05:02, 27/02/2012

Phản hồi của cơ quan chủ quản chưa thật chính xác

Ngày 6-2-2012, Báo Khánh Hòa có đăng bài viết “Sử dụng đất quân đội vào mục đích kinh doanh: Cần có sự quản lý chặt chẽ” của tác giả Lê Minh.

Ngày 6-2-2012, Báo Khánh Hòa có đăng bài viết “Sử dụng đất quân đội vào mục đích kinh doanh: Cần có sự quản lý chặt chẽ” của tác giả Lê Minh. Sau khi báo đăng, Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) có công văn phản hồi, cho rằng bài viết chưa chính xác. Để rộng đường dư luận và cũng là theo Luật Báo chí, Báo Khánh Hòa đã đăng tải nguyên văn ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, nội dung phản hồi của Trường SQKQ có những luận chứng chưa thật chính xác…

Các sân bóng mini đều nhằm mục đích kinh doanh.
Các sân bóng mini đều nhằm mục đích kinh doanh.

Cụ thể, Trường SQKQ khẳng định: “Các sân thể thao là nơi rèn luyện thể lực, huấn luyện các môn thể thao quốc phòng, thể thao hàng không cho học viên phi công và cán bộ chiến sĩ trong hoạt động quân sự thường xuyên, không phải chuyên cho hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, tại khu vực vành đai sân bay Nha Trang (SBNT) hiện có rất nhiều công trình phục vụ mục đích kinh doanh. Các sân bóng đá, nhà hàng, sân tennis… hiện vẫn tiếp tục được xây dựng. Chúng tôi quan sát thấy, riêng sân bóng đá mini nằm trong đất của sân bay hiện đã có 6 khu vực với 16 sân cỏ nhân tạo. Và tất cả các sân bóng này, tuy nằm trong phạm vi đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của SBNT nhưng đều bố trí biệt lập, có cổng chính ra vào ở những khu vực dân sự (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu…). Và hầu hết sân bóng này đều phục vụ cho mục đích kinh doanh. Quan sát nhiều ngày liên tiếp, chúng tôi nhận thấy, những người đến các sân bóng đá mini để tập luyện thể thao đều là dân thường, không phải quân nhân. Một số chủ sân bóng nói trên cũng cho biết, họ ký hợp đồng nhằm mục đích kinh doanh, cho các thanh, thiếu niên thuê để chơi thể thao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả sân bóng đá nói trên được các cá nhân thuê trọn gói theo tháng (thời gian sử dụng từ 16 giờ đến 20 giờ hàng ngày).

Khách du lịch tại nhà hàng Khải Hoàn Viên.
Khách du lịch tại nhà hàng Khải Hoàn Viên.

Phản hồi cũng cho rằng, tác giả bài báo không có tư liệu hoặc không nghiên cứu kỹ. Thực tế, năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra các công trình xây dựng nhằm mục đích kinh doanh trên đất của Trường SQKQ. Quá trình kiểm tra, đoàn đã gặp rất nhiều khó khăn vì cả quân đội lẫn phía thuê mặt bằng đều từ chối hợp tác, cung cấp thông tin. Sau đó, Sở Xây dựng đã báo cáo vấn đề trên với UBND tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh việc thu thập tư liệu thực tế, phóng viên Báo Khánh Hòa đã sử dụng các số liệu nêu trong báo cáo này để viết bài.

Bãi xe của Công ty vận tải Phương Trang là đất của sân bay Nha Trang.
Bãi xe của Công ty vận tải Phương Trang là đất của sân bay Nha Trang.

Cũng xin được nói rõ hơn, sau thời điểm trên, việc cho thuê tại khu vực này đã tạm dừng; nhưng gần đây lại phát triển nhiều hơn, quy mô cũng lớn hơn, đặc biệt ở khu vực dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai. Theo quy định, UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai đối với SBNT (được quy định là đất quốc phòng). Nhưng hiện nay, UBND tỉnh lại không thể quản lý tình trạng cho thuê, sử dụng đất quốc phòng đang diễn ra ở đây. Sau khi có phản hồi, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thực tế và được biết, hiện có một số nhà hàng diện tích lớn mới được xây dựng như: Khải Hoàn Viên, Nhật Thanh, Âu Lạc Thịnh, Majestic, Góc cây cảnh…, cùng các sân bóng đá, bãi giữ xe… Và khi xây dựng các nhà hàng, chủ đầu tư không hề báo cáo cơ quan chức năng. Khi Thanh tra Sở Xây dựng xuống kiểm tra, họ cũng không hợp tác, không đưa ra được giấy phép xây dựng. Mới đây nhất, Trung tâm Hội nghị, tiệc cưới Âu Lạc Thịnh cũng không đưa ra được giấy phép xây dựng khi Thanh tra Sở Xây dựng xuống kiểm tra. Làm việc với UBND phường Phước Hòa, chúng tôi được biết, những công trình gần đây được xây dựng trên đất thuê từ SBNT không có giấy phép của cơ quan chức năng.

