Dịch cúm gia cầm (CGC) đang tái phát trên địa bàn cả nước và diễn biến hết sức phức tạp. CGC đã làm hàng ngàn gia cầm bị ốm, chết buộc phải tiêu hủy, đã có hai bệnh nhân tại Kiên Giang và Sóc Trăng tử vong liên quan tới CGC.
Dịch cúm gia cầm (CGC) đang tái phát trên địa bàn cả nước và diễn biến hết sức phức tạp. CGC đã làm hàng ngàn gia cầm bị ốm, chết buộc phải tiêu hủy, đã có hai bệnh nhân tại Kiên Giang và Sóc Trăng tử vong liên quan tới CGC. Khánh Hòa đã có tiền lệ, dịch CGC thường xảy ra sau Tết, là thời điểm thời tiết lạnh, độ ẩm cao. Ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm cần cảnh giác đề phòng.
Liên tục trong hai năm 2009 và 2010, dịch CGC đã tái phát trên địa bàn tỉnh vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, buộc tỉnh phải công bố dịch. Năm 2009, dịch CGC xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang), năm 2010, dịch bùng phát trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Ninh Phụng, Ninh Hà) và Vạn Ninh (Vạn Lương, Vạn Phú) buộc tỉnh phải công bố dịch và triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn lây lan. Hiện nay, tuy dịch CGC chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng nguy cơ của nó là rất lớn và nguy hiểm.
Cục Thú y cho biết, tính từ đầu năm đến nay, dịch CGC đã tái phát tại 10 tỉnh, thành trên cả nước gồm: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Sóc Trăng và Kiên Giang. Đã có hàng ngàn gia cầm mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy. Nghiêm trọng hơn là có hai bệnh nhân chết vì nhiễm vi rút CGC. Trong điều kiện bất lợi của thời tiết, mưa rét kéo dài ở miền Bắc, các hoạt động giết mổ, vận chuyển, đi lại của người dân trong dịp Tết và sau Tết, người chăn nuôi tái đàn, một số địa phương thiếu vắc xin đặc hiệu để tiêm phòng khiến dịch CGC tái phát và diễn biến phức tạp.
Thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi là biện pháp hữu hiệu phòng, tránh cúm gia cầm |
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thú y Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Khánh Hòa, năm 2011, một số tỉnh, thành không tổ chức tiêm phòng CGC là do hiện nay nước ta xuất hiện nhánh vi rút H5N1 mới (2.3.2) và biến đổi thành 2 nhánh phụ có sự khác biệt lớn về kháng nguyên, vì vậy vắc xin CGC tiêm phòng từ năm 2005 không còn hiệu quả. Nhánh vi rút H5N1 (2.3.2) đang lưu hành ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Việt Nam hiện chưa sản xuất được văc xin CGC và vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, năm 2011, cả nước chỉ tiêm phòng cho đàn gia cầm tại 13 tỉnh phía Nam. Điều đáng lưu ý là, việc biến đổi kháng nguyên đã dẫn đến độc lực vi rút tăng, rất nguy hiểm. Tất cả những điều đó càng gây khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch CGC.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) liên tục có nhiều văn bản, công điện khẩn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch CGC. Bộ yêu cầu các địa phương khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống dịch; bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng; cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt khuyến cáo người dân không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín, khi tiếp xúc với gia cầm phải mặc bảo hộ cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi tiếp xúc, người nuôi gia cầm chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm ốm, chết… UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết. Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y có các văn bản hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giám sát dịch bệnh, xây dựng quy chế cung cấp thông tin, giám sát, phát hiện dịch, huy động cán bộ thôn, bản phối hợp chặt chẽ với ngành Thú y giám sát, phát hiện dịch. Cán bộ Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm, đầu mối vận chuyển gia cầm. Huy động vật tư, bảo hộ, hóa chất, máy phun phục vụ việc thanh trùng, khử độc, chuẩn bị sẵn sàng chống dịch…
Tuy đã xảy ra dịch CGC nhiều lần nhưng người chăn nuôi trong tỉnh vẫn còn rất chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Kiểu nuôi manh mún, tự phát, thiếu các điều kiện chăm sóc, vệ sinh khiến dịch CGC dễ dàng tái phát. Năm 2011, đàn gia cầm lại không được tiêm phòng thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Nguy hiểm hơn, tâm lý tiếc rẻ, sử dụng gia cầm ốm, chết, dùng tiết canh làm thực phẩm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi nhiễm phải vi rút CGC. Ngành Thú y và chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống CGC, người dân cũng cần phối hợp để CGC không xảy ra, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ngành Thú y khuyến cáo: Người chăn nuôi gia cầm khi mua giống, tái đàn phải biết rõ nguồn gốc và sạch bệnh, không nuôi chung gia cầm với gia súc, chủng ngừa văc xin đầy đủ, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc (1 tuần/lần), phát quang chuồng trại, cống rãnh khu vực chăn nuôi; kiểm tra môi trường để phát hiện dấu hiệu bất lợi (chim trời, gia cầm, thủy cầm ốm chết…); các trại nuôi quy mô lớn cần thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện “cùng nhập, cùng xuất”…
Q.V