12:09, 14/09/2011

Chẩn đoán vỡ bàng quang bằng phương pháp siêu âm tại giường

Phương pháp này lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và đã đem lại hiệu quả rõ rệt: dễ thực hiện, dụng cụ đơn giản, rẻ tiền, các bác sĩ siêu âm đều làm được, không cần phải có các lớp huấn luyện phức tạp, đặc biệt tỉ lệ chẩn đoán chính xác 100%.

Phương pháp này lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và đã đem lại hiệu quả rõ rệt: dễ thực hiện, dụng cụ đơn giản, rẻ tiền, các bác sĩ (BS) siêu âm đều làm được, không cần phải có các lớp huấn luyện phức tạp, đặc biệt tỉ lệ chẩn đoán chính xác 100%. Đây là phương pháp mới do BS Lê Thương, Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu và được áp dụng tại BVĐK tỉnh từ năm 2010 đến nay.

Ngày 10-9, chúng tôi vào thăm bệnh nhân (BN) Huỳnh Thanh Hóa (19 tuổi ở phường Cam Lợi, Cam Ranh) khi BN này đang được điều trị các chấn thương do tai nạn giao thông tại Khoa Ngoại Tổng quát BVĐK tỉnh. Các BS cho biết, khi nhập viện, anh Hóa bị gãy chân trái, chấn thương bụng kín nghi ngờ vỡ bàng quang (BQ) nên các BS đã áp dụng sáng kiến của BS Lê Thương: chẩn đoán vỡ BQ bằng phương pháp siêu âm tại giường kết hợp bơm dung dịch NaCl 0,9% vào BQ, kết quả BQ của anh Hóa không bị vỡ. Hiện anh Hóa đang được điều trị các chấn thương thận, lách tại Khoa Ngoại Tổng quát BVĐK tỉnh.

Bác sĩ Lê Thương đang khám cho bệnh nhân Huỳnh Thanh Hóa.
Được biết, anh Hóa chỉ là một trong số hàng chục BN được chẩn đoán vỡ BQ bằng phương pháp siêu âm tại giường kết hợp bơm dung dịch NaCl 0,9% vào BQ tại BVĐK tỉnh từ năm 2010 đến nay. BS Lê Thương, người đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến này cho biết, bệnh lý vỡ BQ chấn thương gồm 2 nhóm: vỡ BQ trong phúc mạc, chiếm 90 - 95% trường hợp, cần phải mổ cấp cứu; vỡ BQ ngoài phúc mạc, ít gặp (khoảng 5 - 10%) thường kèm theo vỡ xương chậu, loại này thường điều trị bảo tồn, không cần mổ. Trong bệnh lý vỡ BQ trong phúc mạc, BQ có lỗ vỡ lớn thông với khoang phúc mạc, như vậy nước tiểu sẽ tràn vào ổ phúc mạc. Từ trước đến nay, để chẩn đoán vỡ BQ, các tài liệu giáo khoa cũng như thực tế áp dụng ở các BV trong nước, thế giới là: chụp BQ ngược dòng có cản quang. Phương pháp này được thực hiện như sau: Đặt sone tiểu, bơm thuốc cản quang trực tiếp vào BQ sau đó ghi hình bằng chụp XQ hay CT Scan. Nếu BQ vỡ sẽ thấy thuốc cản quang thoát ra ngoài, đó là hình ảnh xác định chẩn đoán. Phương pháp này có nhược điểm là: phải di chuyển BN đến phòng chụp XQ, nhưng trong các trường hợp BN đa chấn thương, choáng nặng, phải thở máy ở hồi sức cấp cứu thì không thể làm được vì BN phải tránh di chuyển (ở các nước Âu Mỹ có hệ thống XQ tại chỗ); hình ảnh XQ hay CT Scan không phải luôn luôn rõ, có trường hợp phải chụp nhiều lần, thậm chí có trường hợp không kết luận được, độ chính xác của chẩn đoán chỉ đạt 90 -95%. Về mặt kinh tế, chi phí cho phương pháp này khá đắt: thuốc cản quang 1 lọ 350.000 đồng, phim chụp 3 - 4 tấm x 60.000 đồng/tấm, nếu chụp CT Scan thì 1,5 triệu đồng/lần; ngoài ra phương pháp này còn có nguy cơ shock phản vệ do thuốc cản quang rất nguy hiểm.

“Qua thực tế hàng ngày, thỉnh thoảng trong cấp cứu chúng tôi gặp các BN nghi ngờ vỡ BQ chấn thương, trong số đó có không ít BN đa chấn thương choáng nặng, đa chấn thương có chấn thương sọ não, hôn mê, thở máy. Đối với những BN này, việc chẩn đoán vỡ BQ rất khó khăn do không thể di chuyển BN đến phòng chụp XQ hoặc CT Scan. Vì thế, chúng tôi vận dụng nguyên tắc siêu âm BQ tại giường kết hợp bơm dung dịch NaCl 0,9% vào BQ. Phương pháp này có nhiều ưu điểm và khắc phục được các nhược điểm của phương pháp cũ”, BS Lê Thương nói.

Việc áp dụng phương pháp này rất đơn giản: Dụng cụ có sẵn tại các BV gồm: máy siêu âm thông thường, siêu âm bụng, 1 chai dung dịch NaCl 0,9%, 1 sonde Foley 16, 18F, bơm tiêm nhựa 50cc. Cách thực hiện tại giường bệnh: đặt sonde Foley niệu đạo - BQ, bơm 300 - 500ml dung dịch NaCl 0,9%, kết hợp siêu âm BQ trong lúc bơm. Kết quả: nếu BQ căng to chứng tỏ BQ không bị vỡ, ngược lại nếu BQ xẹp, BQ đã bị vỡ. Sau khi bơm, xả nước sonde Foley: nếu nước ra nhiều (300 - 500ml), chứng tỏ BQ không vỡ, ngược lại nếu nước ra ít hơn số lượng bơm vào chứng tỏ BQ đã bị vỡ.

Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện, dụng cụ đơn giản, rẻ tiền, có sẵn ở các BV, các BS siêu âm đều làm được, không cần phải có các lớp huấn luyện phức tạp. Thực tế từ năm 2010 đến 4 tháng đầu năm 2011, các BS Khoa Ngoại Tổng quát BVĐK tỉnh đã áp dụng phương pháp mới này cho 13 BN và đều có kết quả tốt. Trong số 13 BN có 11 BN bị vỡ BQ, 2 BN không vỡ BQ, tỉ lệ chính xác 100%. Đặc biệt, trong 13 BN có 6 BN đa chấn thương choáng nặng.

BS Nguyễn Văn Xáng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh đánh giá rất cao phương pháp này. Theo BS Xáng, lợi ích kinh tế xã hội của phương pháp này đã rõ. Về mặt y học, phương pháp này giúp chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cứu sống nhiều BN, giảm chi phí điều trị tại BV. Về kinh tế: 1 ca BN với phương pháp mới chỉ tốn 50.000 đồng, trong khi 1 ca với phương pháp cũ chi phí 600.000 đồng (chụp XQ) hoặc 2 triệu đồng (chụp CT Scan). Tuy nhiên, giá trị lớn nhất của phương pháp là làm được tại giường, không cần di chuyển BN, vì thế nó có thể dùng được đối với tất cả BN; hơn nữa độ chính xác của phương pháp này rất cao (100%). Phương pháp này đã được áp dụng thường quy tại BVĐK tỉnh từ năm 2010 và là sáng kiến lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

NGỌC KHÁNH