Theo số liệu của Sở Y tế, tính đến ngày 7-8, toàn tỉnh ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh sởi. So với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác như sốt xuất huyết, sốt mò, tay chân miệng… thì tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh khá yên ổn.
Theo bác sĩ Phan Thế Long (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), sởi là bệnh lưu hành địa phương trong cộng đồng dân cư đô thị và là một bệnh xảy ra dịch có tính chu kỳ khoảng từ 2 - 3 năm hoặc lâu hơn tùy theo từng nước. Bệnh sởi xảy ra theo mùa. Ở vùng khí hậu ôn đới, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân. Ở vùng nhiệt đới, bệnh xảy ra nhiều vào mùa khô. Với việc thực hiện chương trình tiêm phòng sởi, tỉ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 99% ở nhiều nước phát triển và chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc trẻ lớn tuổi hơn, người lớn mới chỉ được tiêm 1 liều vắc xin.
Tình hình bệnh sởi ở Việt Nam thời kỳ trước khi tiêm 1 liều vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cũng tương tự như ở các nước trên thế giới. Bệnh sởi lưu hành ở mọi nơi trong nước và phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng Đông - Xuân. Việc gây miễn dịch phòng bệnh sởi bằng 1 liều vắc xin sởi sống giảm độc lực được bắt đầu trong Chương trình TCMR ở Việt Nam từ năm 1985 và tỉ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 91/100.000 dân năm 1986 xuống 2,35/100.000 dân năm 2006. Tuy nhiên, bệnh vẫn phát tán ở nhiều nơi và vẫn xảy ra dịch sởi với quy mô nhỏ hơn thời kỳ chưa tiêm vắc xin sởi. Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương thực hiện các chiến lược loại trừ sởi vào năm 2010 với tỉ lệ mắc sởi không vượt quá 1/100.000 dân.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch tiết mũi họng của bệnh nhân; đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 12 - 14 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Thời kỳ lây truyền thường khoảng 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau 2 ngày phát ban. Triệu chứng của bệnh gồm sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), sổ mũi (chảy nước mũi).
Để phòng tránh bệnh sởi, theo bác sĩ Long, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh sởi để họ cộng tác với ngành Y tế trong việc tiêm vắc xin phòng sởi cho con em, cần tăng cường giám sát ca bệnh, báo cáo kịp thời khi có dịch xảy ra cho cơ quan Y tế dự phòng để chủ động phòng, chống dịch. Về chuyên môn, việc cách ly bệnh nhân là không thực tế. Tuy nhiên, nếu có thể, trẻ em bị mắc bệnh sởi không nên đến trường ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhân sởi ở bệnh viện cần được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu viêm long cho đến ngày thứ 4 của phát ban để khỏi lây sang bệnh nhân khác. Bệnh sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên quá trình điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm ho), tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng; đặc biệt dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt.
Bác sĩ Long khuyên, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh sởi là tiêm vắc xin sởi theo lịch: trẻ em từ 9 - 11 tháng tuổi tiêm mũi thứ nhất, sau đó tiêm nhắc lại mũi thứ hai lúc trẻ 6 tuổi. Ở những vùng có nguy cơ cao (nơi vẫn còn virus sởi lưu hành, tỉ lệ tiêm chủng thấp…), cần thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ trên 6 tuổi và tăng cường giám sát ca bệnh.
KHÁNH QUỲNH