03:09, 03/09/2011

Vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 5-9, ngày khai giảng năm học mới 2011 - 2012. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã hoàn tất.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 5-9, ngày khai giảng năm học mới 2011 - 2012. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã hoàn tất. Bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ giáo viên (GV), ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng các địa phương trên toàn tỉnh đang tiếp tục công tác vận động học sinh (HS) đến lớp, duy trì các chế độ đối với HS dân tộc thiểu số (DTTS), HS có hoàn cảnh khó khăn… để tạo điều kiện cho các em đến trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn rất nhiều khó khăn về CSVC trước thềm năm học mới.

 Đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tình hình chuẩn bị năm học mới tại huyện Khánh Sơn. Trong ảnh: Khảo sát phòng học của Trường Tiểu học Sơn Bình vừa được xây mới.

Còn ít ngày nữa là đến ngày 5-9, ngày khai giảng chính thức năm học mới 2011 - 2012 và là “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, nhưng ngay từ ngày 15-8, HS các cấp học đã đồng loạt tựu trường. Năm học 2011 - 2012, toàn tỉnh có 32 trường trung học phổ thông (THPT), 104 trường trung học cơ sở (THCS), 189 trường tiểu học (TH) và 175 trường mầm non (MN) với hơn 261.500 HS. Trong đó, ngành học MN có gần 49.000 cháu; bậc TH có hơn 100.000 HS; bậc THCS có gần 71.000 HS và bậc THPT có gần 39.000 HS. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT cùng các địa phương trong toàn tỉnh đã ráo riết triển khai việc nâng cấp, xây dựng trường lớp, đồng thời có kế hoạch bổ sung và bồi dưỡng đội ngũ GV. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng HS phải đi học nhờ, học tạm do thiếu trường, thiếu lớp. Tình trạng thiếu GV do công tác tổ chức chậm chạp cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các trường ngay từ đầu năm.

. Vẫn còn tình trạng Học sinh học nhờ, học tạm…

Chưa đến ngày khai giảng năm học mới nhưng học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (TP. Cam Ranh) đã bước vào chương trình học tập.

Năm học 2011 - 2012, toàn TP. Cam Ranh có 50 trường học với gần 29.000 HS. Chuẩn bị cho năm học 2011 - 2012, từ nguồn vốn kiên cố hóa, ngành GD-ĐT TP. Cam Ranh đã được đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng 39 phòng học mới. Đặc biệt, tại xã đảo Cam Lập - nơi đang gặp khó khăn về trường lớp, công trình xây dựng 2 phòng học tại điểm trường Bãi Ngang để học các lớp nhô THCS (giá trị đầu tư 500 triệu đồng) và 2 phòng học, cổng, tường Trường Mẫu giáo Cam Lập (giá trị đầu tư 814 triệu đồng) đang được gấp rút thi công để kịp đưa vào sử dụng đầu năm học mới. Ông Nguyễn Khiêm, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Cam Ranh cho biết: “Tuy đã được đầu tư xây dựng trường lớp nhưng trong năm học này vẫn còn hơn 200 HS (8 lớp) của Trường THCS Cam Thịnh Tây phải học nhờ phòng học của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú do tiến độ xây dựng Trường THCS Cam Thịnh Tây quá chậm, làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của GV và HS”.

Còn tại huyện Khánh Sơn, để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT huyện đã sửa chữa, nâng cấp Trường THCS Sơn Lâm với kinh phí 500 triệu đồng; UBND huyện đã đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp Trường TH Sơn Bình (xã Sơn Bình) với quy mô xây dựng 10 phòng học, khu vệ sinh, tường rào và sân chơi, hiện nay đã hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm học mới. Ngoài ra, bằng nguồn vốn tự chủ, các trường trên địa bàn huyện đã chủ động tu sửa và mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc học tập và giảng dạy trong năm học 2011 - 2012. Điều đáng mừng là năm học này, huyện đã đầu tư xây dựng và thành lập mới Trường THCS Sơn Bình (tại xã Sơn Bình) để tạo điều kiện thuận lợi cho HS đi học. Trước đây vì chưa có trường THCS nên HS ở xã Sơn Bình phải học ở Trường THCS Sơn Lâm, mà khoảng cách từ Sơn Bình đến Sơn Lâm khá xa, nhiều HS phải đi đoạn đường dài gần 10 cây số để đến trường. Được biết, công trình Trường THCS Sơn Bình có quy mô 12 phòng học với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm nên hiện nay công trình này vẫn còn đang thi công. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2012 và đi vào hoạt động trong năm học 2012 - 2013.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn than thở: “Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp là vấn đề khó khăn nhất mà ngành GD-ĐT Khánh Sơn phải đối mặt suốt nhiều năm qua”. Ông Lâm cho biết, năm học này, HS THCS tại xã Thành Sơn lại phải tiếp tục học tại Trường THCS Sơn Lâm vì xã Thành Sơn không có trường THCS. Để tạo điều kiện cho các em đến trường được gần hơn vì khoảng cách từ Thành Sơn xuống Sơn Lâm cũng khá xa, Phòng GD-ĐT huyện quyết định thành lập cơ sở 2 của Trường THCS Sơn Lâm tại xã Thành Sơn nhưng cũng không thực hiện được vì không có phòng học. “Phòng GD-ĐT huyện định mượn phòng học của Trường TH Thành Sơn nhưng hiện nay Trường TH Thành Sơn còn thiếu phòng để học (24 lớp nhưng có 23 phòng học) thì lấy đâu cho mượn?”, ông Lâm nói. Không chỉ thế, hiện nay cơ sở 2 của Trường THCS Ba Cụm Bắc (tại xã Ba Cụm Nam) không có, phải mượn phòng học của Trường TH Ba Cụm Nam nên Trường TH Ba Cụm Nam phải giảm từ 10 lớp xuống còn 5 lớp học 2 buổi/ngày. Cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường MN Vành Khuyên (xã Sơn Bình) cho biết: “Năm học này, trường có 215 cháu/11 lớp, trong đó trẻ là DTTS tới 174 cháu. So với năm học trước, tỷ lệ trẻ ra lớp tăng nhưng hiện nay trường không đủ phòng học. Tại điểm trường chính chỉ có 5 phòng học/6 lớp, ngoài ra trường còn có 5 điểm trường lẻ nhưng tất cả đều phải mượn tạm phòng học của trường TH và mượn nhà cộng đồng, nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức chăm sóc GD trẻ cũng như quản lý CSVC”.

