10:09, 06/09/2011

Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao

Theo Sở Y tế, đến thời điểm này, toàn tỉnh Khánh Hòa mới chỉ phát hiện 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng…

Ảnh minh họa 
Theo Sở Y tế, đến thời điểm này, toàn tỉnh Khánh Hòa mới chỉ phát hiện 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não (VMN) do não mô cầu. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng… Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với bệnh này vì cho dù được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỉ lệ tử vong do bệnh cũng chiếm từ 5 - 15%.

Bác sĩ Phan Thế Long (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như VMN tủy cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu, viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu. Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và (hoặc) viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5 - 10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng. Triệu chứng của bệnh gồm: sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện màng xuất huyết và sốc.

Bác sĩ Phan Thế Long cho biết, tác nhân gây bệnh VMN do não mô cầu là Neisseria meningitidis, còn gọi là meningococcus. Dựa vào những kháng nguyên polyozit, người ta chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C, D. Não mô cầu nhóm A, B thường hay gặp nhất. Ngoài ra, người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn có thể gây bệnh nặng. Sức đề kháng của vi khuẩn não mô cầu rất yếu, tuy ở trong dịch não tủy nhưng vi khuẩn chỉ sống được vài giờ khi ra ngoài cơ thể và sẽ bị diệt ở 56oC trong 30 phút hoặc 60oC trong 10 phút, tuy nhiên ở nhiệt độ -20oC vi khuẩn vẫn có thể sống được.

Bệnh VMN do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh thường phát tán và có thể gây dịch. Tỉ lệ mắc bệnh cao do vi khuẩn não mô cầu nhóm A tồn tại lâu dài ở vùng bán sa mạc Sahara ở miền Trung châu Phi. Mới đây, bệnh dịch não mô cầu nhóm A đã xảy ra ở Nepal, Ấn Độ và một số nước khác ở châu Á. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều nước ở châu Mỹ La-tinh như: Mỹ, Canada, Cuba, Brazil, Chi Lê, Argentina, Colombia… đã xảy ra các vụ dịch do vi khuẩn não mô cầu nhóm B và C. Ở Việt Nam, bệnh VMN do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi. Bệnh thường phát tán lẫn trong hội chứng VMN mủ và đã xảy ra dịch ở một số huyện miền núi các tỉnh phía Bắc. Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉ lệ mắc bệnh từ năm 1991 - 2000 ở Việt Nam là 2,3/100.000 dân và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ chết cao nhất. Bệnh tán phát quanh năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam bệnh có thể xảy ra dịch vào mùa Thu, Đông và Đông Xuân. Nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em và đây cũng là nhóm có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Bệnh VMN do não mô cầu lây trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Vì thế, để chủ động phòng, chống bệnh, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp mọi người hiểu rõ về bệnh, biết phát hiện bệnh sớm, cách ly và cộng tác với ngành Y tế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh (nơi ở sạch sẽ, thông thoáng); đồng thời tiêm vắc xin phòng bệnh…

KHÁNH QUỲNH