04:02, 23/02/2012

Cần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Những năm gần đây, do tác động của quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu; việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý đã và đang làm cho số lượng và chất lượng nước trên địa bàn Khánh Hòa suy giảm nghiêm trọng.

Những năm gần đây, do tác động của quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu; việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước (TNN) chưa hợp lý đã và đang làm cho số lượng và chất lượng nước trên địa bàn Khánh Hòa suy giảm nghiêm trọng. Tình trạng này dễ nhận thấy với các biểu hiện giảm lưu lượng dòng chảy ở các sông, suối, nước dưới đất bị ô nhiễm và nhiễm mặn, dẫn đến tình trạng hạn hán, nhiều nơi người dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Theo đánh giá của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra TNN miền Trung, TNN của Khánh Hòa không dồi dào và thấp so với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ, trung bình đạt khoảng 167.109m3/năm, tương ứng với lượng mưa bình quân toàn tỉnh khoảng 1.500mm. Tuy nhiên, do sự phân bố không đều theo diện tích, 70 - 80% lượng mưa tập trung vào mùa mưa thường gây lũ lụt, ngược lại về mùa khô lượng mưa chỉ đạt 20 - 30% nên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, tạo điều kiện xâm nhập mặn nguồn nước mặt và nước dưới đất. Theo tài liệu quan trắc, TNN mặt trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nước nội địa nhưng cũng không lớn, tổng lượng dòng chảy của các sông, suối đạt khoảng 297.109m3, tương ứng với lưu lượng trung bình năm khoảng 95m3/s, chiếm khoảng 1,5% của cả nước. Do đặc điểm lượng mưa, TNN mặt phân bố không đều nên vào mùa khô, dòng chảy của các sông trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt. Đây là nguyên nhân gây nên hạn hán nghiêm trọng, khoảng gần một nửa diện tích gieo trồng cây hàng năm vẫn chưa được đáp ứng đủ nước; một phần dân cư nông thôn vẫn chưa có nước sạch dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, các con sông lớn như sông Cái (Ninh Hòa), đặc biệt là sông Cái (Nha Trang) bị xâm nhập mặn sâu vào đất liền hơn 10km, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước cấp sinh hoạt cho TP. Nha Trang.

Do lượng mưa phân bố không đều, vào mùa mưa cùng hạ lưu các con sông đều xảy ra lũ lụt, ngập úng.
Do lượng mưa phân bố không đều, vào mùa mưa cùng hạ lưu các con sông đều xảy ra lũ lụt, ngập úng.

Trên thực tế, các nghiên cứu TNN trước đây mới tập trung vào việc giải quyết nước tưới cho cây lương thực là chính (cây lúa), chưa quan tâm nhiều đến việc cấp nước phục vụ các ngành kinh tế khác như cấp nước khu đô thị, du lịch, khu kinh tế, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp… đang được hình thành. Bên cạnh đó, việc đề xuất những giải pháp khai thác nguồn nước các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn riêng rẽ nên việc quản lý và thực hiện quy hoạch các ngành trong toàn tỉnh gặp khó khăn và chồng chéo. Cùng với đó, các công trình hồ, đập, trạm bơm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phần lớn đã được xây dựng từ 15 - 20 năm và quy mô nhỏ, nhiều công trình đã xuống cấp, hiệu quả phục vụ tưới thấp và chưa phải là công trình đa mục tiêu. Như vậy, so với yêu cầu hiện tại, các hệ thống công trình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hầu hết các công trình đập dâng, trạm bơm đều căn cứ vào dòng chảy cơ bản của sông, suối để điều tiết, nhưng dòng chảy cơ bản này hầu như chưa được điều tra, đánh giá, vì vậy luôn xảy ra tình trạng khô hạn, không đủ nguồn nước tưới trong mùa khô. Các công trình phòng, chống lũ trên thượng nguồn các sông hầu như chưa có nên vào mùa lũ vùng hạ lưu các con sông vẫn bị ngập úng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Ngoài ra, hiện chưa có một nguồn tài liệu đầy đủ cơ sở khoa học và pháp lý về TNN của tỉnh để phục vụ công tác quản lý, trên cơ sở đó hướng dẫn khai thác, sử dụng hợp lý TNN, phòng, chống suy thoái nguồn nước một cách hiệu quả.

Để khai thác, quản lý TNN hiệu quả, UBND tỉnh cần hoàn chỉnh hệ thống văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ TNN và môi trường từ tỉnh đến đến cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền đến từng từng người, từng hộ, từng cơ quan, đơn vị sử dụng nước nhằm nâng cao hơn nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn TNN. Tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết TNN từng vùng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế như: ven biển huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang, bán đảo Cam Ranh… Trên cơ sở đó tiến hành việc tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống và chi tiết hơn về nguồn TNN của tỉnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành, địa phương áp dụng công nghệ sản xuất mới, sử dụng nước khép kín, hạn chế tiêu thụ nước. Mặt khác, tập trung nghiên cứu, áp dụng phương pháp bổ sung nhân tạo trữ lượng nước dưới đất ở những vùng có yêu cầu cấp thiết và có điều kiện thiên nhiên cho phép như các đảo, bán đảo, TP. Nha Trang. Song song đó, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, xây dựng hồ, đập ngăn nước… để bổ sung trữ lượng cho các tầng chứa nước...

ANH TUẤN