03:02, 21/02/2012

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em: Không nên xem thường!

Sau Tết, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện vì bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy…

Sau Tết, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện vì bị rối loạn tiêu hóa (RLTH) với các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy… Trẻ bị RLTH, nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, có thể dẫn đến tử vong vì bị rối loạn nước - điện giải, nhất là với những trẻ bị tiêu chảy. Ngay cả khi đã khỏi bệnh, trẻ vẫn biếng ăn, ăn không hấp thu, dễ bị RLTH trở lại do hệ tiêu hóa đã bị tổn thương và hệ vi khuẩn đường ruột đã bị mất cân bằng. Vòng xoáy bệnh lý này khiến trẻ suy dinh dưỡng (SDD), chậm phát triển, dẫn tới nhiều bệnh khác.

Anh Nguyễn Quang Huy, cha của cháu Nguyễn Quang Thắng cho biết, con anh nhập viện được khoảng 2 ngày vì bị RLTH. 3 ngày trước đó, cứ ăn vào là cháu bị ói. Gia đình cho cháu điều trị tại bác sĩ (BS) tư nhưng thấy không bớt nên cho cháu nhập viện. Cháu Trần Hoàng Kim, 33 tháng tuổi, cũng bị RLTH, nhập viện trong tình trạng nôn ói và đi cầu phân lỏng, đã được điều trị khỏi. Mẹ cháu kể, sau Tết khoảng nửa tháng, cháu có hiện tượng nôn ói, đi cầu lỏng, đi khám và uống thuốc BS tư 2 ngày nhưng không đỡ nên gia đình cho cháu nhập viện. Cháu Nguyễn Ngọc Bảo Hân (6 tháng tuổi), cháu Nguyễn Thủy Trúc (22 tháng tuổi) đều nhập viện trong tình trạng tương tự với hiện tượng nôn ói, tiêu chảy liên tục…

Thời gian gần đây, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Thời gian gần đây, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa. 

BS Biện Thị Nga - Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, sau Tết, trẻ nhập viện vì bị RLTH khá đông, bình quân mỗi ngày, Khoa Nhi tiếp nhận từ 10 - 15 trẻ nhập viện vì căn bệnh này. Nguyên nhân có thể do những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, đi lại trong những ngày Tết khiến trẻ dễ mắc một số bệnh lý, đặc biệt là RLTH. Ngoài ra, những loại bánh, mứt, nước ngọt có độ ngọt cao cũng là môi trường thuận lợi cho những loại vi khuẩn như E.coli, Shigella… phát triển và gây bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), RLTH là nguyên nhân chính (chiếm đến 30%) gây nên tình trạng SDD ở trẻ em trên toàn thế giới. BS Biện Thị Nga cho biết, trong cơ thể con người có hàng nghìn loại vi khuẩn cùng khu trú, có những loại có lợi và những loại có hại. Do một vài nguyên nhân như chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều chất đạm, đường, chất béo, ít chất xơ, vitamin hay dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài mà các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, các vi khuẩn có hại dễ dàng phát triển mạnh, gây ra các triệu chứng RLTH như tiêu chảy, táo bón, nôn ói.

Nôn ói là một loại RLTH thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh hay nhũ nhi thường hay bị trào ngược dạ dày, thực quản do “dạ dày nằm ngang”. Nếu trẻ nôn ít (vài ba ngày mới trớ 1 lần hay 1 ngày trớ 1 - 2 lần), vẫn bú khỏe, lên cân tốt thì không sao và hiện tượng trào ngược này sẽ giảm dần khi trẻ lớn. Các biện pháp giúp trẻ bớt nôn là cho nằm tư thế đầu cao (30 - 450), chia bữa ăn ra làm nhiều lần, mỗi lần một ít, làm đặc sữa bằng các loại bột hay sữa đặc biệt chống nôn trớ. Nếu trẻ nôn ói quá nhiều, không tăng cân hay có các triệu chứng của viêm phổi hít (như khò khè, ho kéo dài, viêm phổi tái đi tái lại) thì cần can thiệp bằng thuốc.

Một loại RLTH thường gặp khác là tiêu chảy - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ (do rối loạn nước - điện giải). Lứa tuổi thường bị tiêu chảy là 6 - 24 tháng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hệ vi sinh bị mất cân bằng trong đường ruột, các men vi sinh và men tiêu hóa có ích bị thiếu hụt hoặc không hoạt động bình thường, chủ yếu do cách chế biến thực phẩm và vệ sinh ăn uống không tốt. Mặt khác, ở lứa tuổi này, bé cũng hay tò mò khám phá sự vật bằng tay, bằng miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập. Tiêu chảy dẫn đến SDD do tình trạng chán ăn, bỏ ăn khi trẻ bệnh, do mất các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa. Trẻ SDD dễ bị nhiễm trùng đường ruột vì sức đề kháng kém.

Trẻ bị táo bón kéo dài cũng là triệu chứng của RLTH, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, vì ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của bé còn rất yếu và chưa hoàn chỉnh. Táo bón ở trẻ có 2 dạng: Nếu trẻ thỉnh thoảng mới bị táo bón và chỉ vài ngày là khỏi thì đó chỉ là táo bón sinh lý, xuất hiện do dùng sữa hay thức ăn nhiễm khuẩn. Nếu trẻ có triệu chứng táo bón kéo dài 3 tháng trở lên, mỗi lần đi ngoài, trẻ rất đau đớn thì đó là dấu hiệu của bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh, cần phải được điều trị. Các BS cảnh báo, mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh, trẻ có thể bị sa trực tràng khi cố rặn để đi ngoài, hoặc bị rách hậu môn, viêm nhiễm từ vết rách. Thêm vào đó, trẻ dễ có tâm lý sợ ăn uống vì sợ phải đi vệ sinh và đây là một trong những nguyên nhân gây SDD…

Theo BS Biện Thị Nga, để phòng tránh cho trẻ không bị RLTH, cần giữ vệ sinh thường xuyên cho trẻ, rửa tay cho bé bằng xà phòng diệt khuẩn hàng ngày. Hạn chế thói quen ngậm tay hay đưa các loại đồ chơi vào miệng ở trẻ (vì đây là con đường rất dễ dẫn các loại vi khuẩn vào cơ thể trẻ). Vệ sinh tất cả đồ chơi của bé, tốt nhất là 2 tuần/lần. Với những món đồ bằng nhựa, nên rửa sạch bằng nước và xà phòng rồi phơi khô. Những món bằng gỗ hoặc giấy thì nên lau bụi sạch sẽ trước khi cho trẻ cầm, nắm. Người hay tiếp xúc với trẻ cũng chú ý giữ vệ sinh tay, chân: rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ sau khi nấu ăn, lau nhà, dọn phân bé… rồi mới tiếp xúc với trẻ. Về chế độ dinh dưỡng, dùng thực phẩm tươi sống để chế biến, tránh dùng lại thức ăn để qua đêm. Hạn chế chất đạm, béo. Đối với những bé đang bị tiêu chảy, không kiêng cữ những món như thịt, cua, tôm cá… mà vẫn giữ chế độ ăn bình thường, vì khi kiêng cữ, cơ thể bé sẽ càng suy nhược vì thiếu chất.

Khi phát hiện bé có những triệu chứng RLTH như tiêu chảy, táo bón kéo dài, phải đưa bé vào bệnh viện ngay, tránh tự ý dùng kháng sinh tại nhà, vì kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi, khiến bệnh của bé càng nặng thêm.

THI CA