 … và thiếu giáo viên

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phương Sài (Nha Trang) háo hức chuẩn bị vào năm học mới.

Trong chuyến đi kiểm tra tình hình chuẩn bị năm học mới 2011 - 2012 do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, bên cạnh khó khăn về CSVC, trường lớp, theo báo cáo của các Phòng GD-ĐT, tình trạng thiếu GV, nhân viên cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các trường ngay từ đầu năm. Cụ thể, tại TP. Nha Trang, số GV, nhân viên còn thiếu là 211 người, trong đó GV 99 người (MN: 46, TH: 46, THCS: 7); Khánh Vĩnh thiếu 165 GV (MN: 59, TH: 75, THCS: 31); Cam Lâm thiếu 37 GV và 52 nhân viên; Vạn Ninh thiếu 67 GV (MN: 12, TH: 41, THCS: 14); Khánh Sơn thiếu 45 GV (MN: 20, TH: 21, THCS: 4) và Cam Ranh thiếu 22 GV các cấp dạy học ở xã đảo Cam Bình, Cam Lập…

Bên cạnh lý do không có nguồn tuyển, GV thuyên chuyển từ miền núi về đồng bằng…, nguyên nhân của việc thiếu GV, nhân viên là do các địa phương tổ chức xét tuyển, thi tuyển chậm nên hiện nay những trường thiếu GV, nhân viên vẫn chưa được bổ sung kịp thời để vào dạy trước khai giảng. Ví dụ như huyện Cam Lâm, thời gian phát hành và tiếp nhận hồ sơ dự tuyển từ ngày 15 đến 30-8-2011, từ ngày 31-8 đến 7-9-2011 mới tiến hành xét tuyển và trước ngày 15-9-2011 mới công bố kết quả tuyển dụng. Dự kiến ngày 20-9-2011, các đơn vị trường học mới tiến hành ký hợp đồng làm việc đối với viên chức trúng tuyển. Hoặc như TP. Nha Trang hiện nay mới đang phát hành hồ sơ thi tuyển viên chức, nhân viên và trong tháng 9-2011 mới tiến hành thi tuyển để đảm bảo tỷ lệ GV/lớp theo quy định.

Theo kế hoạch năm học 2011 - 2012, từ ngày 15-8, các trường THCS trên địa bàn tỉnh tổ chức tựu trường và bắt đầu chương trình tuần thứ nhất vào ngày 22-8; các trường MN, TH tổ chức tựu trường vào ngày 22-8 và bắt đầu chương trình tuần thứ nhất vào ngày 29-8. Để thực hiện theo kế hoạch này, các trường phải tổ chức, sắp xếp phân công giảng dạy GV/lớp ngay từ giữa tháng 8. Chính vì vậy, với những trường còn thiếu GV thì việc tổ chức, sắp xếp sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác dạy và học ngay từ đầu năm. Ông Nguyễn Khiêm, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Cam Ranh đề nghị: “Những năm học tới cần thực hiện sớm việc thuyên chuyển GV trong tháng 7 và xét tuyển GV đầu tháng 8 để các trường ổn định hoạt động dạy và học ngay từ đầu năm. Sau khi có nghị quyết của HĐND tỉnh, đề nghị Phòng Nội vụ có trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố tạm thời giao chỉ tiêu biên chế cho các trường lập kế hoạch xét tuyển”.

Bên cạnh vấn đề thiếu GV, năm học này các trường học trong tỉnh còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên văn phòng, đặc biệt là nhân viên y tế học đường. “Đây là vấn đề mà Phòng đang rốt ráo tìm hướng giải quyết” - ông Nguyễn Khiêm nói. Còn ông Bùi Hữu Hóa, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Vĩnh cho rằng: “Nhiều GV trẻ ở xa đã tình nguyện lên miền núi giảng dạy nhưng hiện nay vẫn còn khó khăn về nơi ăn chỗ ở, nhiều trường học chưa có nhà công vụ cho GV ở, khiến GV chưa thể yên tâm công tác phục vụ lâu dài cho sự nghiệp GD miền núi”.

Tuy còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng theo báo cáo của các Phòng GD-ĐT, tất cả các trường học trên địa bàn đều đã sẵn sàng cho năm học mới. Tỷ lệ huy động HS ra lớp ở các địa phương đều đạt trên 98%.

THU HIỀN