy hiểm như: viêm cơ tim, truỵ tim mạch, viêm phổi, viêm phế quản nặng do bội nhiễm hoặc do chính vi khuẩn ký sinh Rickettsia orientalis, viêm não, màng não.

Theo lời khuyên của nhiều BS, cách phòng, chống căn bệnh này là xử lý ổ dịch bằng cách diệt ấu trùng mò bởi các thuốc diệt côn trùng. Diệt chuột và các loài gặm nhấm. Phát quang khu vực xung quanh nhà ở, trường học… Khi đi vào khu vực có ổ dịch lưu hành nên mang giày cao cổ, mang bít tất dày, quần thắt ống, bó ống tay áo, không phơi quần áo và không nằm nghỉ trên cỏ.

THẢO LY