10:08, 13/08/2011

Người dân ít mặn mà với kế hoạch hóa gia đình

Đời sống của người dân xã đảo Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nay đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, vì thế, họ không e ngại chuyện sinh nhiều con.

Đời sống của người dân xã đảo Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nay đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, vì thế, họ không e ngại chuyện sinh nhiều con. Điều này đã làm cho Ninh Vân trở thành một trong những xã có tỷ suất sinh cao nhất thị xã Ninh Hòa trong năm 2010 với 21,2‰. Đây là khó khăn của xã trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Khi cán bộ dân số đến nhà vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, một số gia đình trên địa bàn xã đã phản ứng. Khi cán bộ phát tờ rơi tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, có người lại bảo: “Biết hết rồi, đừng phát nữa”. Đó là những câu chuyện buồn trong quá trình làm công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ mà bà Võ Thị Hòa - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã đảo Ninh Vân kể lại.

Xã đảo Ninh Vân hiện có 396 hộ, 1.726 nhân khẩu. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng tỏi, khai thác rong mơ, đánh bắt hải sản và chăn nuôi bò. Những năm trước đây, khi xã đảo Ninh Vân còn biệt lập với đất liền, đời sống người dân còn khó khăn. Do tập quán làm nghề biển nên họ sinh con rất đông, nhất là con trai để nối nghiệp đi biển của gia đình. Nhiều gia đình có tới 5 - 7 con. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi nghề trồng tỏi và khai thác rong mơ phát triển, người dân ăn nên làm ra, đặc biệt từ khi đường bộ từ xã Ninh Phước qua Ninh Vân bắt đầu lưu thông, công việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, đời sống kinh tế của người dân Ninh Vân đã thay đổi rất nhiều, làm ăn khấm khá hơn (có hộ thu nhập bình quân từ 500 - 700 ngàn đồng/ngày nhờ khai thác rong mơ). Tuy nhiên, trong tư tưởng người dân, nhận thức về vấn đề sinh đẻ có kế hoạch vẫn không thay đổi. Bà Võ Thị Hòa cho biết: “Trước đây, đời sống còn nghèo, mỗi khi vận động, bà con bảo rằng sinh đông để có người đi biển, kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Bây giờ, đời sống khá hơn, đi vận động, bà con lại nói có điều kiện thì sinh cho vui cửa vui nhà. Thậm chí, bà con còn đưa ra dẫn chứng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở xã rất thấp, ai cũng nuôi con khỏe, không ảnh hưởng gì đến xã hội”. Chính vì những cách nghĩ như vậy nên tình trạng sinh dày, sinh nhiều ở Ninh Vân vẫn tiếp diễn. Vì vậy, hiện nay, công tác vận động người dân trên địa bàn xã thực hiện tốt KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn. Mùa rỗi việc, mỗi khi vận động, người dân đến hưởng ứng chiến dịch còn đông, nhưng đến mùa bận công việc thì không ai hưởng ứng, mặc dù trước đó cán bộ DS-KHHGĐ đã đến từng nhà để vận động. Thậm chí có đợt tổ chức tuyên truyền, cán bộ DS-KHHGĐ xã phải xin lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã tổ chức vào ban đêm mới có người tham gia. Chính vì thế, so với các xã, phường khác của thị xã Ninh Hòa, Ninh Vân là một trong những xã có tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất thị xã: Năm 2010, tỷ suất sinh là 21,2‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 11,5%. Có nhiều gia đình sinh đến 4, 5 con nhưng hiện vẫn chưa thực hiện KHHGĐ. Theo thống kê, hiện nay, toàn xã chỉ có 210 phụ nữ thực hiện các biện pháp KHHGĐ, nhưng đôi khi thực hiện không liên tục. Chỉ tiêu triệt sản năm nào cũng được cấp trên giao thực hiện nhưng không đạt (năm 2010 không có ca nào triệt sản). Đặc biệt, qua các chiến dịch khám phụ khoa, phát hiện tỷ lệ phụ nữ ở đây mắc bệnh phụ khoa khá cao. Trong 170 chị được khám có tới 152 chị bị viêm nhiễm và phải điều trị.

  Tư vấn kế hoạch hóa gia đình cho người dân tại Trạm Y tế xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Tuy gặp khó khăn trong việc tiếp cận người dân nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền xã và Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã, những năm qua, các chiến dịch truyền thông bề nổi vẫn được xã thực hiện đầy đủ. Toàn xã có 5 cộng tác viên DS-KHHGĐ phụ trách 2 thôn. Các cộng tác viên đã rất cố gắng duy trì đến nhà người dân vận động, tổ chức các buổi tư vấn nhóm để giải đáp những thắc mắc của người dân nhằm thay đổi dần nhận thức của họ về sinh đẻ có kế hoạch. Điều đáng mừng, đối với thế hệ 8X, 9X, tuy vẫn có một số trường hợp còn sinh đông nhưng phần lớn đã ý thức được và bắt đầu dừng sinh ở 2 con. Đây cũng là nỗ lực rất đáng ghi nhận đối với những cán bộ, cộng tác viên làm công tác vận động.

Tuy nhiên hiện nay, do chế độ của cộng tác viên còn quá thấp (200.000 đồng/người/tháng) nên chưa khích lệ được tinh thần cộng tác viên đối với việc tham gia công việc quá khó khăn này. Các cộng tác viên chú trọng làm những công việc khác cho thu nhập cao hơn. Vì thế, việc duy trì hiệu quả công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ cho người dân nơi đây thường xuyên gặp nhiều khó khăn. Bao giờ mới có thể thay đổi được nhận thức sinh đẻ có kế hoạch của người dân? Đây là vấn đề đang được đặt ra cho chính quyền xã đảo này.

MINH THIẾT