Hàng nghìn phụ nữ nghèo trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã có cơ hội thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh...
Hàng nghìn phụ nữ (PN) nghèo trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã có cơ hội thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ PN phát triển kinh tế - Hội Liên hiệp PN tỉnh. Những năm qua, đặc biệt giai đoạn 2009 - 2011, chương trình này đã tác động sâu rộng đến các tầng lớp PN, giúp họ có cơ hội vươn lên, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chị Phạm Thị Kiều Hương ở thôn Phú Cang 1 - xã Vạn Phú - huyện Vạn Ninh cho biết: Gia đình chị vốn khó khăn, nghề làm ruộng thu nhập eo hẹp, dù vất vả cũng không đủ tiền nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học. Năm 2008, gia đình chị thuộc diện đưa vào danh sách hộ nghèo của xã. Vì thế, Hội PN xã đã tạo điều kiện cho chị vay 15 triệu đồng vốn tín chấp hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị đã mua 2 con bò giống sinh sản, vừa trồng cỏ chăn nuôi phát triển đàn bò, vừa chịu khó làm thêm ruộng, tích góp. Năm 2010, chị đã dành dụm xây được căn nhà để ở và mua sắm thêm một số dụng cụ cần thiết trong gia đình. Nhờ đà làm ăn hiệu quả, sau khi thoát nghèo vào cuối năm 2010, chị bán tất cả đàn bò, dùng tiền mua được một chiếc xe tải nhỏ để chở vật liệu xây dựng thuê. Nhờ biết tính toán, tiết kiệm, đến năm 2011, chị tiếp tục mua thêm chiếc xe tải 1 tấn để làm ăn. Kinh tế gia đình chị nhờ thế ngày một phát đạt. Chị trở thành tấm gương điển hình trong phong trào PN nghèo vay vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; là địa chỉ tin cậy để các PN khác trong xã đến học hỏi cách làm ăn, kinh nghiệm phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nghề nghiệp hiệu quả.
Sản phẩm của các phụ nữ sản xuất giỏi. |
Cùng với chị Hương, đã có hàng nghìn PN khác trên toàn tỉnh cũng vươn lên thoát nghèo nhờ Chương trình hỗ trợ PN phát triển kinh tế - Hội Liên hiệp PN tỉnh. Trong 3 năm 2009 - 2011, đã có 16.233/31.778 hộ nghèo được giúp đỡ từ chương trình này, trong đó có 8.068/9.262 PN nghèo làm chủ hộ. Số PN vươn lên thoát nghèo hàng năm trung bình 2.307 hộ, qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp PN.
Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp PN tỉnh cho biết: “Chương trình có được kết quả như vậy là nhờ Hội đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở duy trì, phát triển có hiệu quả các phong trào, mô hình phát triển kinh tế đã có, định hướng cụ thể các giải pháp và chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai, nhằm giúp hội viên, PN, nhất là PN nghèo sử dụng tốt các nguồn lực có sẵn”. Cụ thể, trong các chương trình hỗ trợ, ngoài huy động nguồn vốn do tổ chức Hội đứng ra tín chấp các ngân hàng hơn 710 tỷ đồng, giải quyết trên 71 nghìn hộ vay, Hội đã huy động tối đa các phong trào, mô hình PN giúp nhau sẵn có như: “Ngày tiết kiệm vì PN nghèo”, “Giúp PN nghèo có địa chỉ”, “PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Tổ, nhóm PN tiết kiệm”; “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”…, tích lũy được hơn 15,8 tỷ đồng, 60,4 nghìn kg gạo, giúp được trên 75 nghìn lượt PN nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Khâu hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, phát triển sản xuất, đào tạo giải quyết việc làm cho PN thất nghiệp cũng được Hội chú trọng. Hội đã phối hợp các đơn vị có liên quan mở 369 lớp bồi dưỡng chuyển đổi vật nuôi, cây trồng với các mô hình như nuôi cá nước ngọt, trồng nấm sò, cải tạo vườn cây ăn trái, ghép hoa, nuôi heo nạc, nuôi thỏ, ếch, kỳ nhông… Bên cạnh đó, hơn 173 lớp đào tạo các nghề như may công nghiệp, thêu, nấu ăn, song mây… cũng được mở ra, giúp trên 8 nghìn chị em có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm; đồng thời có hơn 16 nghìn lao động nữ vào làm việc tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, bà Nhung cũng cho biết thêm: Chương trình này chỉ thực sự ý nghĩa nếu tất cả PN được giúp đỡ đều chịu khó lao động, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, dẫn đến lơ là lao động, làm ăn không hiệu quả, chậm trả vốn vay. Bên cạnh đó, công tác bình xét hộ nghèo hàng năm chưa sát với thực tiễn, nhiều hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tình trạng thiếu việc làm đối với PN nông thôn vẫn còn phổ biến. Vì vậy, thời gian tới, ngoài rà soát lại chính xác danh sách các hộ nghèo theo chuẩn mới, các cấp Hội phải phấn đấu khắc phục những điểm còn hạn chế trong quá trình hỗ trợ; đồng thời khuyến khích, vận động PN nghèo cố gắng chịu khó lao động vươn lên, đi đôi với xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; nhân rộng các mô hình kinh tế hay, hiệu quả… Có như vậy mới nâng được tỷ lệ thoát nghèo trong các tầng lớp PN, tạo dựng cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc cho chị em.
MINH THIẾT