01:09, 09/09/2011

Hướng đi mở cho lao động nông thôn

Với lợi thế nằm trong Khu Kinh tế Vân Phong, những năm gần đây, kinh tế - xã hội huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) không ngừng tăng trưởng.

Với lợi thế nằm trong Khu Kinh tế Vân Phong, những năm gần đây, kinh tế - xã hội (KT-XH) huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) không ngừng tăng trưởng. Để tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, mới đây, UBND huyện đã xây dựng Đề án Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện đến năm 2020. Đây là hướng đi mở cho LĐNT tại địa phương có cơ hội lựa chọn nghề nghiệp nhằm ổn định kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

. Còn nhiều lao động chưa qua đào tạo

Giai đoạn 2006 - 2010, bình quân số người trong độ tuổi LĐ ở huyện Vạn Ninh tăng khoảng 2.600 người/năm. Trong đó, so với lực lượng LĐ tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên có 50% LĐ đã qua đào tạo, 35% LĐ đã qua ĐTN. Thời gian qua, chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển thủy sản cùng với các chính sách đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh được thực hiện ở địa bàn Vạn Ninh đã tạo động lực mới cho nông, lâm, ngư nghiệp nơi đây phát triển toàn diện; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực. Ngành Nông, lâm nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm ổn định; bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 2.300 LĐ. Từ năm 2006 đến 2010, toàn huyện giải quyết việc làm cho 11.484 LĐ. Tuy nhiên, số lượng LĐ chưa qua đào tạo vẫn còn lớn, mặc dù mạng lưới dạy nghề đã có những bước chuyển đổi như: vừa học, vừa thực hành; chuyển đổi theo nhu cầu LĐ… Theo lãnh đạo huyện Vạn Ninh, thời gian qua, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn chưa thu hút được LĐ học nghề do các khu công nghiệp đang còn trong giai đoạn khởi động; sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề chưa đạt hiệu quả cao; mạng lưới dạy nghề trên địa bàn còn ít. Bên cạnh đó, một số LĐ sau khi học nghề phải tự tìm việc làm ở địa phương khác nên người LĐ chưa mặn mà với việc học nghề.

 Đào tạo nghề trồng nấm bào ngư trên rơm ở huyện Vạn Ninh.

Thế nhưng hiện nay, với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhu cầu tuyển dụng LĐ đã qua đào tạo từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn ở Vạn Ninh. Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng huyện, hiện nay, số LĐNT ở Vạn Ninh có nhu cầu học nghề lên đến 6.998 người/năm. Trong đó, đăng ký học nghề thường xuyên 4.033 người/năm, sơ cấp nghề hơn 2.096 người/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mạng lưới dạy nghề trên địa bàn Vạn Ninh còn ít, mỗi năm chỉ đào tạo khoảng 2.930 LĐ. Đây là áp lực đối với việc đào tạo gia tăng chất lượng và số lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

. Hướng mở cho lao động nông thôn

Từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ĐTN cho LĐNT đến năm 2020, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã “đặt hàng” Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh đào tạo 2 mô hình nghề thí điểm cho LĐNT địa phương gồm: Bóc tách hạt điều (xã Vạn Thắng), trồng nấm bào ngư trên rơm (xã Vạn Phú). Bước đầu, những LĐ đã qua đào tạo ở 2 mô hình này đã có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn. Theo ông Mạc Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh, các nghề được đào tạo cho LĐNT đều dựa trên nhu cầu sử dụng LĐ của các cơ sở sản xuất và nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương. Sau khi được đào tạo, người LĐ đã có việc làm ổn định, sản phẩm làm ra đều được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu. Với những kết quả đạt được bước đầu, hiện nay, trường đang tiếp tục đào tạo nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư trên rơm; đồng thời thí nghiệm mô hình nuôi ếch thương phẩm. Nếu mô hình nuôi ếch thương phẩm thành công, trường sẽ nhân rộng trong năm 2012.

Với vị trí chiến lược nằm trong Khu Kinh tế Vân Phong, thời gian tới, KT-XH Vạn Ninh sẽ tiếp tục phát triển. Song song với sự phát triển đó, đòi hỏi nguồn nhân lực cũng phải được nâng cao về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nông thôn mới. Việc UBND huyện Vạn Ninh có Quyết định 659/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án ĐTN cho LĐNT đến năm 2020 trên địa bàn huyện là một hướng đi chiến lược để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Trong đó, địa phương chú trọng LĐNT trong độ tuổi LĐ, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề; ưu tiên dạy nghề cho người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác. Theo lãnh đạo UBND huyện, từ các mô hình đào tạo đi trước, các cơ quan chức năng huyện và cơ sở sẽ làm cho người LĐ thấy rằng, việc học nghề sẽ tạo việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thành công Đề án, huyện khuyến khích các cơ sở dạy nghề (công lập và ngoài công lập) mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đào tạo nâng cao cho cán bộ, giáo viên, nâng cấp trường lớp; thực hiện ưu đãi đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 61/2000/NĐ-CP ngày 4-6-2010 của Chính phủ nhằm tích cực công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

L.H.T

Tổng kinh phí thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT ở huyện Vạn Ninh giai đoạn 2011 - 2020 hơn 90,9 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 58,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 32,1 tỷ đồng).

- Giai đoạn 2011 - 2015: ĐTN cho 15.000 người; trong đó, số người được đào tạo ở khu vực nông thôn là 1.250 người/năm; tỷ lệ LĐ có việc làm sau khi học nghề là 70%.

- Giai đoạn 2016 - 2020: ĐTN cho 20.000 người; trong đó, số người được đào tạo ở khu vực nông thôn là 1.270 người/năm; tỷ lệ LĐ có việc làm sau khi học nghề là 80%.