Theo Đề án Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015 do Sở Y tế soạn thảo, mục tiêu từ nay đến năm 2015 là duy trì suy dinh dưỡng nhẹ cân ở mức dưới 10%; thanh toán suy dinh dưỡng nặng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa;...
Theo Đề án Phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em dưới 5 tuổi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015 do Sở Y tế soạn thảo, mục tiêu từ nay đến năm 2015 là duy trì SDD nhẹ cân ở mức dưới 10%; thanh toán SDD nặng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; giảm tỷ lệ SDD thấp còi xuống dưới 22%; khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 0-5 tuổi dưới 5%. Để thực hiện mục tiêu trên, ngành Y tế đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phương châm dự phòng là chính.
Khánh Hòa hiện có 38.673 trẻ dưới 2 tuổi và 98.024 trẻ dưới 5 tuổi. Những năm qua, tình trạng SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, dưới 13% (số liệu tổng cân tháng 6-2010). Tuy nhiên, tỉ lệ SDD thấp còi hiện vẫn rất cao, trên 20%. Cả tỉnh hiện có hơn 20 nghìn trẻ em bị SDD thấp còi, tập trung nhiều ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Bùi Xuân Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, SDD thấp còi rất khó cải thiện so với SDD nhẹ cân. Bên cạnh vấn đề SDD, tình trạng thừa cân béo phì cũng là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là tại thành thị. Tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng sẽ kéo theo sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch... Vì thế, việc cần làm hiện nay là triển khai nhanh các giải pháp can thiệp đặc thù cho các vùng miền và các nhóm đối tượng cụ thể, trong đó chú trọng vấn đề SDD thấp còi ở trẻ em để góp phần nâng cao tầm vóc, đồng thời kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì để hạn chế sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Bên cạnh khẩu phần ăn, cần thường xuyên theo dõi sự phát triển của trẻ bằng cách kiểm tra cân nặng, chiều cao. |
Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình SDD trẻ em ở Khánh Hòa thời gian qua vẫn chậm cải thiện. Nguyên nhân là do đời sống kinh tế của một bộ phận dân cư vẫn còn thấp, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; nhận thức và nhất là thực hành về dinh dưỡng nói chung của người dân, đặc biệt là của các bà mẹ vẫn còn hạn chế; các điều kiện về vệ sinh vẫn chưa bảo đảm, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được ngăn chặn triệt để. Bên cạnh đó, các can thiệp của chính quyền đối với công tác phòng, chống SDD chưa thực sự đủ mạnh về nguồn lực và biện pháp; sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể chưa đồng đều và chặt chẽ ở địa phương; chưa có sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã trong công tác phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD… cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng SDD chậm cải thiện.
Mục tiêu của chương trình phòng, chống SDD giai đoạn 2011-2015 là: Nâng cao nhận thức và thực hành cho bà các mẹ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là 2 năm đầu sau sinh; vận động chính sách, huy động sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, liên kết chương trình chăm sóc dinh dưỡng với chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, có chính sách riêng cho khu vực miền núi và vùng khó khăn so với các vùng khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hạ thấp và duy trì ổn định tỷ lệ SDD tại các vùng này. Chỉ tiêu cụ thể của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em về cân nặng và chiều cao, tiếp tục duy trì SDD nhẹ cân mức dưới 10%, thanh toán SDD nặng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, khống chế vấn đề thừa cân/béo phì ở trẻ em; giảm tỷ lệ SDD thấp còi xuống dưới 22% (năm 2015); khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 0-5 tuổi dưới 5%.
Để đạt được mục tiêu trên, theo bác sĩ Bùi Xuân Minh, cần phải cải thiện bữa ăn của trẻ ở tất cả các vùng, miền đủ về số lượng và cân đối về chất lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục phương châm dự phòng là chính, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ từ trước khi mang thai đến khi mang thai và nuôi con nhỏ, trẻ em dưới 5 tuổi cần được cung cấp đủ năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng, chú ý đến vi chất dinh dưỡng đủ theo nhu cầu. Công tác xã hội hóa phòng, chống SDD trẻ em cần tiếp tục được đẩy mạnh. Song song đó, cần có chiến lược và giải pháp can thiệp SDD ở các vùng, miền khác nhau dựa trên các yếu tố nguyên nhân tác động khác nhau thay đổi theo từng địa phương, từng khu vực và thậm chí từng cộng đồng và gia đình.
NGỌC KHÁNH