Vừa qua, hội thảo khoa học đầu tiên về đề tài đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức đã đi đến kết luận chung về tiềm năng phong phú của tài nguyên rừng Khánh Hòa.
Vừa qua, hội thảo khoa học đầu tiên về đề tài đa dạng sinh học (ĐDSH) rừng Khánh Hòa do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức đã đi đến kết luận chung về tiềm năng phong phú của tài nguyên rừng Khánh Hòa. Tuy nhiên, làm sao bảo vệ nguồn ĐDSH này không bị thu hẹp trước các nguy cơ biến đổi khí hậu và tình trạng lạm thác, xâm hại của con người là một thách thức lớn…
Khánh Hòa là địa phương có địa hình khá phức tạp: hơn 70% là diện tích đồi núi với cao độ biến đổi. Tỉnh còn có bờ biển kéo dài đến 385km với nhiều đầm, vịnh và trên 200 đảo ngoài khơi. Sự khác biệt về cao độ, điều kiện tự nhiên của từng khu vực là tiền đề làm nên sự đa dạng, phong phú của các hệ sinh thái và các kiểu thảm thực vật rừng.
Phân bố ở vị trí thấp nhất là các dãy rừng ngập mặn (RNM). So với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, hệ thực vật RNM Khánh Hòa rất phong phú với khoảng 30 loài. Bên cạnh khá nhiều loài cây ngập mặn điển hình như: Đước đôi, Bần trắng, Vẹt dù, Mắm đen, Mắm biển, Dà, Xu ổi, Cóc đỏ…; ngay sát phía sau các dãy RNM còn có nhiều thành phần đáng chú ý khác như: Bàng vuông, Phong ba, Cam đường và quần thể Tràm… Riêng khu vực bán đảo Cam Ranh là nơi hiện diện duy nhất của thảm thực vật Rừng còi ở vùng đồi cát ven biển rất độc đáo, có sự tham gia của một số cây gỗ có giá trị như Chai lá cong, Sao lá hình tim, Gõ biển, Dầu Côn Đảo. Ngoài ra, Rừng còi ở hải đảo là tên gọi của thảm thực vật phân bố ở các vùng đảo có nhiều đá nổi như Hòn Tre, Hòn Gốm; gồm phần lớn là cây bụi, dây leo và gỗ nhỏ.
Phân bố ở cao độ thấp (dưới 50m) là thảm thực vật Rừng bình nguyên với thành phần phổ biến là các trảng cây bụi và cây gỗ. Bên cạnh đó có nhiều hình thái đáng quan tâm hiện đang dần bị tiêu diệt như: Trảng Dầu rái (hình ảnh còn sót lại duy nhất hiện giờ là cây Dầu đôi ở Diên Khánh), Rừng Mun ở xã Cam Thịnh (TP. Cam Ranh). Tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) tồn tại Kiểu rừng khô hạn bán thay lá với sự hiện diện của quần thể có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu khoa học: Căm xe. Phân bố ở độ cao dưới 1.000m, Kiểu rừng nhiệt đới núi thấp đa dạng hơn về thành phần loài, đặc biệt là sự tồn tại của quần thể Thông nhựa - Thông 2 lá xuất hiện ở độ cao 400 - 500m (Ba Cụm Nam - Khánh Sơn, Hòn Hèo - Ninh Hòa). Hiện diện từ độ cao trên 1.000m, Kiểu rừng dày ẩm thường xanh hỗn giao cây lá rộng và lá kim có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại ở khu vực giáp ranh cao nguyên Đắc Lắc như Sơn Thái - Giang Ly (Khánh Vĩnh) và Hòn Bà…
Theo kết quả điều tra năm 1988 của Viện Điều tra quy hoạch rừng, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 loài thuộc 161 họ và 559 chi. Trong đó, nhiều loại cây quý hiếm đặc trưng cho từng khu vực như kể trên, đồng thời có nhiều loài có nguồn gốc từ những niên đại xa xưa vẫn tồn tại đến nay như: Tuế Lược, Ráng tiên tọa. Gần đây, Tiến sĩ L.Skornick (Cộng hòa Séc) đã phát hiện loài Lõa Tùng (loài có niên đại xưa nhất trong các loài cây dương xỉ) tại Hòn Bà ở độ cao 1.500m. Không chỉ đa dạng về loài, thực vật, rừng Khánh Hòa còn tồn tại nhiều nguồn gen quý hiếm. Cụ thể như: Dó bầu, Lan hài hồng, Mây hèo. Ngoài ra, gần đây các chuyên gia trong và ngoài nước đã phát hiện và công bố thêm một số loài mới như: Sa nhân giác, Hùng lan Yang Bay và một số loài quý hiếm đang chờ được giám định.
Bên cạnh nguy cơ về biến đổi khí hậu, sự phong phú, quý hiếm về nguồn gen và đa dạng giá trị sử dụng là nguyên nhân khiến tài nguyên rừng Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ thu hẹp và hủy diệt trước tình trạng lạm thác, xâm hại của con người. Các chuyên gia ngành Lâm nghiệp cho biết: “Theo các tài liệu cũ, trước năm 1975, diện tích RNM tại Khánh Hòa rất lớn (trên 2.000ha), tập trung tại các khu vực đầm như: đầm Môn, đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều và một số đảo ven bờ. Tuy nhiên, do phong trào nuôi trồng thủy sản bùng phát và thiếu quản lý, diện tích RNM ngày càng suy giảm nghiêm trọng, hiện tại chỉ còn khoảng 30ha mọc tập trung và gần 70ha mọc phân tán. Bên cạnh đó, nhiều loài cây giá trị, quý hiếm như Gõ đỏ, Trắc dây, Cẩm lai vú, Dó bầu, Bá bịnh, Lan hài, Lan kim tuyến… đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt trong tự nhiên”. Tại hội thảo khoa học “ĐDSH rừng Khánh Hòa - Thực trạng và giải pháp”, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng: Tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển tiềm năng ĐDSH rừng là vấn đề cấp bách đặt ra. Đồng thời, nên xây dựng quy hoạch về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên ĐDSH rừng; tiến tới xã hội hóa nghề rừng, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư vào du lịch sinh thái nhằm quảng bá, tuyên truyền giá trị ĐDSH của tỉnh đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước, tạo nguồn thu cho công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, phối hợp đồng bộ với các ngành liên quan trong quản lý, bảo tồn, sử dụng gắn với việc tăng cường biện pháp bảo vệ các nguồn gen quý hiếm… đó là các giải pháp chiến lược nhằm duy trì và phát triển tiềm năng giá trị ĐDSH rừng nói chung, thực vật rừng nói riêng cho tương lai.
NGUYỄN NGỌC