02:08, 07/08/2011

Trường Sa - Vang vọng từng câu hát

Mảnh đất Trường Sa - nơi quanh năm đối mặt với “sóng cuồng, bão giật”, nơi có những con người bé nhỏ trước biển cả bao la nhưng lại rất kiên cường.

Mảnh đất Trường Sa - nơi quanh năm đối mặt với “sóng cuồng, bão giật”, nơi có những con người bé nhỏ trước biển cả bao la nhưng lại rất kiên cường. Từ lâu, cuộc sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm ở Trường Sa đã trở thành nguồn đề tài lớn đối với sáng tác của các nhạc sĩ. Qua những ca từ, nốt nhạc đã giúp Trường Sa gần gũi, thân thương hơn trong lòng mỗi người, làm ấm lòng người lính đảo và để Trường Sa mãi vang vọng trong tim.

. “Bức tranh” ca khúc về Trường Sa

Trở về từ Trường Sa sau chuyến đi thực tế do Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, nhạc sĩ Ngọc Anh đã “trình làng” ca khúc Lá phong ba lời độc thoại. Ca khúc ghi lại phút giây trữ tình của người lính đảo gửi niềm thương, nỗi nhớ về đất liền qua những dòng chữ khắc lên chiếc lá phong ba thả xuống lòng biển: Chiếc lá phong ba màu xanh thương nhớ/Thương ai nhớ ai trôi về đất mẹ/Một thoáng quê hương sao mà sâu lắng/Nhẹ bước chân ai xao xuyến lòng ta. Ngay sau đó, ca khúc này đã tìm được chỗ đứng khi liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương. Tiếp nối mạch nguồn cảm hứng đó, nhạc sĩ Ngọc Anh sáng tác các ca khúc Lá thư Song Tử Tây và Trường Sa ngàn thương. Các ca khúc như một lời tri ân đối với những người đang kiên cường bám giữ biển, đảo vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhạc sĩ Ngọc Anh tâm sự: “Những ca khúc viết về Trường Sa trong đợt này có ý nghĩa sâu sắc đối với cá nhân tôi. Trước đây, tôi cũng từng có một vài ca khúc viết về Trường Sa, nhưng phải đến chuyến đi thực tế này, tôi mới cảm nhận được hết những gì ấn tượng nhất về Trường Sa. Chính vì vậy, những ca khúc mới này thấm đẫm tâm hồn hơn”.

Không chỉ nhạc sĩ Ngọc Anh, nhiều nhạc sĩ khác ở Khánh Hòa cũng viết về Trường Sa. Trong đó, người nhạc sĩ được đánh giá có nhiều tác phẩm hay, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng và cũng là người thành công nhất về đề tài Trường Sa chính là nhạc sĩ Hình Phước Long. Ca khúc Gần lắm Trường Sa được nhạc sĩ viết trong lần tham dự trại sáng tác về biển, đảo do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh tổ chức năm 1982. Ngay lập tức, ca khúc này đã đi sâu vào lòng công chúng và có giá trị trường tồn. Gia tài ca khúc về Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long với trên dưới 20 bài, trong đó có những bài được nhiều người yêu thích như: Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Vầng trăng trên đảo xa, Tiếng hát trên đảo xa, Đêm trên đảo Thuyền Chài…

Những ca khúc về Trường Sa là nguồn sức mạnh lớn lao đối với những con người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 

Là nhạc sĩ có nhiều ca khúc về Trường Sa được dàn dựng trong các kỳ hội diễn, liên hoan, nhạc sĩ Hình Phước Liên cũng đã để lại dấu ấn của mình qua chùm ca khúc được ông sáng tác khi đến thăm quần đảo Trường Sa vào năm 1984 gồm 3 bài: Bài ca người lính đảo, Nhắn đất liền tình khúc về đảo, Khúc hát nơi đảo xa. Các tác giả khác như ca sĩ, nhạc sĩ Xuân An cũng để lại trong lòng công chúng ca khúc Mưa Trường Sa; nhạc sĩ Lê Văn Cầu có một số ca khúc về Trường Sa viết cho thiếu nhi; các tác giả: Tố Hải, Nguyễn Tiến Liêu… cũng có những sáng tác thể hiện cảm xúc về Trường Sa.

Nhìn chung, những sáng tác viết về Trường Sa trong khoảng 30 năm trở lại đây được chia thành 2 giai đoạn. Từ năm 1980 đến 2000, còn ít tác giả viết và những ca khúc trong giai đoạn này thiên về việc gửi gắm tâm tình của đất liền đến Trường Sa và từ Trường Sa về đất liền. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, công chúng chứng kiến sự rộ lên những sáng tác về Trường Sa theo xu hướng tươi trẻ, sôi động, mang tính chất hiện đại.

. Cần sự đầu tư đúng hướng    

Không phải ngẫu nhiên, trong “gia tài” âm nhạc của các nhạc sĩ ở Khánh Hòa đều có ít nhất một ca khúc viết về Trường Sa. Trong tâm tư của mỗi người, Trường Sa là một làng biển thân thương như hàng ngàn làng biển khác của xứ Trầm Hương. Chính vì thế, sáng tác những bài hát về Trường Sa và những con người nơi đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là trách nhiệm cao cả của mỗi nhạc sĩ. Trong âm nhạc, sức sống của một tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá trị nghệ thuật, thị hiếu công chúng… Tuy nhiên, trước khi nói đến chuyện sống còn của một tác phẩm âm nhạc, điều được nhiều người quan tâm hơn chính là điều kiện, cơ hội để những sáng tác đó xuất hiện trước công chúng. Lâu nay, việc quảng bá tác phẩm về Trường Sa chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khả năng của chính các nhạc sĩ. Bằng những con đường khác nhau, các nhạc sĩ tự tìm tòi, dàn dựng để đưa những “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng.
 
Điều này có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức nhanh chóng của công chúng, nhưng trên một phương diện nào đó lại trở nên manh mún, thiếu sự thống nhất. Nên chăng, đã đến lúc chúng ta cần có sự quan tâm đúng mức đối với các sáng tác về Trường Sa. “Niềm mong mỏi của rất nhiều nhạc sĩ trong tỉnh là có được một sự đầu tư đúng hướng dành cho các ca khúc viết về Trường Sa. Qua sự đầu tư đó, các ca khúc vốn đã có chỗ đứng trong lòng công chúng sẽ càng phát huy giá trị hơn; với những ca khúc còn ít người biết đến sẽ có cơ hội xuất hiện và quảng bá trước nhiều người” - nhạc sĩ Hình Phước Liên chia sẻ. Sự đầu tư đó có thể là việc tập hợp tất cả các sáng về đề tài Trường Sa từ trước đến nay để dàn dựng thành một album. Qua đó đẩy mạnh việc phát sóng quảng bá trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, Internet…; tổ chức các liên hoan, các chương trình biểu diễn nghệ thuật về Trường Sa để tạo sự tác động đến đông đảo công chúng. Với một nguồn đề tài vô hạn, Trường Sa sẽ là “mảnh đất” tốt để các nhạc sĩ sáng tác.

NHÂN TÂM