Sau khi nghỉ hưu (năm 1990) tôi vào TP. Hồ Chí Minh thăm lại một số bạn và một số cơ sở cũ thời tôi làm liên lạc miền Nam, đồng thời tìm đọc một số sách báo trong phong trào báo chí thống nhất ở Sài Gòn thời tạm chiến...
Biển Nha Trang (Ảnh minh họa) |
Sau khi nghỉ hưu (năm 1990) tôi vào TP. Hồ Chí Minh thăm lại một số bạn và một số cơ sở cũ thời tôi làm liên lạc miền Nam, đồng thời tìm đọc một số sách báo trong phong trào báo chí thống nhất ở Sài Gòn thời tạm chiến. Tôi đã tìm lại các bài báo tường thuật rất chi tiết và cụ thể một vụ án của thực dân Pháp đăng trên báo Tiếng Dội và báo L’impartial.
Ngô Đức Trì bị mật thám Catinat tức cảnh sát đặc biệt miền Đông P.S.E (Police spe’cial Est) bắt, sau đó Ngô Đức Trì phản bội, chỉ điểm bắt ông Trần Phú - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và hơn 150 người, trong đó có một số cán bộ xứ ủy, tỉnh ủy.
Bazin - chánh mật thám khét tiếng nguy hiểm và nhiều kinh nghiệm, làm Giám đốc Sở mật thám Catinat, đã cùng bè lũ mật thám điều tra ông Trần Phú bằng cách vừa dụ dỗ vừa tra tấn, nhưng ông kiên quyết không khai. Ông nói với chúng: “Tôi tổ chức đảng để đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc chứ không phải để khai”. Chúng tra tấn ông đến chết trong khi hỏi cung. Vì vậy, bản cáo trạng của ông, ngoài tên tuổi, còn lại là giấy trắng, không có một lời khai của bị cáo.
Sau khi hoàn thành hồ sơ vụ án, Giám đốc Sở mật thám Catinat chuyển toàn bộ 250 trang hồ sơ qua Tòa Đại hình Pháp ở Sài Gòn với 150 bị cáo. Tòa ra lệnh tống giam các bị cáo vào khám lớn Sài Gòn để chờ ngày ra tòa. Bọn cầm quyền Pháp cho một số báo tay chân rêu rao là bộ phận lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã bị bắt gần hết, tổn thất quá lớn, khó lòng phục hồi được.
Ngày 2-5-1933, Tòa Đại hình mở phiên tòa xét xử 133 bị cáo và 17 bị cáo được tại ngoại với 60 nhân chứng. 3 viên lục sự thay phiên nhau đọc bản hồ sơ bằng tiếng Pháp rồi thông ngôn dịch ra tiếng Việt mất hơn 1 giờ rưỡi. Đây là một phiên tòa lịch sử đặc biệt từ trước đến nay vang dội trong và ngoài nước. Một số bị cáo hoạt động ở Pháp, Đức, Liên Xô, Trung Quốc và Thái Lan. Điểm nổi bật ở phiên tòa đại hình này là các bị cáo còn trẻ, từ 20 - 30 tuổi, hầu hết có trình độ văn hóa, một số trình độ học vấn cao, có thể nói thông thạo 2 - 3 ngoại ngữ. Ông Trần Phú - Tổng Bí thư Đảng, đã anh dũng hy sinh trong khi bị tra tấn năm ông 27 tuổi nên không có mặt ở phiên tòa. Phiên tòa với các bị cáo và nhân chứng đứng đầy chật. Gia đình bị cáo và người đi dự đứng hai bên, bên trong bên ngoài người dự cũng rất đông để theo dõi phiên tòa. Để giữ trật tự phiên tòa, Pháp cho cảnh binh, lính kín đứng bao vây vòng trong vòng ngoài.
Đến giờ mở phiên tòa. Người mang thẻ số 1 là ông Trần Phú - Tổng Bí thư Đảng đã bị sát hại. Tòa gọi bị cáo mang thẻ số 2 là ông Ngô Gia Tự, 25 tuổi, xác minh căn cước để tránh nhầm tên. Tòa buộc tội ông là lãnh đạo cao cấp của Đảng. Ông ở nước ngoài về tham gia thành lập Đảng. Đứng trước tòa, ông tự biện hộ bằng tiếng Pháp, sau đó dịch ra tiếng Việt. Ông đưa ra nhiều chứng cứ cụ thể chứng minh thực dân Pháp đã gây ra biết bao tội ác cho nhân dân Việt Nam. Ông đã chuyển từ bị cáo trở thành người tố cáo chế độ tàn ác vô nhân đạo của thực dân Pháp. Chánh án phải ra lệnh cảnh binh ngăn không cho ông phát biểu.
