Liên tục phát triển với hệ thống trải rộng khắp cả nước và là nơi cung cấp nguồn hàng cho nhiều khách sạn, nhà hàng, các siêu thị được coi là một “kênh” tiêu thụ hiệu quả....
Liên tục phát triển với hệ thống trải rộng khắp cả nước và là nơi cung cấp nguồn hàng cho nhiều khách sạn, nhà hàng, các siêu thị (ST) được coi là một “kênh” tiêu thụ hiệu quả những loại nông sản (NS) giá trị cao tại Khánh Hòa. Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai đưa NS vào ST vẫn còn nhiều lúng túng.
° Tiềm năng lớn
Những năm gần đây, hệ thống các ST cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng liên tục phát triển và mở rộng, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân theo hướng hiện đại. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Phó Giám đốc ST Maximark Nha Trang cho rằng, nếu như trước đây, người dân Nha Trang chỉ quen với việc ra chợ mua rau thì hiện nay, đã bắt đầu thay đổi thói quen, đến ST để lựa chọn rau sạch, giá rẻ. Đích thân bà Đoàn Thị Thọ - Giám đốc ST thường lui tới các vùng NS ở Đà Lạt để tìm kiếm nguồn hàng cho ST với giá cạnh tranh nhất. Riêng lượng rau, củ, quả lấy từ các nhà vườn của tỉnh vào khoảng 3 tạ/ngày, chủ yếu là các loại rau muống, mùng tơi, rau cải…
Nông sản vào siêu thị mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người kinh doanh |
Theo thống kê của Sở Công Thương, chỉ tính riêng tổng lượng rau nhập chợ trên toàn tỉnh đã khoảng 40 tấn/ngày. Vào các dịp lễ, Tết, lượng tiêu thụ còn tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường. So với số lượng tiêu thụ ngoài chợ cũng như tiềm năng NS mà Khánh Hòa đang có, lượng rau, củ, quả có “chỗ đứng” ở ST còn khá khiêm tốn. “Điểm mặt” những NS có giá trị cao ở Khánh Hòa, có thể thấy nguồn hàng khá dồi dào, phong phú. Khánh Sơn có sầu riêng, mía tím, tiêu, chuối mốc; Khánh Vĩnh có củ mì, heo rừng…; Ninh Hòa có rau, dưa hấu, khoai sáp; Vạn Ninh có dừa xiêm, dứa, dưa lê… Ngoài ra, theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, ở 2 huyện miền núi này còn có nhiều loại rau rừng ăn rất ngon và lạ miệng, được bà con dân tộc thiểu số sử dụng thường xuyên trong bữa cơm gia đình. Với sự phát triển của các ST và tiềm năng to lớn của NS địa phương, việc đẩy mạnh đưa NS vào ST mang lại lợi ích cho cả người kinh doanh và người sản xuất. Các ST như: Maximark Nha Trang, Maximark Cam Ranh, Co.opMart Cam Ranh và Citimart Nha Trang có thêm nhiều mặt hàng phong phú; còn nông dân có cơ hội tiêu thụ và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm của mình, kể cả các NS có tiếng và các sản phẩm mới lạ ít người biết đến.
° Nông sản cũng cần có thương hiệu
Vừa qua, tại TP. Nha Trang, Sở Công Thương và Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp đưa NS vào ST. Đại diện các đơn vị đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, các ST có nhiệm vụ giới thiệu cho Hội Nông dân cơ sở các danh mục mặt hàng NS, thực phẩm cần nhập; quy định về quy cách, chất lượng, giá cả sản phẩm, điều kiện về chứng từ nhập hàng, phương thức thanh toán; trên cơ sở đó xây dựng các hợp đồng mẫu giữa ST và các đầu mối cung ứng NS. Hội Nông dân cơ sở có nhiệm vụ giới thiệu danh mục các NS địa phương đủ tiêu chuẩn cung ứng cho ST, hướng dẫn các đầu mối cung ứng ký kết hợp đồng với ST… Đây được coi là cơ sở bước đầu để các bên triển khai thực hiện đưa hàng vào ST thuận lợi, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc bắt tay triển khai đưa NS vào ST vẫn còn nhiều bất cập. ST muốn có nguồn hàng ổn định phục vụ tiêu dùng và đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng nhưng sản xuất của nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết nông dân vẫn chỉ “mạnh ai nấy làm”, sản xuất theo kinh nghiệm, bán theo thời vụ, chấp nhận quy luật “được mùa mất giá” và lúng túng tìm “đầu ra” trước những biến động của thị trường. Thêm nữa, do thiếu các vùng chuyên canh để tập trung hàng hóa với quy mô lớn nên nông dân không có nguồn hàng ổn định để đảm bảo cung ứng trực tiếp cho ST. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết: “Hiện nay, việc ST tiếp xúc trực tiếp với người trồng rau để thu mua với giá gốc không hề dễ dàng. Các hoạt động giao dịch, tiếp nhận hàng hóa của 2 bên đều phải thông qua thương lái trung gian đi “gom” hàng từ các nguồn nhỏ lẻ”.
Do đó, để đưa NS vào ST thành công, người nông dân cần hợp tác, liên kết, thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, vệ sinh, đảm bảo các quy chuẩn của ST. Bà Trần Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, từ năm 2009, Hội đã thành lập các tổ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ cho nông dân. Một số tổ liên kết đã hoạt động có hiệu quả như: Tổ liên kết nuôi gà công nghiệp ở Diên Lộc (Diên Khánh); tổ liên kết trồng mía ở Cam Hiệp Nam (Cam Lâm)… Việc nhân rộng các tổ liên kết này rất cần thiết để đảm bảo nguồn hàng ổn định, phục vụ cung ứng kịp thời cho ST.
Cũng bởi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc xây dựng thương hiệu cho NS địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Không có thương hiệu, NS của tỉnh khó vào ST và càng khó “lấy lòng” người tiêu dùng khi còn rất nhiều hàng hóa khác để lựa chọn, trong đó có cả sản phẩm nhập ngoại. Do đó, bên cạnh việc nông dân phải liên kết với nhau xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, vai trò của chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Sở Công Thương và Hội Nông dân tỉnh rất quan trọng trong việc tư vấn, giúp đỡ nông dân xây dựng thương hiệu cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế và các thủ tục mua bán hiện đại - điều mà nhiều nông dân còn bỡ ngỡ. “Ngoài vấn đề thương hiệu, một trong những yếu tố quan trọng để ST tiếp nhận NS là sản phẩm phải có chất lượng tốt, đồng đều và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các khâu từ trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, phân loại NS cho đến việc đưa vào ST phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Có như vậy mới đảm bảo sự hợp tác lâu dài và hiệu quả” - ông Cao Đình Phần, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
KIM DUNG