04:08, 01/08/2011

Những người “vác tù và hàng tổng”

Khi đời sống còn nhiều khó khăn, thật khó tìm thấy những cán bộ Hội Nông dân “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Vậy mà ở xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ Hội như vậy.

Khi đời sống còn nhiều khó khăn, thật khó tìm thấy những cán bộ Hội Nông dân (HND) “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Vậy mà ở xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ Hội như vậy.

. Ra sức vận động nông dân học nghề

Chủ trương dạy nghề cho nông dân được Nhà nước quan tâm triển khai, nhưng làm cách nào để nông dân đến lớp - câu hỏi đó luôn làm “đau đầu” những cán bộ Hội cơ sở. Nhưng ở thôn Tây Bắc 2, xã Đại Lãnh (Vạn Ninh), nhờ sự nỗ lực của anh Nguyễn Xuân Hoàng, Chi hội trưởng HND, nông dân đã chịu khó đi học và thành công với nghề mới. Anh tiết lộ: “Việc vận động ban đầu cũng rất khó, mình phải lấy hoàn cảnh của mình để thuyết phục nông dân. Để nông dân hiểu, theo tôi, phải nói được 2 vấn đề: một là, xã mình giống như ốc đảo, ruộng đất không có, tài nguyên rừng, thủy sản đã cạn kiệt, không còn là thế mạnh, vậy làm sao còn theo đuổi những nghề này? Thứ hai, đi học để biết, để hiểu, để làm, tìm kiếm công việc thích hợp để mưu sinh, để xóa nghèo, có cuộc sống ổn định”.

 Anh Hoàng đứng ra xây dựng trại nấm sò làm mẫu để bà con học tập.

Và dù khó khăn, gian khổ đến đâu, anh Hoàng cũng tìm cách vận động bằng mọi cách. Nông dân thấy anh vất vả, không vì mục đích cá nhân, nghe điều anh nói là chí lý nên dần nghe theo. Đến nay, thôn Tây Bắc 2 có số nông dân theo học các lớp nghề (nhất là nghề nấm sò và nuôi ếch) nhiều nhất trong xã. Nhiều hộ đi học về triển khai ngay việc làm nấm, nuôi ếch, kết quả rất khả quan. Nhờ vậy, Đại Lãnh hiện là điểm sáng trong đào tạo nghề cho nông dân.

.“Thủ lĩnh” huy động Quỹ hỗ trợ nông dân

Đó là anh Nguyễn Văn Hùng, thành viên Ban Chấp hành Chi hội Nông dân thôn Tây Nam 2 (xã Đại Lãnh). Tây Nam 2 là 1 trong 6 thôn của xã có nền kinh tế khó khăn nhất; người dân sống chủ yếu nhờ núi rừng và mua bán nhỏ, thu nhập rất hạn chế. Chính vì vậy, việc vận động nông dân đóng góp quỹ là chuyện không dễ dàng. Anh Hùng tâm sự: ”Bản thân tôi là người tay trắng đi lên, tiếng nói của tôi cũng có uy tín để bà con nghe. Tôi đi đâu, gặp ai cũng trao đổi, khích lệ mọi người rằng, thôn Tây Nam 2 là thôn nghèo nhất trong các thôn, bà con phải làm gì để vực dậy cuộc sống kinh tế gia đình. Bà con khá lên giúp bà con khác cùng đi lên. Nhưng muốn được như vậy, mình phải xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông đân (HTND) đủ mạnh mới có đủ nguồn lực giúp bà con…”. Thậm chí, anh Hùng kiên trì giải thích: “Một buổi chợ mất 20 ngàn đồng, mua hết 19 ngàn đồng, để dành 1 ngàn đồng giúp người khó khăn. “Tích tiểu thành đại”, thế là mình có tiền ủng hộ cho Quỹ”. Bằng quyết tâm, sự kiên trì, anh đã thuyết phục được nhiều nông dân đóng góp cho Quỹ HTND. Kết quả, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, Chi hội huy động được 5,2 triệu đồng của 5 tổ hội trực thuộc. Riêng tổ của anh quản lý trực tiếp (có 13 hội viên) đã thu được 300 ngàn đồng, bình quân mỗi hộ đóng góp 20 - 30 ngàn đồng. Những đóng góp của nông dân thôn Tây Nam 2 đã góp phần làm tăng nguồn Quỹ HTND xã lên 42 triệu đồng, một con số khá ấn tượng đối với Quỹ HTND của một xã còn nhiều khó khăn.

Anh Hùng cho biết, anh còn là tổ trưởng tổ vay vốn tín chấp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Anh có ý định sẽ triển khai việc huy động sự hiệp lực của cộng đồng bằng cách tổ đứng ra giúp đỡ những hộ khó khăn do rủi ro, không có tiền trả nợ ngân hàng sẽ được các thành viên khác giúp đỡ trả nợ, sau đó có tiền sẽ trả lại cho tổ. Cách làm này cho phép giải quyết khó khăn trước mắt của từng thành viên, đồng thời động viên mọi người tương trợ lẫn nhau, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Những tấm gương như anh Hoàng, anh Hùng rất đáng cho các cơ sở HND khác học tập.

H.A