12:02, 20/02/2012

Cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm

Cục Thú y nhận định, các ổ dịch mới đã giảm nhưng nguy cơ lây lan là khó tránh khỏi khi thời tiết diễn biến bất thường; công tác kiểm soát vận chuyển gia cầm chưa được quan tâm đúng mức; chính quyền nhiều địa phương còn tư tưởng chủ quan, lơ là, nhận thức của người chăn nuôi chưa tốt, nhiều nơi còn giấu dịch, người chăn nuôi còn ăn gia cầm ốm, chết.

 

Cán bộ Trạm thú y huyện An Dương (Hải Phòng) tiêm vắc xin cúm gia cầm cho một trang trại tại thị trấn.
Cán bộ Trạm thú y huyện An Dương (Hải Phòng) tiêm vắc xin cúm gia cầm cho một trang trại tại thị trấn.

Ngày 18-2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp khẩn đánh giá tình hình và bàn biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm đang lây lan trên diện rộng.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, dịch đã xảy ra tại 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh khoảng 12.000 con, trong đó 5.000 con bị chết; đã có 2 người chết do nhiễm cúm H5N1 tại Kiên Giang và Sóc Trăng. Cục Thú y nhận định, các ổ dịch mới đã giảm nhưng nguy cơ lây lan là khó tránh khỏi khi thời tiết diễn biến bất thường; công tác kiểm soát vận chuyển gia cầm chưa được quan tâm đúng mức; chính quyền nhiều địa phương còn tư tưởng chủ quan, lơ là, nhận thức của người chăn nuôi chưa tốt, nhiều nơi còn giấu dịch, người chăn nuôi còn ăn gia cầm ốm, chết. Trong khi đó, virus cúm đã lưu hành ở phạm vi rộng trên toàn quốc. Cũng theo các cơ quan chuyên môn, qua giám sát cho thấy, đã xuất hiện chủng virus H5N1 độc lực thấp và một số chủng khác như H5N2, H9…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, virus cúm gia cầm với con người vẫn là rất độc, vì tỷ lệ nhiễm và tử vong từ đầu năm tới nay là rất cao. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động chống dịch, không để virus lan rộng gây hại cho ngành chăn nuôi và đe dọa sức khỏe cộng đồng; các cơ quan giám sát dịch cần dựa trên cơ sở lấy mẫu, không phải chỉ lấy ở ổ dịch, mà cả ở đàn khỏe mạnh, tìm ra chủng cúm thì mới có thể kết luận và dùng vắc xin đúng, hiệu quả. "Hiện vắc xin còn 6 triệu liều nên cũng cần phải nhập khẩu để có thuốc phòng, song song với đó là ưu tiên cho mục tiêu dập tắt dịch trong thời điểm này" - Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Theo HNM