Tòa lại gọi ông Nguyễn Chí Diễu, người mang thẻ số 3, 25 tuổi, quê ở Huế. Trước tòa, ông tự biện hộ bằng tiếng Pháp lưu loát với tài hùng biện như một chính khách đang diễn thuyết trước tòa. Ông đưa ra lý lẽ chứng minh mình vô tội, vì là người dân mất nước, ông đấu tranh giành lại nước. Nếu những người Pháp có mặt ở đây bị mất nước Pháp thì cũng làm như ông, là đấu tranh đánh đuổi kẻ thù. Sở dĩ Đảng Cộng sản được đa số nhân dân tham gia và ủng hộ vì Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc và đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào nghèo. Với giọng Huế ngọt ngào, ông phát biểu lưu loát, lối nói văn hoa, đầy tính thuyết phục, thấm đậm lòng người nên tuy quan tòa không thích nhưng vẫn lắng nghe.
Tòa gọi ông Hà Huy Giáp, người mang thẻ số 4, 24 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Ông là xứ ủy kiêm phụ trách báo Cờ Đỏ và báo Người Nhà Quê. Ông được tổ chức phân công phát biểu trước tòa bằng tiếng Việt rõ ràng mạch lạc. Ông tuyên truyền về đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản là lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc và đem lại đời sống no ấm cho nhân dân. Tuy ông nói tiếng Pháp rất rành và lưu loát nhưng được tổ chức phân công trước khi ra tòa, đến lượt ông là tự biện hộ và phát biểu bằng tiếng Việt, sau đó để thông ngôn tòa dịch ra tiếng Pháp. Có đôi chỗ, viên thông ngôn không dịch đúng lời phát biểu của ông. Với thái độ lịch sự, ông đề nghị được nói bằng tiếng Pháp đoạn mà viên thông ngôn không dịch đúng để toát lên nội dung và ý nghĩa lời phát biểu của ông.
Ngày thứ hai (3-5-1933), tòa gọi ông Ung Văn Khiêm, số tù 33, quê ở Long Xuyên. Tòa kết tội ông đã học trường Hoàng Phố - Trung Quốc và rất thân với ông Ngô Gia Tự. Về nước, ông Khiêm tham gia Xứ ủy Nam Kỳ. Trước tòa, ông cực lực phản đối: đi học để mở mang dân trí không phải là một tội.
Bị cáo số 36 là một thầy đồ - ông Cao Luyện, quê ở Quảng Trị. Ông bị tòa án Nam Triều kết án 20 năm khổ sai vắng mặt.
Bị cáo số 37 là cô Nguyễn Thị Sáu, tự là Sáu Nhỏ, mới 21 tuổi, làm việc ở báo Cờ Đỏ và báo Người Vô Sản.
Ngô Đức Trì mang số 38 - tên phản bội làm chỉ điểm cho địch bắt ông Trần Phú - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng. Đúng ra thì hắn không phải ra tòa nhưng Sở mật thám Catinat vẫn đưa Trì ra tòa như một bị cáo để hắn xác định lại trước tòa ai là xứ ủy, ai là tỉnh ủy, ai là cán bộ cấp mà hắn đã từng khai báo với Pháp. Trì mặc đồ Tây tươm tất. Tòa cho ngồi chỗ riêng, sợ ngồi gần anh em sẽ bị đánh chết. Khi hắn khai xong về chỗ ngồi thì luật sư Pháp Desgrand đến, vẻ khinh bỉ, chỉ vào mặt hắn, mắng là đồ phản bội, đồ bẩn thỉu, làm cho viên chưởng lý Walram sợ rắc rối, liền mời luật sư trở về chỗ để giữ trật tự. Riêng chưởng lý Walram nói nhờ có Ngô Đức Trì mà nhà đương cục Pháp mới bắt được nhiều cán bộ cao cấp cộng sản như vậy.
Bị cáo Nguyễn Thị Lựu, số tù 42, quê Sài Gòn, người cán bộ phụ nữ vận động nhiều cuộc biểu tình chống Pháp ở Sài Gòn và viết bài cho báo Cờ Đỏ.
