Rừng ngập mặn là hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học và năng suất cao ở vùng nhiệt đới. Rừng ngập mặn có chức năng quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ của sông, biển, chống sói lở, bảo vệ đê điều, ruộng vườn, nhà cửa…,
Rừng ngập mặn (RNM) là hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học và năng suất cao ở vùng nhiệt đới. RNM có chức năng quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ của sông, biển, chống sói lở, bảo vệ đê điều, ruộng vườn, nhà cửa…, đồng thời điều hòa khí hậu cho khu vực. Thế nhưng, với tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự tăng nhanh dân số, quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý, diện tích RNM trên địa bàn tỉnh đang ngày càng thu hẹp, đứng trước nguy cơ bị hủy hoại…
. Rừng ngập mặn nhường chỗ cho vùng nuôi thủy sản
Hiện tại ở Khánh Hòa chỉ còn hơn 104ha RNM, phân bố rất phân tán trong phạm vi toàn tỉnh, hầu hết là trong vùng nuôi trồng thủy sản của các hộ dân. Đây là kết quả khảo sát mới nhất của Đề án “Điều tra thống kê diện tích, thành phần loài, đánh giá hiện trạng phân bố hệ sinh thái RNM…” của các cán bộ nghiên cứu Sở Tài nguyên - Môi trường. Trong tổng số hơn 104ha RNM có 17,70ha ở vùng ven bờ vịnh Vân Phong; 37,33ha ở vùng đầm Nha Phu; 15,64ha ở vùng cửa sông Vĩnh Trường (Nha Trang), 14,30ha ở vùng ven đầm Thủy Triều; 19,11ha ở vùng ven bờ vịnh Cam Ranh. Theo kết quả khảo sát, đã xác định được 34 loài cây ngập mặn ở các vùng RNM trong tỉnh, trong đó có các loài phổ biến như: đước, đưng, bần trắng, mắm trắng, mắm biển…
Hệ sinh thái RNM hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do con người đã phá RNM để xây dựng ao, đìa nuôi thủy sản, xây dựng đồng muối… và khai thác quá mức, khai thác mang tính hủy diệt, khiến diện tích RNM bị thu hẹp. Điều này dẫn đến việc mất nơi cư trú, sinh sản của nhiều loài thủy sản có giá trị. Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ bị suy giảm dẫn đến đời sống của một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng. Ở các địa phương Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh - những nơi phân bố của RNM, hiện diện tích RNM suy giảm nghiêm trọng. Do thiếu hiểu biết hoặc thiếu ý thức, người dân đã phá RNM để làm nhà, làm ao, đìa nuôi trồng thủy sản, phá hủy điều kiện sống của các loài cây đước, bần… Tại TP. Nha Trang, đa số người dân từng sinh sống trong khu vực có RNM cho biết diện tích RNM giảm rất nhiều so với trước, nguyên nhân chính là do nuôi trồng thủy sản. Phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển nhanh đã biến RNM thành những đìa nuôi tôm, chủ yếu là ở khu vực giáp hạ lưu sông Tắc. Khi phong trào nuôi tôm công nghiệp suy giảm, người dân lại biến các ao đìa bỏ hoang thành đất ở. Có nơi trước đây là RNM, nay đã bị san lấp, xây dựng thành khu đô thị mới Phước Long. Có thể nói, RNM ở TP. Nha Trang đã bị tàn phá nặng nề, khó có khả năng phục hồi, thậm chí sẽ biến mất hoàn toàn do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày càng lớn, đặc biệt là đất ở.
. Làm gì để bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn?
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy RNM ở Khánh Hòa đang bị suy thoái do tác động của con người và thiên nhiên. Mất RNM sẽ gây ra nhiều hậu quả như: sói lở bờ biển, sạt lở ao, đìa, gia tăng dịch bệnh gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản; suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ, tăng khả năng xâm nhập mặn… Những năm gần đây, do nhận thức được giá trị của RNM, người dân ở một số địa phương như thôn Tân Đảo (Ninh Ích - Ninh Hòa), thôn Tuần Lễ (Vạn Ninh)… đã trồng lại các dải cây ngập mặn hoặc trồng rừng phục hồi RNM nhưng diện tích không đáng kể. Theo Đề án “Điều tra thống kê diện tích, thành phần loài, đánh giá hiện trạng phân bố hệ sinh thái RNM…”, cần phải có những giải pháp đồng bộ để tăng cường quản lý và sử dụng bền vững hệ sinh thái RNM trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cần phải nâng cao năng lực quản lý tài nguyên đa dạng sinh học trên toàn vùng biển của tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên RNM. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình nghiên cứu, giám sát và phục hồi hệ sinh thái RNM với sự tham gia, hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức quốc tế. Qua kết quả nghiên cứu, có thể nhận thấy một số địa điểm ưu tiên cần được quản lý và trồng rừng phục hồi RNM như: RNM Tuần Lễ , RNM thôn Tân Đảo, RNM Mỹ Ca (xã Cam Hải Đông), RNM ở vùng đỉnh đầm Thủy Triều (xã Cam Hòa, Cam Lâm), RNM Đầm Bấy (Nha Trang)… Đồng thời có thể thành lập những khu bảo tồn RNM ở các khu vực trên.
Tuy nhiên, để kế hoạch quản lý và phục hồi RNM có hiệu quả, cần phải có nguồn tài chính bền vững. Mặt khác, quá trình thực hiện kế hoạch quản lý và bảo tồn sẽ hình thành những vùng bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có một số hoạt động khai thác của người dân không được phép hoạt động trong khu vực như: đánh mìn, giã cào, xung điện, lờ dây… Do đó, chính quyền cần phải có giải pháp hỗ trợ, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, tạo được sự đồng thuận để cùng bảo tồn và phát triển hệ sinh thái RNM.
P.V