12:09, 03/09/2011

Tỉ lệ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cao hơn cột sống cổ

Đó là kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hoàng Hoa Sơn, Nguyễn Thị Hoa (công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội).

Đó là kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hoàng Hoa Sơn, Nguyễn Thị Hoa (công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội). Nghiên cứu này vừa được công bố tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX Hội Thấp khớp học Việt Nam tổ chức tại Nha Trang và đã gây được sự chú ý của các đại biểu khi lần đầu tiên Việt Nam có một nghiên cứu về thoát vị đĩa đệm cột sống (TVĐĐCS) tại cộng đồng.

Theo các tác giả, TVĐĐCS luôn là một vấn đề thời sự vì đó là nguyên nhân phổ biến gây đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng, kèm theo các triệu chứng thần kinh tương ứng. Theo các trung tâm nghiên cứu và thống kê ở châu Âu và Mỹ thì có tới 70% dân số trong cuộc đời có ít nhất một lần đau thắt lưng. Ước tính hàng năm ở Mỹ có 31 triệu người bị đau lưng. Theo thông báo của Hội Cột sống học Hoa Kỳ năm 2005, bệnh TVĐĐ chiếm 2 - 3% dân số, bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 30 - 50, nam mắc nhiều hơn nữ.

 Bác sĩ đang khám bệnh cột sống cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ở Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều báo cáo về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng hoặc các phương pháp điều trị TVĐĐ. Một báo cáo năm 1986 cho thấy, trong số 61 bệnh nhân TVĐĐ có 22,9% bị TVĐĐ nhiều tầng. Các nghiên cứu về TVĐĐ đều thực hiện trên các đối tượng bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế, chưa có nghiên cứu dịch tễ học về tỉ lệ TVĐĐ, mức độ TVĐĐCS thắt lưng, cột sống cổ. Chính vì vậy, nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hoàng Hoa Sơn, Nguyễn Thị Hoa được xem là nghiên cứu đầu tiên về TVĐĐ trong cộng đồng nhằm 2 mục tiêu: xác định tỉ lệ TVĐĐCS tại cộng đồng và các thể TVĐĐ trên phim cộng hưởng từ (MRI).

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5-2009 đến tháng 10-2010 tại 3 địa điểm gồm: quận Đống Đa, huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) và huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Đối tượng nghiên cứu gồm 6.614 người từ 18 tuổi trở lên sống liên tục ít nhất 5 năm gần đây tại địa bàn nghiên cứu, không có chống chỉ định chụp Xquang và MRI (loại bỏ nghiên cứu những phụ nữ có thai). Phương pháp nghiên cứu: chọn ngẫu nhiên 1.200 đối tượng trong độ tuổi cho mỗi xã, phường; khám sàng lọc; tất cả đối tượng có hiện tượng đau cột sống thắt lưng, cột sống cổ tại chỗ hoặc lan, đau lan dọc chân hoặc cánh tay sẽ được chỉ định khám chuyên khoa, chụp MRI. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ TVĐĐ trong dân số là 0,64% đối với cột sống thắt lưng và 0,03% đối với cột sống cổ. Theo các tác giả, tỉ lệ này thấp hơn so với các nước Âu Mỹ (khoảng 1 - 3%), nguyên nhân có thể do nghiên cứu này mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp (3 khu vực, 1 đại diện cho thành thị và 2 đại diện cho nông thôn), chưa khảo sát được những đối tượng có nguy cơ cao như những người làm việc ở các khu công nghiệp nặng, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của các tác giả để lần đầu tiên Việt Nam có được tỉ lệ TVĐĐ trong cộng đồng dù chỉ trên phạm vi một số vùng. Nếu tính theo tuổi và giới, kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ TVĐĐCS thắt lưng ở nữ (1%) cao hơn ở nam (0,3%). Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ trong những năm gần đây cao có thể do trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, nữ giới cũng phải làm những công việc nặng nhọc không thua kém nam giới. Mặt khác, nghiên cứu này được thực hiện tại cộng đồng nên tỉ lệ TVĐĐ phụ thuộc vào cơ cấu dân số tại khu vực nghiên cứu (ở cả 3 khu vực khảo sát, nữ giới đều chiếm tỉ lệ cao hơn nam). Về tuổi, các đối tượng TVĐĐCS thắt lưng có độ tuổi trung bình là 53,4 tuổi, cột sống cổ là 52,3 tuổi. Với TVĐĐCS cổ, huyện Sóc Sơn có 2 trường hợp, huyện Kim Bảng có 1 trường hợp, không có trường hợp nào ở quận Đống Đa. Lý giải thực tế này, các tác giả cho rằng có thể do huyện Sóc Sơn và huyện Kim Bảng là khu vực dân cư nông thôn, người dân chủ yếu làm nghề nông và trong quá trình làm việc có thói quen đội nặng trên đầu nên gây TVĐĐCS cổ (đặc biệt cả 3 trường hợp đều là nữ) và qua điều tra cả 3 đều có thói quen này. Nếu chỉ tính những trường hợp thoát vị điển hình trên phim MRI, trong số 44 trường hợp được chẩn đoán TVĐĐCS có 1 trường hợp vừa TVĐĐCS cổ vừa TVĐĐCS thắt lưng, 2 trường hợp TVĐĐCS cổ đơn thuần và 41 trường hợp TVĐĐCS thắt lưng đơn thuần. Cũng theo các tác giả, trong số những trường hợp thoát vị điển hình thì cả 3 trường hợp TVĐĐCS cổ đều là thoát vị đơn tầng, hơn 57% số trường hợp TVĐĐCS thắt lưng là thoát vị đa tầng, có 1 trường hợp thoát vị 5 tầng. Tỉ lệ chèn ép ống tủy và chèn ép rễ thần kinh ở các đối tượng có TVĐĐCS thắt lưng tương ứng là 28,6% và 61,9%. 2/3 đối tượng TVĐĐCS cổ có chèn ép ống tủy, nhưng không có đối tượng nào chèn ép rễ thần kinh. Phân tích theo từng đĩa đệm, trong 79 đĩa đệm bị thoát vị (trong tổng số 42 bệnh nhân), thoát vị ra sau chiếm tới 77/81 (95,1%), trong đó chủ yếu là thể trung tâm 56/81 (69,1%) và thể cạnh trung tâm (21%), trong đó có tới 87,3% là thoát vị dưới dây chằng dọc sau. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn đĩa đệm bị thoát vị tập trung vào đĩa đệm L4-L5 và L5-1 với tỉ lệ tương ứng là 40,7% và 29,6%. Do đây là vùng bản lề của cột sống, thường xuyên chịu tải trọng lớn của cơ thể, đồng thời là nơi vận động có biên độ lớn nhất nên hay gặp chấn thương (vì chấn thương và các tư thế bất lợi dễ gây TVĐĐ). Từ thực tế trên, các bác sĩ khuyến cáo cần khảo sát các vị trí này khi thăm khám lâm sàng nhằm tránh bỏ sót triệu chứng và cần có các biện pháp phòng tránh các chấn thương, các tư thế xấu tại vị trí này.

NGỌC KHÁNH