Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây.
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây. Theo ông Lê Xuân Thân, quan trọng nhất là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các thầy cô giáo về triệu chứng của bệnh TCM để kịp thời phát hiện ca bệnh và cách ly điều trị. Riêng các trường học, tùy tình hình thực tế mà quyết định việc đóng cửa hay không, vì nếu chỉ có 1, 2 trẻ bị bệnh (đã được cách ly điều trị) mà đóng cửa trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học khi năm học mới sắp bắt đầu.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh TCM có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nhất là khi các trường học bước vào năm học mới, vì thế ông Lê Xuân Thân yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh TCM dưới nhiều hình thức như: tờ rơi, phát thanh, truyền thanh, truyền hình, báo in…; nâng cao năng lực giám sát dịch, phát hiện sớm các ca bệnh để điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng; thực hiện tốt chế độ báo cáo dịch… Ông Lê Xuân Thân cũng cho biết, tỉnh đã quyết định chi hơn 1,1 tỷ đồng để phòng, chống dịch bệnh TCM. Về phía ngành Y tế, bác sĩ Bùi Xuân Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp với Trung tâm y tế cùng cấp huy động cộng đồng cùng tham gia phòng, chống dịch; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh TCM và cách phòng, chống; Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện (thị, thành phố) phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đến các trường mẫu giáo và nhà trẻ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Đông, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, bệnh TCM thường không gây biến chứng nghiêm trọng, nhưng khi đã xảy ra biến chứng thì bệnh diễn tiến rất nhanh và có thể là thủ phạm làm chết người. “Bệnh TCM là một bệnh nhiễm virus cấp với các biểu hiện lâm sàng thường gặp gồm sốt và tổn thương da, niêm mạc dạng bọng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông và/hoặc cơ quan sinh dục. Các bọng nước ở miệng thường diễn tiến nhanh đến loét”, bác sĩ Đông cho biết.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Thời gian ủ bệnh TCM khoảng 5 - 7 ngày, lúc này trẻ thường than đau họng hoặc miệng, mỏi mệt trong người, thỉnh thoảng có kèm theo ói, tiêu chảy phân không đàm máu. Sốt 38 - 39 độ C có thể xuất hiện và kéo dài 24 - 48 giờ. Sau đó ban xuất hiện dưới dạng ban nhỏ, hoặc bọng nước trên nền hồng ban, vị trí thường gặp là lòng bàn tay - chân, bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, cơ quan sinh dục, niêm mạc miệng, lưỡi, và/hoặc vòm khẩu cái cứng. Bệnh chia làm 4 độ: Độ I chỉ có vết loét ở miệng và/hoặc ban ở da. Độ II kèm theo rung giật cơ, bứt rứt, giật mình, chới với. Độ III kèm theo yếu liệt chi, liệt dây thần kinh sọ, co giật, rối loạn tri giác. Độ IV suy hô hấp, phù phổi cấp, tăng huyết áp, trụy tim mạch. Các biến chứng của bệnh thường gặp là viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh . Các biến chứng có thể phối hợp với nhau trên cùng 1 bệnh nhân và diễn tiến rất nhanh khiến bệnh nhân có thể tử vong trong 24 giờ.
Hiện bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng giảm sốt, đau nhức do các vết loét gây ra, kết hợp với tăng sức đề kháng. Nên đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Nếu trẻ được chỉ định chăm sóc tại nhà, phụ huynh cần vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bọng nước; giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần; nghỉ ngơi, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả; tuyệt đối không cạy vỡ các bọng nước để tránh nhiễm trùng; theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu: dễ giật mình, hoảng hốt, run chi, gồng tự hết, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Tuy bệnh TCM chưa có vắc-xin phòng bệnh, nhưng có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng việc thực hiện vệ sinh tốt: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu chăm sóc trẻ bị bệnh thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, sau đó khử trùng bằng Cloramin B 5%. Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho. Nên tránh tiếp xúc gần gũi (hôn, ôm, dùng chung thức ăn, chén bát…) với trẻ bị bệnh TCM, đồng thời cách ly trẻ bệnh trong tuần lễ đầu tiên.
NGỌC KHÁNH
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh có 261 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 15,35 lần so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 26/155 mẫu xét nghiệm có kết quả (+), không có ca nào tử vong nhưng có 5 ca có dấu hiệu thần kinh, 3 ca phải chuyển tuyến Trung ương điều trị. Đây là năm đầu tiên Khánh Hòa có các ca biến chứng của bệnh TCM. Bệnh TCM xuất hiện ở tất cả các huyện (thị, thành phố) trong tỉnh. Địa phương có số ca mắc bệnh nhiều nhất là TP. Nha Trang 150 ca (tăng 18,75 lần so cùng kỳ), tiếp theo là Ninh Hòa 33 ca (tăng 6,6 lần), Cam Lâm 30 ca (tăng 30 lần), Khánh Sơn 14 ca (năm ngoái không có ca nào)…