Bị cáo Nguyễn Thị Nhỏ mang số tù 43, tức là Sáu Điếc, 23 tuổi, quê ở Vĩnh Long; chị hơi lãng tai, dạy học ở Bến Tre, nay tham gia công tác Đảng ở Chợ Lớn. Chồng chị bị đày ra Côn Đảo, nên bao căm hờn dồn nén, khi ra trước tòa, chị to tiếng tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Việt Nam, làm cho con mất cha, vợ mất chồng, gia đình tan nát vì cảnh bắt bớ tù đày. Tòa án ra lệnh bịt miệng chị nhưng chị vẫn cố gắng to tiếng tố cáo thực dân Pháp trước tòa. Những người dự thính phiên tòa và các phóng viên báo chí hoan nghênh, kính phục thái độ đấu tranh của chị.
Vợ chồng bị cáo Ngô Văn Chinh và Nguyễn Thị Nam, quê ở Cao Lãnh (nay là Đồng Tháp) Anh Chinh là giáo viên, hai vợ chồng bị kết tội là tuyên truyền cho Đảng Cộng sản.
Ba ông xứ ủy là Bùi Công Trừng, mang số tù 87, Bùi Văn Lâm, mang số tù 89 đã sang Pháp, sang Nga học và ông Hạnh, tức Nhuận, mang số tù 112.
Hai bị cáo Huỳnh Văn Đạm và Phan Văn Hùng đã lãnh án tử hình được miễn nghị.
Ngày thứ ba (4-3-1933), sau phần thẩm vấn các bị cáo, có 12 trạng sư tham gia biện hộ, trong đó có 2 trạng sư Việt Nam là Dương Văn Giáo và Trịnh Đình Thảo bênh vực cho một số bị cáo.
Báo Tiếng Dội đã tóm tắt nội dung những ý kiến của luật sư Trịnh Đình Thảo biện hộ trước tòa như sau:
Dân chúng Việt Nam căm phẫn đã lâu rồi và sở dĩ họ biểu tình phản đối là do sự căm phẫn của đông người họp lại và không vì lý do gì mà nhà cầm quyền kết tội họ và đày ra Côn Đảo. Vả lại, đày họ đi ra ngoài đảo, chưa chắc nhà cầm quyền tránh được các cuộc biểu tình khác.
Đến ngày thứ ba, phiên tòa chưa kết thúc được, phải kéo dài đến 3 giờ khuya, trắng đêm.
Tổng Bí thư Trần Phú đã bị sát hại khi tra tấn hỏi cung, một loạt cán bộ lãnh đạo, xứ ủy, tỉnh ủy bị bắt. Thực dân Pháp hí hửng tưởng đã đánh gãy “xương sống” của Đảng Cộng sản; phiên tòa có một không hai này sẽ làm Đảng bị thiệt nặng, chậm phục hồi vì mất một số cán bộ.
3 giờ 25 phút ngày 5-3-1933, tòa án vào nghị án và sau đó tuyên án: 51 án lưu đày từ 5 năm đến 20 năm; 22 án khổ sai; 10 án lưu đày có thời hạn; 8 án chung thân khổ sai; 8 án xử tử.
Bản án vừa đọc xong, 8 tử tù đồng thanh hô lớn “Đả đảo đế quốc Pháp!”, “Đả đảo đế quốc Pháp!”, tiếp theo, tất cả các bị cáo, cả thân nhân, gia đình, một số người dự phiên tòa hô theo. Bọn cảnh sát và mấy thứ sắc lính khác dùng báng súng, dùi cui đánh những người tù đã bị còng tay. Phòng xử án đã chật người càng hỗn độn.
Báo Tiếng Dội cho biết trạng sư Béliat đã xung đột với một tên sĩ quan Pháp. Tên này đã đánh các bị cáo là thân chủ của ông và trạng sư Trịnh Đình Thảo cũng xông vào đánh nhau với tên trưởng tòa Cavil-lon vì hắn đã nhảy vào đấm, đạp các bị cáo đang bị còng tay. Chưa có một phiên tòa nào, luật sư không chỉ bảo vệ các bị cáo là thân chủ của mình bằng lý lẽ mà còn bằng cả sức lực nữa!
Khám lớn ở cạnh tòa án. Khám lớn cũng thức trắng đêm chờ đón những chiến sĩ đã không còn là bị cáo mà trở thành những quan tòa lên án bọn thực dân cướp nước.
Đọc lại những tư liệu trong vụ án trên, càng thêm kính trọng những tấm gương hy sinh cao cả của những chiến sĩ cộng sản năm xưa…
Người sưu tầm
Bác sĩ KIỀU XUÂN CƯ