12:09, 05/09/2011

Sẵn sàng cho năm học mới

Ngày 5-9 sẽ là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Hơn 261.500 học sinh (HS) các cấp học trên địa bàn tỉnh đang nô nức chờ đón ngày khai giảng chính thức năm học mới 2011 - 2012.

Ngày 5-9 sẽ là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Hơn 261.500 học sinh (HS) các cấp học trên địa bàn tỉnh đang nô nức chờ đón ngày khai giảng chính thức năm học mới 2011 - 2012. Những ngày qua, theo ghi nhận của chúng tôi, không khí chuẩn bị cho ngày khai giảng đã ngập tràn ở các trường học. Tất cả đều đã sẵn sàng cho năm học mới 2011 - 2012. Thế nhưng, giữa muôn vàn ánh mắt hân hoan chờ đón của HS vẫn còn không ít gương mặt ưu tư, lo lắng của các bậc phụ huynh (PH) trước thềm năm học mới.

.  Tất cả đã sẵn sàng…

Ông Lê Tuấn Tứ - Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, mọi công việc chuẩn bị cho năm học mới đã cơ bản hoàn thành. Trong 2 tháng Hè vừa qua, Sở đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên (GV) trong toàn ngành. Ngoài các lớp bồi dưỡng do Sở tổ chức, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố còn chủ động mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ GV theo yêu cầu thực tế giảng dạy ở địa phương. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác nhưng qua kiểm tra, nắm bắt tình hình, năm học này, tỷ lệ HS ra lớp đạt hơn 98%. Đội ngũ GV các trường trong toàn tỉnh hiện nay đã tương đối đảm bảo. Sở GD-ĐT đã hoàn thành công tác thuyên chuyển, điều động và cũng vừa tuyển dụng 156 GV mới cho các trường trực thuộc Sở. Riêng GV các trường mầm non (MN), tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), tỉnh đã phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng. Hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp tục tuyển dụng GV.

Đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh gióng những hồi trống khai trường ở Trường THCS Nguyễn Hiền, Nha Trang.

Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ năm học 2011 - 2012, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong năm 2011, có 117 công trình (186 phòng học, 25 phòng bộ môn, 7 nhà đa năng, 7 nhà bếp, 35 nhà vệ sinh, 4 phòng thư viện… và các hạng mục khác) do các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 105,7 tỷ đồng; đã đưa vào sử dụng 68 phòng học, 3 phòng bộ môn, 1 nhà đa năng, 1 nhà bếp, 3 nhà vệ sinh và 137 hạng mục sửa chữa, xây dựng khác. Các hạng mục, công trình còn lại dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2012. Ngoài ra, Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư 36 công trình với tổng kinh phí gần 50,5 tỷ đồng, bao gồm 15 phòng học, 1 nhà bếp, 12 nhà vệ sinh, 8 văn phòng và các hạng mục khác. Hiện nay, những công trình sửa chữa, cải tạo đã hoàn tất, các công trình xây mới sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 11-2011. Ban quản lý dự án Các công trình dân dụng đang làm chủ đầu tư 4 công trình với tổng kinh phí 40 tỷ đồng. Trong đó, công trình xây mới Trường Trung học Phổ thông (THPT) Lê Hồng Phong sẽ đưa vào sử dụng ngày 10-9-2011, các công trình còn lại (Trường THPT Trần Cao Vân, Trường THPT Tôn Đức Thắng, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Cam Ranh) phải tạm dừng do chủ trương chống lạm phát của Chính phủ. Ông Lê Tuấn Tứ cho biết: “Tuy tiến độ thi công xây dựng tiếp tục diễn ra nhưng hoạt động ở các đơn vị vẫn bình thường, không ảnh hưởng đến việc dạy và học của GV, HS”.

Học sinh lớp 1 Trường TH Phương Sài bỡ ngỡ trong những ngày đầu tiên đi học

Bên cạnh đầu tư xây dựng CSVC, để chuẩn bị cho năm học mới, các huyện, thị xã, thành phố còn phối hợp với các đơn vị, nhà tài trợ cấp học bổng, trang bị sách giáo khoa (SGK), vở cho HS, đặc biệt là HS dân tộc thiểu số (DTTS). Ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học mới, phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường học trang bị đầy đủ SGK cho HS (1 bộ SGK/HS) và sách GV. Riêng những đối tượng HS DTTS không thuộc diện được hưởng theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện dùng ngân sách huyện chi hỗ trợ vở để các em có đầy đủ đồ dùng học tập bước vào năm học mới”. Ông Nguyễn Ta - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa cho biết: “Ngoài việc phát SGK cho HS là đối tượng con thương binh, liệt sĩ, Phòng còn chỉ đạo thư viện các trường phát huy Tủ SGK tình thương của trường cho những HS chưa có hay chưa đủ bộ SGK để học”. Bên cạnh việc chăm lo SGK, cấp phát vở cho HS, những ngày qua, Tỉnh đoàn, Hội Khuyến học các cấp cùng với nhiều nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ đã trao hàng ngàn suất học bổng trị giá hàng chục triệu đồng cho HS nghèo hiếu học… Việc làm trên đã tháo gỡ một phần khó khăn cho các bậc PH HS, giúp đỡ nhiều HS có cơ hội tiếp tục học tập.

