Lần nào về xã Suối Cát, huyện Cam Lâm làm việc, chúng tôi cũng được nghe những lời tố “tội” của người dân nơi đây đối với bà Hồ Thị Minh Tuyết - Chủ tịch HPN xã Suối Cát. Mỗi câu chuyện, mỗi vụ việc chúng tôi ghi lại được đều là những hành vi sai trái của một người đứng đầu HPN ở cấp xã. Theo thời gian, nỗi bức xúc của người dân ngày một “dày lên”, còn vị Chủ tịch Hội vẫn liên tiếp phạm những sai lầm.
. Những câu chuyện chứa đầy nước mắt
Tiếp chúng tôi trong căn nhà trống hoắc, bốn bên gió lùa, chị Nguyễn Thị Cảnh (bị tàn tật) dường như vẫn chưa hết nguôi ngoai về sự việc xảy ra cách đây 10 năm. Đó là chuyện bà Hồ Thị Minh Tuyết đã mạo chữ ký của chị Cảnh để nhận tiền trợ cấp cho người tàn tật. Hồi đó, vì gia đình quá nghèo, bản thân lại bị tàn tật và nuôi con nhỏ nên chị Cảnh được nhận tiền trợ cấp xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, khi bà Tuyết (lúc đó là Phó Chủ tịch HPN) kiêm nhiệm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội (do người phụ trách công tác này nghỉ thai sản) thì chị Cảnh không được nhận tiền trợ cấp liên tiếp trong 3 tháng. Khi chị Cảnh đến yêu cầu bà Tuyết chi trả thì bà Tuyết từ chối vì cho rằng chị Cảnh đã ký nhận rồi. Sự việc chỉ được giải quyết khi Bí thư Đảng ủy xã tổ chức đối chất giữa các bên, yêu cầu xác định chữ ký của người nhận tiền thì bà Tuyết mới chịu thú nhận mình đã nhận số tiền đó. Nhớ lại chuyện cũ, chị Cảnh bức xúc: “Chuyện này xảy ra đã lâu, nhưng cứ nghĩ đến việc bà Tuyết mạo chữ ký của mình để nhận tiền, tôi cảm thấy rất buồn. Tuy tôi là người ít học, nghèo nhưng vẫn còn có lòng tự trọng. Kể cả không có cái gì ăn thì tôi cũng không tệ đến mức nhận tiền trợ cấp rồi lại chối để nhận thêm. Một người đại diện cho hàng ngàn phụ nữ lại có hành vi như vậy thì quả thật không thể tin được”.
Bà Hoàng Thị Liên đang cung cấp tư liệu tố cáo bà Hồ Thị Minh Tuyết. |
Tưởng rằng sau lần vi phạm này, bà Hồ Thị Minh Tuyết sẽ biết “ăn năn, hối lỗi”, vậy nhưng khi có điều kiện bà lại tiếp tục thực hiện hành vi chiếm dụng tiền của một người tàn tật khác. Trong nhiều lần tố cáo, bà Trương Thị Thư (nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành HPN xã Suối Cát) cho biết, trong số những người bị bà Tuyết chiếm dụng tiền tiết kiệm có trường hợp của gia đình chị Võ Thị Ngọc Ánh, với số tiền 540 ngàn đồng. Điều đáng nói ở đây, cả vợ chồng chị Ánh đều bị tàn tật, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Hai vợ chồng chị hiện đang sống trong căn nhà xập xệ, buôn bán vặt để sống qua ngày. Nói về trường hợp này, bà Thư xót xa: “Tôi không nghĩ bà Tuyết lại có thể làm một việc thiếu đạo đức như vậy. Vợ chồng chị Ánh thuộc diện khó khăn, lại tàn tật. Không thể giúp người ta được thì thôi, nay bà Tuyết lại còn chiếm dụng cả tiền tiết kiệm của họ thì hết chỗ nói”.
Thú thật, qua những câu chuyện kể về hành vi sai trái của bà Tuyết, chúng tôi không khỏi phẫn nộ. Không chỉ chiếm dụng về tiền bạc, ngay cả mùng, mền phát cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng bị bà Tuyết “xà xẻo” để làm của riêng.
