01:02, 13/02/2012

Quan ngại từ cánh đồng Tân Phú

Cánh đồng Tân Phú (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) với diện tích mấy chục héc-ta vốn là nơi trồng lúa 2 vụ của nhiều thôn trong xã từ bao đời nay. Song, những năm gần đây, cánh đồng Tân Phú ngày càng chai sạn do đất bị bồi lắng quá nhiều…

Cánh đồng Tân Phú (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) với diện tích mấy chục héc-ta vốn là nơi trồng lúa 2 vụ của nhiều thôn trong xã từ bao đời nay. Song, những năm gần đây, cánh đồng Tân Phú ngày càng chai sạn do đất bị bồi lắng quá nhiều…

. Nguy cơ thành “cánh đồng chết”

Nhiều thửa ruộng trong cánh đồng này đang bị bỏ hoang.
Nhiều thửa ruộng trong cánh đồng này đang bị bỏ hoang.

Dẫn chúng tôi ra các thửa ruộng toàn cỏ, xung quanh bị nước bùn bủa vây, chị Phạm Thị Hoa (thôn Tân Phú) bức xúc: “Cả gia đình tôi sống nhờ vào 3 sào ruộng ở đây. Tháng 9-2011, khi có mưa lớn, nước bùn của nhà máy rửa cát làm vỡ mương, nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Mỗi năm, 3 sào lúa của tôi cho khoảng trên 2 tấn thóc, nay bị nước bùn tràn vào, chỉ vớt vát được vài bao nuôi gà. Nước bùn của nhà máy rửa cát thường xuyên xâm lấn vào đất lúa 2 vụ của bà con nhiều năm rồi, nhưng 3 năm trở lại đây, mức độ ngày càng nhiều. Thửa ruộng của gia đình trước đây lúc nào lội cũng ngập đến đầu gối, song bị nước bùn bồi lấp, nay không thể canh tác được. Từ trước đến giờ, tôi chỉ quen làm ruộng, giờ ruộng không làm được, đành phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày”.

Bức xúc không kém, cụ bà Nguyễn Thị Ty (87 tuổi) thêm vào: “Nhiều năm nay, nước thải của nhà máy rửa cát làm cho đất chai cằn, hỏng hết ruộng lúa. Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương, song họ chẳng giải quyết. Do bùn bồi lên hàng nửa mét, năm trước, gia đình thuê máy ủi hết 7 triệu đồng để ủi lớp bùn bồi, nhưng rồi nước vẫn thải ra liên tục nên phải bỏ ruộng hoang. Nếu nhà máy rửa cát không vét mương và xử lý nước thải thì không ai ở đây có thể trồng lúa được. Đất ruộng bị quết lại, cày bằng máy cũng rất khó khăn”.

Bà Hoa bên phần ruộng bị nước bùn tràn vào.
Bà Hoa bên phần ruộng bị nước bùn tràn vào.

Nhìn những thửa ruộng đầy cỏ dại, chúng tôi cũng cảm thấy lo ngại cho tình trạng ô nhiễm đất nơi đây. Trước mặt chúng tôi, cả diện tích rộng lớn đang bị nước bùn đục ngầu phủ khắp. Với thứ nước này, không cây lúa nào có thể phát triển được. Việc nhà máy rửa cát ở thôn Tân Sinh thải nước thải chưa xử lý ra môi trường đã khiến cả cánh đồng lúa Tân Phú bị ảnh hưởng nặng nề. Nơi nhà máy rửa cát thải nước là con mương chính dẫn nước cho mấy chục héc-ta đất lúa 2 vụ. Vì vậy, mỗi lần lấy nước vào ruộng, một lượng lớn nước bùn lại xâm thực và làm hư hại đất. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, một ngày không xa, cánh đồng lúa Tân Phú sẽ trở thành “cánh đồng chết”.

. Đã từng vi phạm

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhà máy rửa cát nói trên đóng tại xã Cam Thành Bắc, là nhà máy thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác và chế biến xuất khẩu khoáng sản Khánh Hòa (Minexco). Nhà máy này có công suất 7 ngàn tấn cát thành phẩm/tháng, với lượng nước thải lúc cao điểm lên tới 800m3/ngày. Dù vậy, nhà máy chỉ mới cho nước thải vào bể lắng, sau đó dẫn theo đường ống xi măng thải trực tiếp vào mương nước nằm trong khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Năm 2008, nhà máy này bị người dân khiếu nại về việc làm ô nhiễm hơn 100ha đất nông nghiệp của xã Cam Thành Bắc. Sau đó, Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra và yêu cầu đơn vị chủ quản phải xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường. Đến cuối năm 2008, trong cuộc họp về kiểm tra và xử lý ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa một lần nữa nhắc nhở nhà máy này phải chú ý đến khâu xử lý nước thải.

Nước thải từ ao chứa của nhà máy rửa cát đục ngầu bùn đất.
Nước thải từ ao chứa của nhà máy rửa cát đục ngầu bùn đất.

Tuy đã bị nhắc nhở, song tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Mới đây, hơn 30 hộ dân các thôn Suối Cam, Tân Quý, Tân Sinh, Tân Phú (đều ở xã Cam Thành Bắc) đã làm đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Ông Nguyễn Văn Đạo - Trưởng thôn Tân Phú cho biết: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị với nhà máy và cả chính quyền địa phương về tình trạng thải nước bùn gây hư hại đất nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết. Nước bùn của nhà máy làm cho đất réo lại, còn lứa mới gieo sạ thì bị bó chân không phát triển được. Có lần trực tiếp vào nhà máy, tôi thấy nước bùn rửa cát được họ xả thẳng ra mương không qua xử lý”. Ông Hồ Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cũng thừa nhận: “Vừa rồi, đúng là có tình trạng nước bùn tràn vào ruộng của các hộ dân. Tuy nhiên, đó là vì có mưa lớn mà hồ chứa nước bùn của nhà máy lại là khu vực trũng nên nước bùn theo nước mưa tràn ra ngoài, gây hư hại lúa của người dân. Việc này đã được nhà máy khắc phục và UBND huyện cũng đã giải quyết. Ở đây giờ cũng chẳng còn cát, cùng lắm chỉ rửa được nửa năm là đóng cửa thôi” (!?) 