Một mùa Thu tựu trường lại về, khắp nơi nơi đang náo nức chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Cô Huỳnh Thị Huyền Quyên - GV Trường TH Sơn Bình (Khánh Sơn) cho biết, đây là năm thứ hai cô dạy ở Khánh Sơn. Trường TH Sơn Bình có 1 điểm trường chính và 4 điểm trường phụ, nơi cô dạy là điểm trường Cà Giàng, một trong những điểm trường còn khó khăn về CSVC. Cô Huyền Quyên chia sẻ: “Năm học 2011 - 2012, điểm trường Cà Giàng có 4 GV và 40 HS, đa số là HS DTTS. Trong đó, HS lớp 1 có 10 em. Từ ngày 29-8, các em HS đã tựu trường. GV ở đây rất vui vì các em HS đến trường đông đủ. Tuy không có quần áo mới hay đồng phục như HS ở đồng bằng nhưng các em đã được cấp phát SGK, vở học đầy đủ. Thầy trò Trường TH Sơn Bình đã sẵn sàng cho một năm học mới. Tuy phải đi đoạn đường xa hơn 4 cây số và phải lội suối để đến lớp nhưng nhìn những đôi mắt trong veo, chân đất đến trường của HS, chúng tôi lại có thêm động lực để bám lớp, bám trường…”.

 … vẫn còn nỗi lo trước thềm năm học mới

Học sinh Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang) vui mừng trong ngày tựu trường.

Mấy hôm nay, chị Đỗ Thị Hương (trú 434 tổ 6 Hà Ra, phường Vĩnh Phước, Nha Trang) phải chạy đôn chạy đáo vay mượn bà con ít tiền để chuẩn bị cho cậu con trai lớn vào đại học (ĐH) và cậu con trai út năm nay lên lớp 11. Dư Đỗ Văn Trung Hiếu (HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) - con trai chị Hương đỗ một lúc hai trường ĐH: Bách khoa TP. Hồ Chí Minh (26,5 điểm) và Y dược TP. Hồ Chí Minh (27 điểm). Tin vui quá lớn nhưng nỗi lo tiền học cho con đã khiến cho vợ chồng nghèo không có nổi nụ cười. Chị Hương tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo ở phường Vĩnh Phước. Ngoài việc buôn bán lặt vặt trong nhà, tôi còn làm cán bộ dân phố ở tổ, thu nhập chỉ gần 2 triệu đồng/tháng. Chồng tôi bị bệnh nên cả nhà sống dựa vào nguồn thu nhập ấy. Nghe tin con đậu ĐH, mừng và tự hào lắm; tuy nhiên, cả nhà đang lo không kham nổi mấy năm nuôi thằng Hiếu học ĐH, rồi em nó còn 2 năm cuối cấp? Vừa rồi, Hiếu được UBND tỉnh thưởng 2 triệu đồng, tôi vay mượn bà con xung quanh thêm ít tiền, cũng tạm đủ để em nó lo tiền học phí. Tuy nghèo nhưng gia đình vẫn quyết tâm cho con vào ĐH”. Cũng giống như chị Hương, mấy ngày nay, chị Lại Thị Chiến (xã Ninh Trung, huyện Ninh Hòa) lo lắng chuẩn bị cho 2 con đi học. Nhà nghèo, lại mất sức lao động, 3 mẹ con chị sống nhờ vào mảnh ruộng rau muống sau nhà. Con gái lớn của chị vừa thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi, Ninh Hòa. Chị Chiến cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, mấy mẹ con phải chạy đến người quen khắp nơi để mượn lại một số đồ dùng học tập như: sách, bàn, ghế… “Cứ đến năm học mới là gia đình lại lo! Tiền học của các cháu ngày càng tăng, mà tiền làm ra thì chẳng được bao nhiêu. Thôi thì đành đi mượn lại đồ dùng để bớt được chút tiền. Bây giờ, học hành khác trước rất nhiều, nào học thêm, đóng quỹ, con mình mà không có thì cũng khổ. Đầu năm học, rất nhiều thứ phải lo. Nếu tính cả 2 đứa, từ chi phí sách vở đến quần áo đồng phục… cũng ngót nghét hơn 1 triệu đồng”, chị Chiến tâm sự.

Không chỉ lo toan về sách vở, đồng phục HS, nỗi lo về trường lớp, chất lượng, chương trình dạy học, đạo đức HS, bạo lực học đường, các khoản thu đầu năm… trước thềm năm học mới vẫn luôn canh cánh trong lòng mỗi PH HS. Chính vì vậy, với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, trước thềm năm học 2011 - 2012, ông Lê Tuấn Tứ khẳng định, toàn ngành sẽ tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá HS một cách thiết thực, cụ thể để phấn đấu tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, rõ ràng hơn so với năm học trước. Cụ thể, phải phấn đấu chấm dứt một cách căn bản tình trạng “dạy chay”, “học chay” ở tất cả trường học; tập trung rà soát chương trình, SGK nhằm điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải; toàn ngành phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho HS; chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…

Tin rằng với một khí thế mới và sự hỗ trợ của toàn xã hội, nhất định toàn ngành Giáo dục sẽ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm học 2011 - 2012.

THU HIỀN