Vừa qua, tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX Hội Thấp khớp học Việt Nam (tổ chức tại Nha Trang), Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan (Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã thu hút sự chú ý...
Vừa qua, tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX Hội Thấp khớp học Việt Nam (tổ chức tại Nha Trang), Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan (Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã thu hút sự chú ý của đại biểu khi trình bày báo cáo nêu bật những thành tựu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp tại Việt Nam, giai đoạn 2000 - 2010.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, việc chẩn đoán sớm, điều trị sớm nhằm tránh tình trạng hủy hoại khớp và tàn phế luôn là mục tiêu của giới y học. Hiện nay, việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp được dựa trên tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Mỹ, chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và sự có mặt của yếu tố dạng thấp RF. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng lâm sàng thường không điển hình, yếu tố dạng thấp xuất hiện muộn. Do vậy việc chẩn đoán bệnh sớm gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tự kháng thể anti cyclic citrullinated peptide antibodies (anti-CCP antibodies) đã được phát hiện ở huyết thanh bệnh nhân (BN) viêm khớp dạng thấp và kháng thể anti-CCP-2 thường sử dụng trong lâm sàng. Nhiều tác giả nước ngoài khẳng định nếu sử dụng cả yếu tố dạng thấp và kháng thể anti-CCP-2 thì việc chẩn đoán bệnh sẽ chính xác hơn. Các nghiên cứu về giá trị chẩn đoán kháng thể anti-CCP-2 trên các BN Việt Nam đã cho thấy anti-CCP có độ nhạy khoảng 70%, độ đặc hiệu khoảng 95% (tùy nghiên cứu) và anti-CCP cũng như RF có giá trị tiên lượng trong bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, xét nghiệm này mới chỉ được thực hiện tại các trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, trong tương lai hy vọng sẽ được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước.
Hiện nay, phương tiện chẩn đoán các bệnh cơ xương khớp đã được hỗ trợ bởi nhiều máy móc tối tân như siêu âm chẩn đoán với đầu dò tần số cao, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, xạ hình xương… Các xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch cũng đang được ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán các bệnh ung thư xương nguyên phát và thứ phát, nhuyễn xương, các bệnh khớp gặp do nội tiết, các bệnh lý đĩa đệm, dây chằng…
Kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối nhân tạo có bước phát triển vượt bậc. (Trong ảnh: Một ca phẫu thuật nội soi khớp gối ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa). |
Mycophenolate mofetil là một thuốc mới được chỉ định cho các bệnh thuộc nhóm tự miễn. Thuốc được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2005 trong điều tị bệnh lupus ban đỏ hệ thống và một số bệnh tự miễn khác, có hiệu quả khá tốt. Việc sử dụng phương pháp bolus cyclophosphamid truyền tĩnh mạch mỗi tháng 1 lần trong 6 tháng đã cải thiện chất lượng cuộc sống của các BN lupus tổn thương thận, đặc biệt tốt với hội chứng thận hư, các bệnh viêm da cơ, viêm da cơ tự miễn, các tổn thương viêm mạch…
Theo điều tra, hiện nay tỉ lệ người bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hoặc đau cột sống cổ do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ngày càng tăng. Các phương pháp điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm bằng thuốc, y học cổ truyền, bấm huyệt, phục hồi chức năng đạt kết quả tốt với thể thoát vị nhẹ. Trong số các phương pháp điều trị phẫu thuật, các kỹ thuật mới, hiện đại, các can thiệp ít xâm lấn (sử dụng sóng cao tần, tia laser, kỹ thuật vi phẫu…) đã mang lại kết quả ngoạn mục.
Đối với bệnh loãng xương, hiện nay ở Việt Nam có nhiều thuốc chống loãng xương thế hệ mới. Ngoài các thuốc thuộc nhóm biphosphonat được sử dụng rộng rãi với hiệu quả cao, an toàn, dễ sử dụng, nay đã có Zoledronic acid - Aclasta 5mg truyền tĩnh mạch mỗi 12 tháng, nhóm thuốc chống loãng xương Strontium ranelate - Protelos can thiệp trên cơ sở xương là một mô sống. Các thuốc trên có hiệu quả làm tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương, giảm tỉ lệ tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối nhân tạo có sự phát triển vượt bậc và đã giúp nhiều BN phục hồi hoàn toàn chức năng vận động. Chỉnh hình các khớp nhỏ ở bàn tay cũng đã được quan tâm, giúp phục hồi các chức năng tinh tế của bàn tay cho BN viêm khớp dạng thấp…
Đặc biệt, tiến ngang tầm với các nền y học thế giới, công nghệ điều trị sử dụng tế bào gốc đã bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam và sẽ là một trong các mũi nhọn điều trị các bệnh cơ xương khớp trong thập niên sắp tới tại nước ta. Hiện đã có các nghiên cứu sử dụng tế bào gốc nguồn gốc tủy xương trong điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, điều trị gãy xương…
Có thể nói, với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, 10 năm qua, ngành Thấp khớp học Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, có thể so sánh với khu vực và thế giới. Theo Tiến sĩ Ngọc Lan, với sự nỗ lực của các nhà thấp khớp học nước ta, trong tương lai, ngành Thấp khớp học Việt Nam có thể có nhiều bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh xương khớp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
NGỌC KHÁNH