“Tổ hợp” nhà hàng, quán cà phê, bida, sân bóng đá… vừa được xây dựng trong vành đai sân bay Nha Trang.
“Tổ hợp” nhà hàng, quán cà phê, bida, sân bóng đá… vừa được xây dựng trong vành đai sân bay Nha Trang.

Về nguyên tắc, đất quốc phòng chỉ được sử dụng vào mục đích quốc phòng, trường hợp chuyển sang mục đích khác thì phải xin chuyển mục đích sử dụng đất và gửi hồ sơ cho Sở Tài nguyên - Môi trường, có kèm ý kiến của Bộ Quốc phòng. Đất quốc phòng, nếu muốn kinh doanh, phải do các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng và phải chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được Bộ Quốc phòng duyệt. Tuy vậy, việc Bộ Quốc phòng có đồng ý với phương án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng mới là điều kiện “cần”, chưa phải điều kiện “đủ” để phía quân đội có thể cho thuê tự do. Điều kiện “đủ” là UBND tỉnh đồng ý và phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Vì thế, vấn đề tăng cường quản lý nhà nước mà bài báo đặt ra là hợp lý, đúng thực tế.

Những công trình mới tiếp tục được xây dựng trong vành đai sân bay để phục vụ cho dịch vụ kinh doanh.
Những công trình mới tiếp tục được xây dựng trong vành đai sân bay để phục vụ cho dịch vụ kinh doanh.

Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là hiện nay, trong vành đai của SBNT (đoạn đường Lê Hồng Phong, thuộc địa bàn phường Phước Long và Phước Hòa) có gần 200 nhà công vụ cấp cho các cán bộ trong quân đội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi sĩ quan, cán bộ phải đóng khoảng 50 triệu đồng cho nhà trường để được giao 1 căn hộ. Làm việc với UBND phường Phước Long, được biết, địa phương toàn toàn không có quyền gì trong quá trình xây dựng các căn nhà này do thuộc đất quân đội. Việc xây cất, sửa chữa nhà của các gia đình ở đây hết sức tùy tiện, không cần xin phép cơ quan chức năng. Thậm chí, hiện đã có hộ sang nhượng nhà cho người khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý xây dựng ở các địa phương. Trường SQKQ thì cho rằng việc cho thuê đất quốc phòng của mình là đúng vì đã được phép, nhưng thực tế sử dụng đất sai mục đích là bất cập rất dễ nhận thấy.

Phản hồi cho rằng các vườn cây cảnh là do nhân viên của Trường tận dụng trồng cây cảnh, ươm cây ăn trái để làm đẹp cảnh quan môi trường hiện đang bị phản ứng nhiều nhất; thậm chí, nhiều sĩ quan hiện đang công tác tại Trường SQKQ cũng phản đối, cho rằng điều đó không đúng.

Ngoài ra, khi Báo Khánh Hòa đăng phản hồi của Trường SQKQ, Tòa soạn cũng nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, thể hiện sự không đồng tình với phản hồi của Trường SQKQ cũng như cho rằng, bài báo đăng trên báo Khánh Hòa là đúng với thực tế. Ông N.V.C (nguyên là chuyên viên xây dựng của Sở Xây dựng) khẳng định, trước năm 1990, Trường SQKQ và UBND tỉnh đã thống nhất quy hoạch nhà trường cũng như phần đất được chuyển sang mục đích dân sự. Trong đó, không thể hiện phần đất vành đai sân bay được dùng vào mục đích kinh doanh rầm rộ như hiện nay. Có người từng công tác trong Trường SQKQ lại phản đối việc cho thuê đất kinh doanh tràn lan như hiện nay. Một số cán bộ lão thành nhận định, việc Trường SQKQ “gán” bài viết vào âm mưu “diễn biến hòa bình” và tạo cảm nghĩ cho bạn đọc về sự “vô chính phủ” trong công tác quản lý đất quốc phòng là nâng tầm quan điểm không đáng có nhằm biện minh cho việc quản lý chưa chặt chẽ đối với các diện tích đất trong vành đai sân bay.

Cuối cùng, xin nhấn mạnh, khi viết bài “Sử dụng đất quân đội vào mục đích kinh doanh: Cần có sự quản lý chặt chẽ”, tác giả hướng tới mục tiêu đề nghị tăng cường sự quản lý nhà nước đối với quỹ đất quốc phòng chưa sử dụng, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, phát triển thành phố khi SBNT được chuyển sang mục đích dân sự, nhằm xây dựng và phát triển lợi ích chung của xã hội.

BÁO KHÁNH HÒA