Quay trở lại nhà máy rửa cát, cảnh tượng hiện lên trước mắt chúng tôi là những ao chứa nước thải đầy ắp bùn đất. Tiếp xúc với chúng tôi, một số công nhân làm việc tại nhà máy cho rằng, việc thải nước đục ra môi trường không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để minh chứng, một công nhân chỉ tay về phía ao chứa nước thải, nói: “Các anh thấy đấy, tuy nước đầy bùn nhưng rau muống ở đây vẫn tốt um tùm, có sao đâu. Việc người dân khiếu nại là không đúng”. Bản thân người điều hành sản xuất của nhà máy (không cho chúng tôi biết tên) cũng khăng khăng khẳng định: “Nước đục của nhà máy thải ra môi trường hoàn toàn đã được lắng hết bùn. Thành phần nước đục đó chỉ còn lại phù sa, không hư hại cho đất và lúa. Lượng nước thải, trước khi đưa ra môi trường, chúng tôi đã cho qua 4 bể lắng nên đảm bảo không có vấn đề gì. Vừa qua, tuy nước bùn có tràn vào ruộng của dân, song đó là do nước mưa quá lớn nên cát xung quanh khu vực này tràn xuống chứ không riêng gì nước bùn của nhà máy rửa cát”.

Hồ lắng nước bùn được xây dựng sơ sài.
Hồ lắng nước bùn được xây dựng sơ sài.

Theo quan sát của chúng tôi, 4 ao để lắng bùn được thiết kế khá tạm bợ. Hơn thế, các ao chứa nước bùn đều nằm cạnh mương dẫn nước phục vụ sản xuất. Với bờ ao mong manh như thế, chỉ cần một chút sự cố là cả lượng bùn lớn sẽ tràn thẳng xuống mương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cánh đồng lúa Tân Phú. Trong 4 ao chứa bùn, 2 ao bùn đã lắng đầy, chỉ có thể chứa được lượng nước có chiều sâu 0,5m. Trực tiếp chứng kiến nhà máy rửa cát thải nước thải ra ngoài, chúng tôi mới hiểu, tại sao người dân lại phản ứng quyết liệt đến thế. Ở ngay cửa mương dẫn nước thải - loại nước mà người ta khẳng định đã lọc hết bùn, nước vẫn ngầu lên bởi đất cát. Múc lên một ca nhỏ nước thải để trong vòng 10 phút, bằng mắt thường, chúng tôi cũng nhận thấy có một lớp bùn dày lắng ở đáy ca. So với những gì chúng tôi được nghe, mọi chuyện có vẻ không giống như thế. Lượng nước thải sau khi rửa cát chỉ được lắng sơ (chứ không được xử lý theo đúng quy trình) rồi xả thẳng vào mương nước của cánh đồng Tân Phú. Dù thời gian này, do thiếu nước, nhà máy rửa cát chỉ hoạt động cầm chừng, song lượng nước thải đục ngầu vẫn đang tiếp tục thải ra môi trường. 

L.Đ

 
Ông Nguyễn Hữu Hảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: “Khi người dân phản ánh việc nhà máy rửa cát thải nước gây ô nhiễm môi trường đất, Sở Tài nguyên - Môi trường và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cam Lâm đã kiểm tra. Qua đó nhận thấy việc người dân phản ánh là đúng. Tại thời điểm đoàn kiểm tra, lượng nước thải của nhà máy rửa cát không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do lúc này nhà máy đang trong quá trình nạo vét lòng hồ chứa bùn và ảnh hưởng của trời mưa nên lượng bùn thải ra ngoài môi trường vượt mức cho phép. Mới đây, chúng tôi tiếp tục kiểm tra và nhắc nhở nhà máy rửa cát phải tuân thủ các quy định về xả thải. Đồng thời, chúng tôi mong muốn người dân, khi phát hiện tình trạng nhà máy rửa cát thải nước bùn gây ô nhiễm thì sớm báo cho cơ quan chức năng để xử lý”.
 
 
Ông Ngô Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Công ty Minexco: “Ngay khi người dân có đơn, nhà máy tuyển rửa cát đã ngừng hoạt động để xử lý. Đến thời điểm hiện nay, Công ty đã xử lý vấn đề mà người dân nêu và hoạt động rất cầm chừng. Nước thải này từ trước đến nay làm lúa rất tốt, không ai có ý kiến gì. Về việc nước thải gây ô nhiễm như người dân phản ánh, có rất nhiều nguyên nhân. Quanh khu vực nhà máy của chúng tôi có rất nhiều hộ dân chăn nuôi thải nước thẳng ra môi trường, cùng với đó là nhiều địa điểm khai thác và rửa cát trái phép cũng xả nước ra môi trường, gây ô nhiễm. Công ty Minexco khẳng định, sẽ xử lý nước thải khép kín, không đưa ra môi trường, nếu có đưa cũng là nước thải đảm bảo để không ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, mọi vấn đề mà người dân phản ánh đã được chúng tôi giải quyết. Bản thân đoạn mương bị vỡ do mưa lụt ở gần khu vực nhà máy rửa cát của Công ty, chúng tôi cũng đã hỗ trợ gần 100 triệu đồng để xây dựng lại, nhằm tránh nước đục tràn vào ruộng của hộ dân”.