. Chiếm dụng tiền của người nghèo
Việc bà Hồ Thị Minh Tuyết có những hành vi sai trái dường như không còn là chuyện bột phát, mà đã trở thành bản chất. Theo thời gian, các hành vi sai nguyên tắc của bà Tuyết ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Năm 2007, bà Tuyết là Tổ trưởng Tổ vay vốn dành cho người nghèo. Tổ của bà quản lý gồm 35 tổ viên. Theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi tổ viên khi được vay vốn đều phải đóng tiền tiết kiệm hàng tháng tối thiểu 10 ngàn đồng. Số tiền này sẽ được ngân hàng trả lại cho người dân khi họ thanh toán hết tiền đã vay ở cuối chu kỳ (3 năm). Vậy nhưng khi ngân hàng trả lại tiền tiết kiệm cho người dân, bà Tuyết đã nhận toàn bộ số tiền (theo kết luận của Thanh tra xã Suối Cát là hơn 10 triệu đồng) và giữ lại không chịu chi trả cho người có tiền tiết kiệm. Toàn bộ số tiền này được bà Tuyết sử dụng vào mục đích cá nhân. Nhiều lần các tổ viên hỏi về khoản tiền tiết kiệm này nhưng bà Tuyết đều trả lời chưa có. Sự việc chỉ bại lộ khi tháng 10-2009, một số tổ viên tổ vay vốn đến ngân hàng để khiếu nại vấn đề này mới được biết ngân hàng đã trả tiền tiết kiệm từ năm 2007. Lúc này, các bà Trương Thị Thư, Võ Thị Ngọc Ánh, Võ Thị Điểu và nhiều người khác làm đơn tố cáo hành vi lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của bà Tuyết. Dù sự việc đã rõ ràng, bà Tuyết vẫn cho rằng bà Điểu và bà Ánh đã nhận tiền tiết kiệm. Để thuyết phục cơ quan chức năng, bà còn đưa ra tài liệu nhận tiền có chữ ký của bà Điểu và bà Ánh. Trước thực tế đó, những người tố cáo yêu cầu đưa qua Công an giám định chữ ký. Đến lúc này, bà Tuyết đành “nhận tội” và bắt đầu chi trả tiền tiết kiệm cho từng người.
Không dừng lại ở đó, trong năm 2009, khi nhận tiền ủy thác chi từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cam Lâm, bà Tuyết đã tẩy xóa chứng từ hòng lấy số tiền chênh lệch sử dụng bất hợp pháp.
. Chính quyền lúng túng
Thông báo kết luận của Đảng ủy xã và bản kiểm điểm của bà Tuyết. |
Đến nay, số lượng đơn tố cáo hành vi trái pháp luật của bà Tuyết ngày một nhiều hơn, song chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa tìm được cách giải quyết dứt điểm. Bởi, vẫn còn một số người tố cáo bà Tuyết chưa trả tiền tiết kiệm cho họ. Đối với những người đã nhận thì một mực cho rằng số tiền bà Tuyết chi trả cho họ mới chỉ bằng một nửa số tiền họ đã gửi tiết kiệm trước đó. Lạ lùng hơn, khi các cơ quan chức năng kiểm tra năm 2009, họ không tìm được các sổ tiết kiệm của hội viên, nhưng mới đây khi làm việc với chúng tôi, bà Tuyết lại có trong tay toàn bộ số sổ đó. Chính điều này đã làm cho sự việc càng thêm phức tạp.
Tuy rằng số tiền không phải là lớn, song các hành vi này đều nhằm vào nhiều người nghèo. Về mặt đạo đức, đó là một điều rất đáng lên án. Về mặt pháp luật, hành vi chiếm giữ tiền của tổ viên, mạo chữ ký, xóa chứng từ… của bà Tuyết có dấu hiệu tội phạm tham nhũng và ảnh hưởng xấu đến chủ trương xóa đói giảm nghèo của Nhà nước.
LAM ĐIỀN
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Trưởng Văn phòng Luật sư Hồng Hà):
“Trong vụ việc này, tuy người bị tố cáo đã bị Đảng ủy xã Suối Cát kỷ luật, nhưng đây là vấn đề liên quan đến pháp luật nên không thuộc thẩm quyền của Đảng ủy xã Suối Cát. Do đó, sau khi có hình thức kỷ luật nhưng người dân vẫn tiếp tục tố cáo, Đảng ủy xã Suối Cát phải chuyển đơn tố cáo đến cơ quan điều tra để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 20 ngày (tính từ ngày nhận đơn), cơ quan điều tra có trách nhiệm điều tra, xác minh nội dung tố cáo, từ đó xem xét có đủ căn cứ để khởi tố hay không”.
Bà Nguyễn Thị Ánh (Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm):
“Khi Ngân hàng không còn chính sách giữ tiền tiết kiệm của hội viên, chúng tôi đã trả lại tiền tiết kiệm. Đồng thời, Ngân hàng cũng yêu cầu Chủ tịch Hội Phụ nữ, các tổ trưởng tổ vay vốn thông báo và chi trả tiền tiết kiệm cho các hội viên. Việc chị Tuyết giữ tiền tiết kiệm của hội viên là không được phép. Phía Ngân hàng cũng đã nhận được đơn tố cáo của người dân. Tuy nhiên, trong đơn tố cáo của người dân về hành vi chiếm dụng tiền của chị Tuyết còn nhiều điểm không có cơ sở. Thời gian tới chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương làm rõ việc này”.
Ông Đặng Quang Vinh (Bí thư Đảng ủy xã Suối Cát):
“Trước những đơn tố cáo, khiếu nại về hành vi của đồng chí Tuyết, Ban Chấp hành Đảng ủy xã đã cương quyết xử lý, không bao che. Mới đây, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn tố cáo của người dân về hành vi chiếm dụng tiền tiết kiệm của người dân. Tuy nhiên, có một điều khó khăn trong giải quyết vụ việc, đó là các giấy tờ để chứng minh số tiền mà người dân gửi tiết kiệm không đầy đủ. Đã nhiều lần tôi đến ngân hàng nhưng họ cũng không cung cấp được gì khác ngoài các văn bản chúng tôi đang có”.