11:01, 30/01/2012

Phát triển nhiều kỹ thuật cao phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Với 96/100 điểm, năm 2011, qua kiểm tra của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp tục được xếp loại bệnh viện tốt. Thành tích nổi bật của bệnh viện là đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Với 96/100 điểm, năm 2011, qua kiểm tra của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiếp tục được xếp loại BV tốt. Thành tích nổi bật của BV là đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Trong năm, BV đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn đề ra đầu năm và tăng so với năm 2010. BV đã khám cho hơn 469.000 lượt bệnh nhân (BN), đạt 117% kế hoạch, bằng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. BN điều trị ngoại trú hơn 6.400 lượt, đạt 117% kế hoạch, bằng 110% so với cùng kỳ. BN điều trị nội trú hơn 57.000 lượt, đạt 110% kế hoạch, bằng 106,8% so với cùng kỳ. Phẫu thuật hơn 11.400 ca, đạt 120% kế hoạch, bằng 121% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh xếp loại tốt (102%). Một số khoa có công suất sử dụng giường cao như: Ngoại tổng hợp, Ngoại cột sống, Răng hàm mặt, Mắt, Hồi sức cấp cứu, Y học cổ truyền, Nội tim mạch lão học, Nội cán bộ, Tai mũi họng, Ung bướu…


Phẫu thuật cột sống ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Phẫu thuật cột sống ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh tổ chức tốt các hoạt động khám, chữa bệnh, năm qua, BVĐK tỉnh luôn quan tâm củng cố và hoàn thiện các kỹ thuật, thủ thuật đã làm được, đồng thời không ngừng phát triển các kỹ thuật, thủ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc và điều trị BN. Trong năm, BV đã triển khai thực hiện một số kỹ thuật mới, khó như: Điều trị viêm gân mạn tính bằng tiểu cầu tự thân; phẫu thuật tái tạo dây chằng trụ - quay trên; phẫu thuật thay khớp gối theo thế hệ mới; phẫu thuật giải phóng chèn ép tủy cổ lối sau với phương pháp bảo toàn hệ thống cơ - dây chằng; can thiệp tim bẩm sinh; phẫu thuật cắt trĩ theo phương pháp Longo; phẫu thuật bướu cổ qua nội soi; các bệnh lý về sàn chậu học; can thiệp mạch máu TOCI; xét nghiệm Anti HAV; kỹ thuật định nhóm máu khó; Pro BNP và Mirco Albumine niệu giúp chẩn đoán bệnh lý tim mạch… Trong số các kỹ thuật đã làm được, đáng chú ý là kỹ thuật can thiệp mạch máu TOCE để điều trị ung thư gan. Đây là phương pháp phẫu thuật đặc biệt và rất ưu việt. Để thực hiện phương pháp này, phẫu thuật viên sẽ luồn một ống dẫn đặc biệt qua động mạch đùi của BN dưới sự hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA). Ống dẫn này sẽ được luồn đến tận gan của BN, vào các nhánh động mạch nuôi dưỡng khối u và tiêm vào đấy các hỗn hợp hóa chất chống ung thư, đồng thời làm tắc các mạch máu nuôi dưỡng khối u để tiêu diệt khối u. Ưu điểm của phương pháp TOCE là không cần gây mê, BN vẫn tỉnh trong suốt quá trình làm thủ thuật, đặc biệt không có đường mổ. Theo Tiến sĩ Lương Linh Hà, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BVĐK tỉnh, người trực tiếp thực hiện các ca TOCE, với những khối u gan nguyên phát tương đối lớn, nằm gần các mạch máu lớn không thể cắt bỏ thì TOCE là phương pháp điều trị phù hợp.

