11:02, 05/02/2012

Sử dụng đất quân đội vào mục đích kinh doanh: Cần có sự quản lý chặt chẽ

Hiện nay, dọc theo vành đai Sân bay Nha Trang, các nhà hàng, sân chơi thể thao, quán cà phê… xuất hiện dày đặc. Ở trung tâm thành phố, các địa điểm đó đang là những vị trí “vàng”.

 

Hiện nay, dọc theo vành đai Sân bay Nha Trang, các nhà hàng, sân chơi thể thao, quán cà phê… xuất hiện dày đặc. Ở trung tâm thành phố, các địa điểm đó đang là những vị trí “vàng”. Toàn bộ những khu đất ấy đều do các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng cho thuê lại. Tuy nhiên, đằng sau đó là những vấn đề đáng suy ngẫm…

Ảnh minh họa

Sân bay Nha Trang nằm ở phía Nam thành phố có diện tích khá rộng. Với vị trí đắc địa của mình, những phần tiếp giáp với thành phố đều có vị trí rất thuận lợi cho kinh doanh, dịch vụ… đặc biệt, những phần đất đó rất rộng. Dọc theo đường Trần Phú, đoạn đối diện với công viên Thanh Niên với gần 410m mặt tiền đường là một vườn cây cảnh đồ sộ. Tổng diện tích của vườn cây này lên đến hơn 6.000m2. Vườn cây cảnh chiếm một diện tích lớn như thế trên con đường có giá trị đất cao nhất thành phố thì quả là quá thuận lợi.

Tại đường Hoàng Diệu, nơi đây tập trung một số sân thể thao như bóng đá mini và sân tennis có diện tích “khủng”. Chỉ riêng sân bóng đá đã chiếm diện tích lên đến gần 4.000m2. Ngoài ra, trên con đường này còn có một cây xăng đang xây dựng với diện tích lên đến 2.200m2 và một nhà rửa xe 150m2.

Tuy nhiên, số cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai là nhiều nhất. Có thể kể đến một số công trình như: Cà phê Thảo Ly (có diện tích trên 4.000m2 với chiều rộng mặt tiền lên đến 69m); sân quần vợt (có diện tích gần 3.000m2 với chiều rộng mặt tiền 72m); Cà phê Hoa Viên (diện tích gần 3.500m2 với chiều rộng mặt tiền 14,5m); Nhà hàng Ngọc Trai (diện tích hơn 4.000m2 với chiều rộng mặt tiền là 67,8m) và “khủng” nhất là Nhà hàng Vườn Xoài với diện tích lên đến 8.000m2. Ngoài ra, trên đường này còn có một vườn ươm rất rộng. Còn vườn ươm trên đường Lê Hồng Phong cũng có diện tích khoảng 7.000m2. Đối với phần đất thuộc Binh chủng Phòng không (đường Lê Hồng Phong) cũng có khá nhiều cơ sở kinh doanh thuê, chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh nội thất, cây xăng với diện tích rất lớn.

Ngoài phần diện tích đất được các đơn vị quân đội sử dụng vào việc cho thuê, kinh doanh, cũng có những phần đất được phân cho cán bộ sĩ quan để làm nhà ở.

Qua những con số trên có thể thấy diện tích đất mà các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ là rất lớn. Điều này đặt ra một vấn đề pháp lý khá phức tạp. Trong trường hợp đất quốc phòng, được giao cho các đơn vị quân đội sử dụng, về mặt quản lý nhà nước (QLNN), cơ quan hành chính không thể can thiệp sâu. Việc sử dụng đất thế nào là tùy thuộc đơn vị quân đội. Tuy nhiên, khi đơn vị quân đội sử dụng đất này để kinh doanh, thì lúc này đã phát sinh các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự… cơ quan QLNN không thể không can thiệp. Tuy pháp luật về đất đai quy định rõ về thẩm quyền QLNN của các cơ quan hành chính nhưng do đặc thù của đất quốc phòng, nên thực tế rất khó để cơ quan hành chính thực hiện thẩm quyền này đối với đất do các đơn vị quân đội đang sử dụng. Ví dụ như khi 2 bên (quân đội và cá nhân, tổ chức kinh doanh) tiến hành ký kết hợp đồng cho thuê mặt bằng, lúc này phát sinh mối quan hệ dân sự giữa 2 chủ thể. Hàng loạt vấn đề sẽ nảy sinh như hợp đồng đó có cần phải có sự chứng thực của các cơ quan QLNN hay không; khi bên thuê mặt bằng tiến hành xây dựng các công trình trên đất quốc phòng họ có cần xin phép của các cơ quan QLNN về xây dựng hay không; khi xảy ra tranh chấp, Tòa án có thẩm quyền giải quyết hay không; rồi các quy định về vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, quy hoạch đô thị…?

Trên thực tế, mối quan hệ này rất mập mờ và nó được tự điều chỉnh bởi các bên tham gia hợp đồng. Các cơ quan QLNN rất thiếu thông tin về những trường hợp sử dụng đất quốc phòng này. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra các công trình xây dựng nhằm mục đích kinh doanh trên đất của Trường Sĩ quan Không quân. Trong quá trình kiểm tra, đoàn gặp rất nhiều khó khăn vì cả quân đội lẫn phía thuê mặt bằng đều từ chối hợp tác, cung cấp thông tin. Chính vì thế, nếu gặp chỗ nào mà nhân viên dễ thì đoàn đo được diện tích, tính toán được các công trình, còn gặp chỗ khó như Cà phê Thảo Ly chẳng hạn, đoàn chỉ quan sát được bằng mắt thường. Trong quán có 3 hạng mục là Nhà hàng Nhật Thanh, Câu lạc bộ Bida và Phòng tập thể hình nhưng số liệu cụ thể như thế nào thì hoàn toàn mù tịt. Thậm chí ở sân tennis đường Hoàng Diệu, đoàn còn không được phép vào đo diện tích.

Một cơ quan có chức năng quản lý xây dựng mà phải “năn nỉ” để có được số liệu, chứng tỏ việc sử dụng đất quân đội để kinh doanh hiện đang có rất nhiều bất cập. Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy hoạch xây dựng Sân bay Nha Trang khi phần đất này được trả lại mục đích dân sự. Tuy nhiên, điều mà người dân đang lo lắng là trong thời gian đến, nếu tình hình này tiếp tục diễn ra, không có sự điều chỉnh, quản lý của Nhà nước thì đến khi bàn giao, bao nhiêu đất quân đội sẽ bị “phù phép”, bao nhiêu đất trở thành đất ở? Và quan trọng là tình hình đó liệu có phá nát quy hoạch phát triển của thành phố trong tương lai?

LÊ MINH