01:02, 13/02/2012

Xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tỉnh hoàn thiện, hiện đại, hiệu quả

Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh Khánh Hòa đề ra mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tỉnh thành một hệ thống hoàn thiện, ....

Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh Khánh Hòa đề ra mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính (BMHC) Nhà nước tỉnh thành một hệ thống hoàn thiện, hiện đại, thông suốt, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN; đủ năng lực quản lý tốt mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH).

Để đạt được mục tiêu chung vào năm 2020, Chương trình đã xác định các mục tiêu cụ thể phải đạt được cho từng giai đoạn: 2011 - 2015 và 2016 - 2020 trên cả 6 nội dung, gồm: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức BMHC địa phương, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.

Đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính và dịch vụ công đạt hơn 80%

Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của tỉnh theo phân cấp được ban hành hợp pháp, đồng bộ, cụ thể, kịp thời và khả thi, tạo môi trường thật sự bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Đến năm 2013, tỉnh phải hoàn thiện các quy định về ưu đãi, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, các khu kinh tế, du lịch và khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục (về đất đai, đầu tư, xây dựng, công thương, tư pháp, bảo vệ môi trường, thành lập doanh nghiệp) tối thiểu 15% so với quy định của Trung ương. Toàn bộ cơ quan hành chính (CQHC) Nhà nước của địa phương thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” (trừ UBND huyện Trường Sa và các xã, thị trấn trực thuộc). Mô hình “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại được mở rộng đạt tối thiểu 50% ở các sở, ngành, 75% ở cấp huyện và 30% ở cấp xã. Đến năm 2015, toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang tin điện tử của các sở, ngành, UBND cấp huyện. Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHC đạt hơn 70%; đối với các dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt hơn 60%.

Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; bảo đảm công bằng trong phân phối thành quả của đổi mới, của phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội.

Đến năm 2020, mức độ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo đạt tối thiểu 50%; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về TTHC, về sự phục vụ của CQHC cũng như các dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt hơn 80%. Theo chương trình này, đến năm 2020, đội ngũ CB-CC-VC có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ, năng lực hoàn thành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH. Thời điểm đó, tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất lương bảo đảm cuộc sống của CB-CC-VC và gia đình đạt mức trung bình khá trong xã hội, có tích lũy và dự phòng rủi ro.

Công khai thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức

Đồng bộ với các mục tiêu là các nhiệm vụ cải cách được xây dựng vừa có tính kế thừa từ giai đoạn 2001 - 2010, vừa đáp ứng yêu cầu mới của công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2020.

Về cải cách thể chế, giai đoạn đầu tập trung vào rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp quy… Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thiện cơ chế bảo đảm chất lượng phục vụ của các đơn vị sự nghiệp công, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Về cải cách TTHC, thường xuyên rà soát, điều chỉnh hợp lý, đơn giản, minh bạch và rút ngắn thời gian xử lý của TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước; loại bỏ triệt để những khâu trung gian, giấy tờ không cần thiết hoặc trùng lắp trong hồ sơ, thủ tục, đặc biệt là TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp; công bố công khai, minh bạch tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương bằng nhiều hình thức thích hợp; các TTHC được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới được công bố cập nhật đúng quy định của Chính phủ; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về quy định, TTHC để nâng cao chất lượng quy định hành chính, giám sát việc thực hiện TTHC của các CQHC ở địa phương. Đồng thời, cải cách tổ chức BMHC địa phương và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC-VC.

Về giải pháp thực hiện, bên cạnh quán triệt những giải pháp chủ đạo, xuyên suốt của Chương trình tổng thể, chương trình đề cao trách nhiệm của người đứng đầu CQHC các cấp, chính quyền địa phương, củng cố tổ chức, nhân sự làm công tác CCHC; phân công trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ. Đồng thời, tăng cường quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp CCHC để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tính tự giác trong tổ chức thực hiện; tăng cường thông tin, tuyên truyền. Các sở, ngành, địa phương phải phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến, giải pháp, mô hình mới, nâng cao chất lượng CCHC; bố trí kinh phí hợp lý từ ngân sách theo phân cấp để thực hiện chương trình và các đề án, dự án, nhiệm vụ CCHC.

P.V