Một kỹ thuật mới cũng được chú ý ở BVĐK tỉnh trong năm qua là kỹ thuật điều trị bệnh viêm gân mãn tính và thẩm mỹ da bằng cách sử dụng máu giàu tiểu cầu (PRP) của chính BN. Đây là phương pháp mới nổi trong lĩnh vực y tế được gọi là “sinh học chỉnh hình”, có sự kết hợp giữa khía cạnh công nghệ với khả năng lành tự nhiên của cơ thể. Ở khu vực miền Trung, BVĐK tỉnh là BV đầu tiên triển khai kỹ thuật này. Theo Thạc sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng BVĐK tỉnh, phương pháp sử dụng máu giàu tiểu cầu giúp BN phục hồi tự nhiên do PRP (được bơm vào vùng cần điều trị) sẽ tự thân kích thích tái tạo các sợi collagen trong mô, làm phục hồi dần các mô gân viêm và các khiếm khuyết của cơ mô. “Bình thường trong máu của chúng ta có tiểu cầu nhưng tiểu cầu này chưa được hoạt hóa. Để có máu giàu tiểu cầu, người ta sẽ lấy máu của BN bỏ qua một hệ thống kít lọc, lọc lấy máu giàu tiểu cầu. Trong máu giàu tiểu cầu, nồng độ tiểu cầu nhiều gấp 5 - 8 lần bình thường. Người ta hoạt hóa nó lên rồi đưa vào vùng cần điều trị”, Thạc sĩ Chính giải thích. Được biết, hiện phương pháp PRP có thể áp dụng để điều trị các bệnh như: viêm gân, thoái hóa khớp gối mãn tính, giải quyết sẹo rỗ vùng mặt, làm đầy các nếp nhăn và trẻ hóa da, điều trị hói đầu và rụng tóc, tái tạo làn da sau khi bị bỏng hoặc chấn thương, hỗ trợ điều trị sẹo lồi… Ưu điểm của phương pháp này là không gây biến chứng toàn thân hay tại chỗ, không để lại sẹo như phẫu thuật, không có tác dụng phụ như các loại kem, không dị ứng, bệnh phục hồi hoàn toàn và bền vững theo thời gian. Đặc biệt, việc áp dụng PRP trong điều trị các nếp nhăn trên vùng mặt đạt hiệu quả cao, giúp căng da, da mất nếp nhăn.

Cùng với sự phát triển của ngành Tim mạch cả nước, BVĐK Khánh Hòa cũng đã xây dựng được một đơn vị Can thiệp tim mạch (CTTM) hoạt động hiệu quả. Qua 3 năm hoạt động, đơn vị đã thực hiện trên 1.000 ca CTTM, cứu sống nhiều BN qua cơn hiểm nghèo. Riêng năm 2011, bên cạnh duy trì các hoạt động can thiệp nong mạch vành, đơn vị CTTM BVĐK tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật khó hơn trong CTTM như: nong mạch vành, đặt stent ở những vị trí khó (đoạn chia đôi hai nhánh động mạch, tổn thương ngay lỗ xuất phát của nhiều nhánh); tắc mạch vành mãn tính (bị nhồi máu cơ tim để lâu trên 3 tháng); thông liên nhĩ, bít còn ống động mạch trong can thiệp tim bẩm sinh; chụp động mạch thận, não, chi, nâng cao chất lượng chẩn đoán… Nói về phương hướng hoạt động của đơn vị CTTM trong thời gian tới, Thạc sĩ Huỳnh Văn Thưởng, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng đơn vị CTTM BVĐK tỉnh cho biết sẽ đề nghị ngành Y tế, BVĐK tỉnh bổ sung thêm nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ như máy siêu âm tim tại phòng thông tim, siêu âm nội mạch, bóng dội ngược động mạch chủ, máy đo lưu lượng dự trữ động mạch vành… để hỗ trợ những trường hợp khó, bệnh nặng. Song song đó, đơn vị sẽ tiến hành nghiên cứu và theo dõi trên những nhóm bệnh lớn hơn để đánh giá chính xác chất lượng chẩn đoán, điều trị, từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng điều trị…

Trao đổi về phương hướng hoạt động của BV trong năm 2012, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2011, năm 2012, BVĐK tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về chuyên môn. Song song đó, BV tập trung đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất để phát triển một số kỹ thuật chuyên sâu như: Tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật thần kinh, vi phẫu tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ, thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc, phẫu thuật nội soi ổ bụng, sản phụ khoa, tai mũi họng, phẫu thuật ung bướu, phát triển các xét nghiệm cận lâm sàng… Mục tiêu của BV là nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, phấn đấu trở thành BV hạng 1 trong thời gian gần.

NGỌC KHÁNH