Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thời gian qua mà gần đây nhất là việc tăng giá gas, sữa, chất lượng xăng dầu không đảm bảo…,
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thời gian qua mà gần đây nhất là việc tăng giá gas, sữa, chất lượng xăng dầu không đảm bảo…, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc theo dõi sát sao diễn biến thị trường, bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên, liên tục, không để xảy ra biến động lớn.
Thời gian qua, thị trường hàng hóa tiêu dùng và giá cả trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, sắt thép, xi măng, khí dầu mỏ hóa lỏng, lương thực, thực phẩm… Vào các dịp lễ, Tết, nhu cầu mua bán tăng cao, lượng hàng hóa lưu thông lớn. Đây là cơ hội để một số đơn vị kinh doanh hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng “tung hoành”. Vì vậy, Chi cục QLTT tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung dự báo và nắm tình hình cung - cầu, giá cả, tăng cường giám sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… Trong năm 2011, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hơn 6.400 lượt kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện hơn 890 vụ vi phạm, xử lý thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,4 tỷ đồng. Riêng trong đợt Tết Nhâm Thìn vừa qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 1.000 lượt đối với các cơ sở kinh doanh, phát hiện hơn 200 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, nhãn hàng hóa, niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT đã góp phần tích cực bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, “sốt” giá.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, tịch thu nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Kiểm soát hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT. Thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, tàng trữ và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chủ yếu là hàng điện máy, điện tử, gia dụng, đồ chơi trẻ em, thuốc lá, thực phẩm, bánh kẹo… có những diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu năm 2011 đến nay, đã có hơn 200 trường hợp vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu bị lực lượng QLTT phát hiện. Hàng trăm mặt hàng rượu, pháo nổ, thuốc lá lậu, dầu DO, phụ tùng ô tô, xe máy, điện thoại di động; hàng ngàn mặt hàng quần áo, đĩa CD, giày dép, mắt kính… nhập lậu đã bị cơ quan chức năng tịch thu. Theo ông Nguyễn Văn An - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục QLTT tỉnh, trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn tỉnh, hoạt động buôn lậu diễn ra khá nhức nhối với nhiều thủ đoạn và phương thức hoạt động tinh vi, có sự liên kết chặt chẽ giữa chủ hàng và đối tượng vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng này thường xé lẻ, phân tán hàng, thay đổi biển số xe, đồng thời tìm hiểu và nắm rõ quy luật hoạt động của các lực lượng chức năng để sẵn sàng đối phó, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng đang gây nhiều bức xúc. Số vụ vi phạm bị phát hiện trên địa bàn tỉnh tuy đã giảm so với trước, mức độ vi phạm nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa không lớn, nhưng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Năm qua, có hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, quán ăn, nhà hàng… vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, bị xử phạt hơn 280 triệu đồng; hơn 100 trường hợp vi phạm không niêm yết giá, kê khai giá, bị xử phạt hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng QLTT còn tham gia cùng các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện không ít vụ vi phạm ở các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, dịch vụ lưu trú, tình trạng “chặt, chém” ở các nhà hàng, khách sạn…
Những tháng đầu năm 2012, tình trạng tăng giá ở một số mặt hàng như: gas, sữa, thực phẩm và sự thiếu minh bạch trong đo lường, chất lượng xăng dầu… khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Theo nhận định của các ngành chức năng, thị trường hàng hóa từ nay đến cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp do các yếu tố như: lãi suất ngân hàng cao, giá vàng, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường… Các đối tượng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cũng lợi dụng những bất cập, kẽ hở trong cơ chế, chính sách về đầu tư, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, lợi dụng sự biến động của giá cả thị trường, thời tiết, nhu cầu tiêu dùng… để thu lợi bất chính. Theo ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, hiện nay, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường của đơn vị gặp không ít khó khăn. Công tác dự báo, nắm tình hình thị trường; việc xây dựng cơ sở cung cấp thông tin, tổ chức trinh sát, nắm địa bàn và đối tượng trong hoạt động chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ kiểm tra khá mỏng và dàn trải ở các địa phương; trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc, công cụ hỗ trợ, các thiết bị phụ trợ, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa chưa được đầu tư, trang bị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để khắc phục những khó khăn đó, ngay từ đầu năm, Chi cục QLTT đã chủ động bám sát chỉ đạo của cấp trên, lên phương án củng cố lực lượng, đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các đội QLTT có mặt tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi sát sao, nắm bắt diễn biến thị trường và báo cáo kịp thời các vấn đề nổi cộm, những dấu hiệu sai phạm. Đơn vị cũng bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên, liên tục, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm như: đoạn Quốc lộ 1A chạy qua tỉnh, các siêu thị, chợ đầu mối; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động trong từng nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao… Công tác kiểm tra tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân như: gạo, thịt các loại, sữa, gas, xăng dầu… Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh thực hiện đúng pháp luật, vận động quần chúng tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cũng như nâng cao hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
D.S