12:02, 21/02/2012

Ngư đội Trường Sa bám biển

Vừa qua, tại Cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ xuất quân cho Tổ hợp tác Ngư đội Trường Sa - Hải Vương 68 đi khai thác, .....

Vừa qua, tại Cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức lễ xuất quân cho Tổ hợp tác Ngư đội Trường Sa - Hải Vương 68 đi khai thác, thu mua hải sản trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và DK1. Đây là mô hình thí điểm liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp, hoạt động khép kín từ khâu khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ trực tiếp.

Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 500 tàu cá công suất 90CV trở lên đăng ký vào các tổ, nhóm đoàn kết tổ chức sản xuất trên biển. Trong đó, các địa phương đã thành lập được 104 tổ, mỗi tổ từ 3 tàu cá trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ (thuộc ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và DK1). Tổ đội sản xuất được thành lập trên cơ sở nhóm nghề cùng ngư trường, nhóm cùng nghề có quan hệ ruột thịt hoặc cùng địa bàn dân cư. Trong quá trình hoạt động, họ hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, nhân lực, cứu nạn khi gặp rủi ro, cung cấp cho nhau thông tin về ngư trường, nguồn lợi, hỗ trợ nhau xua đuổi tàu, thuyền lạ xâm phạm vùng biển hoặc khi bị cướp biển tấn công. Nhờ thế, phát huy được sức mạnh tập thể, hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên biển. Ngoài ra, lợi ích kinh tế cũng tăng lên, nhờ có sự trao đổi về hậu cần, vận chuyển sản phẩm vào bờ và ngược lại, làm cho thời gian bám biển tăng, giảm chi phí dầu, nước đá. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, các mô hình chỉ mang tính chất hỗ trợ, giải quyết được đầu vào, chưa tính đến đầu ra cũng như chất lượng sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Thành lập tổ đội sản xuất trên biển sẽ giúp ngư dân khai thác hiệu quả hơn.
Thành lập tổ đội sản xuất trên biển sẽ giúp ngư dân khai thác hiệu quả hơn.

Sau khi tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình, năm 2012, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Vương 68 thành lập Tổ hợp tác Ngư đội Trường Sa - Hải Vương 68 chuyên khai thác, thu mua hải sản trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và DK1. Tổ hợp tác Ngư đội Trường Sa với 30 tàu cá tham gia, chia làm 6 tổ, mỗi tổ 5 tàu; trong đó, “tàu mẹ” Hải Vương 68 có công suất 1.200CV, chiều dài trên 55m, chiều rộng 8,6m, độ cao mớn nước 4m, trọng tải hơn 437 tấn, công suất cấp đông đạt 300 tấn hải sản, phương pháp bảo quản cấp đông đạt -600C. Theo mô hình lai dắt “tàu mẹ - tàu con”, mỗi ngư đội bầu ra 1 nhóm trưởng đại diện giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ trước pháp luật. Do địa bàn hoạt động gắn liền với vùng biển Trường Sa, vì vậy, các ngư đội lấy tên gọi là chính những địa danh trong quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc như: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Nam và “tàu mẹ” là Hải Vương 68. Mỗi ngư đội gồm 5 đến 7 thành viên là hội viên Hiệp hội Câu cá ngừ đại dương. Đây là mô hình tự nguyện, hợp tác liên kết làm ăn giữa ngư dân với ngư dân và doanh nghiệp chuyên thu mua hải sản. Bản chất của ngư đội chính là các tổ hợp tác đoàn kết, hai bên (ngư đội và doanh nghiệp) hoàn toàn tự chủ về tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình. Quy trình tổ chức khai thác, thu mua trên biển được tổ chức theo hướng khép kín, “tàu con” chuyên khai thác và chuyển cá đến “tàu mẹ”; “tàu mẹ” đảm nhiệm thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm… cho các “tàu con” có điều kiện tiếp tục bám biển dài ngày. Ông Lê Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Vương cho biết: “Mô hình hợp tác khai thác, thu mua hải sản trên biển được Công ty thực hiện ở một số tỉnh phía Bắc và đã thành công. Nhận thấy tiềm năng khai thác thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương của các tỉnh Nam Trung bộ rất lớn, Công ty đã ký kết hợp tác với 30 tàu cá Khánh Hòa để làm dịch vụ hậu cần và bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, Công ty khuyến khích các chủ tàu đánh bắt xa bờ của Khánh Hòa, các vùng phụ cận cùng tham gia để tạo thành mối liên kết làm ăn lâu dài giữa doanh nghiệp và ngư dân. Tàu hậu cần của Công ty sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm, nhiên liệu, nước ngọt… và cam kết mua lại sản phẩm của các tàu khai thác bằng giá ở trên đất liền”.

Ông Đào Công Thiên - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Việc tổ chức sản xuất theo tổ đội, ngư đội và nghiệp đoàn là bước đột phá quan trọng trong khâu tổ chức sản xuất trên biển theo hướng hiện đại. Từ trước tới nay, do thời gian khai thác kéo dài, chất lượng các loài hải sản của ngư dân khai thác không đảm bảo, khi về bến tiêu thụ sản phẩm đều bị tư thương ép giá nên hiệu quả đạt thấp. Mô hình liên kết này là mô hình hay trong hỗ trợ đánh bắt các ngư trường xa bờ, vừa đảm bảo an toàn cho ngư dân, vừa đạt hiệu quả kinh tế, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Những năm gần đây, nghề khai thác xa bờ đã và đang được ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có Khánh Hòa, quan tâm đầu tư phát triển. Mô hình “tàu mẹ - tàu con” liên kết khai thác và thu mua hải sản trên biển hi vọng sẽ mở ra một hướng đi mới, dần dần hình thành tác phong làm ăn chuyên nghiệp trong ngư dân.

Anh Tuấn

Theo ông Đào Công Thiên - Giám đốc Sở NN-PTNT: Trong điều kiện hiện nay, liên kết khai thác và tiêu thụ hải sản trên biển là phương thức tổ chức sản xuất tiết kiệm nhất. Ngoài giảm được thời gian, phí tổn khi ra khơi, vào bờ, sản phẩm khi khai thác được bảo quản và sơ chế ngay trên biển sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.